Tính đến 8h 14/1, giá trị Bitcoin theo thống kê của Coindesk là hơn 37.500 USD, tăng hơn 14% chỉ trong 24 giờ, tương đương giá trị vốn hóa 699,3 tỷ USD.
Đây là đợt biến động giá đáng chú ý thứ 2 của Bitcoin trong năm. Trước đó vào 11/1, đồng tiền này chứng kiến đợt giảm giá mạnh nhất từ tháng 3/2020, từ hơn 37.000 USD xuống chỉ còn 30.500 USD nhưng nhanh chóng tăng trở lại.
Giá trị Bitcoin tăng trở lại sau đợt giảm giá ngày 11/1. Ảnh: Coindesk. |
Đồng Bitcoin từng áp sát mốc 42.000 USD vào ngày 8/1. Các chuyên gia giải thích nguyên nhân chủ yếu khiến giá Bitcoin lao dốc ngày 11/1 là áp lực chốt lời vào cuối tuần sau nhiều ngày tăng dựng đứng.
Từ tháng 11/2020, Bitcoin đã tăng giá mạnh, vượt mức kỷ lục vào tháng 12/2020 rồi lần lượt đạt các mốc 25.000 USD, 30.000 USD, 35.000 USD và gần chạm ngưỡng 42.000 USD. Tuy nhiên trước khi đạt 35.000 USD, đồng tiền này cũng trải qua một ngày thách thức tâm lý nhà đầu tư với mức giảm gần 20%.
Các nhà quan sát cho rằng giới đầu tư đổ tiền vào Bitcoin do nguồn cung tiền tăng vọt trên toàn cầu. Chính sách kích thích kinh tế, nới lỏng định lượng nhằm đối phó dịch bệnh của các quốc gia khiến nhiều đồng tiền hợp pháp mất giá. Dù vậy, giá trị biến động bất thường của Bitcoin khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng.
Trả lời CNN, ông Michael Hartnett, chiến lược gia đầu tư tại Bank of America Securities cho rằng Bitcoin là "mẹ của mọi bong bóng".
"Đồng tiền này đã tăng giá khoảng 1.000% trong 2 năm qua. Đáng nói, mức tăng đó lớn hơn nhiều những bong bóng từng xuất hiện vài thập kỷ trước", ông nhận định. Nhiều nhà đầu tư Phố Wall cũng cảnh báo việc Bitcoin tăng nóng là dấu hiệu của cơn "cuồng đầu cơ", từng xuất hiện hồi 2017.
Giá trị Bitcoin có nhiều biến động trong tuần này. Ảnh: Coin Telegraph. |
Trên Twitter, “cá mập” Mark Cuban của Shark Tank ngày 11/1 đã so sánh giao dich tiền mã hóa với bong bóng Dot-com vào cuối thập niên 1990 - hiện tượng cổ phiếu các công ty công nghệ, nhất là công ty Internet, được đầu cơ và đẩy giá lên cao trước khi vỡ vào năm 2001.
“Theo dõi giao dịch tiền mã hóa giống như bong bóng chứng khoán trên Internet… Tôi nghĩ BTC (Bitcoin), ETH (Ethereum) hay một số tiền mã hóa khác sẽ phát triển sau khi bong bóng vỡ giống Amazon, eBay và Priceline, trong khi những tiền mã hóa khác sẽ biến mất”, Cuban nhận định.
Cơ quan Quản lý Tài chính Vương quốc Anh (FCA) đã cảnh báo người mua tiền mã hóa nên sẵn sàng cho khả năng mất hết tài sản đầu tư.
“FCA nắm bắt thông tin một số doanh nghiệp đang đầu tư vào các loại tiền mã hóa, cung cấp dịch vụ cho vay, đầu tư với hứa hẹn lợi nhuận cao”, FCA cho rằng nếu đầu tư vào những loại sản phẩm này, người tiêu dùng nên sẵn sàng cho khả năng mất hết tiền.