Hiện công ty công nghệ sinh học của Đức BioNTech cùng với nhà sản xuất dược phẩm Mỹ Pfizer đang xem xét hiệu quả của vaccine trước biến chủng B.1.1.529 (Omicron). Quá trình nghiên cứu này sẽ mất khoảng 2 tuần. Nếu cần thiết, BioNTech sẵn sàng điều chỉnh vaccine để phù hợp hơn với biến chủng mới.
“Từ nhiều tháng trước, Pfizer và BioNTech đã chuẩn bị để có thể điều chỉnh vaccine mRNA trong 6 tuần, sau đó xuất xưởng các lô đầu tiên trong vòng 100 ngày nếu biến chủng mới nào đó trốn tránh hệ miễn dịch", tuyên bố của công ty nêu, Guardian đưa tin ngày 26/11.
Các nhà khoa học lo ngại biến chủng B.1.1.529 sẽ khiến các loại vaccine Covid-19 mất tác dụng. Ảnh: Reuters. |
Bên cạnh Pfizer/BioNTech, Moderna cho biết hãng đang thử nghiệm 3 ứng viên vaccine Covid-19 tăng cường chỉ để chống lại biến chủng Omicron.
“Ngay từ đầu, chúng tôi tin rằng khi tìm cách đánh bại đại dịch, điều buộc phải làm là chủ động khi virus phát triển", Stéphane Bancel, Giám đốc điều hành của Moderna, cho biết, đồng thời nói thêm công ty đang gấp rút tiến hành để giải quyết biến chủng này.
Johnson & Johnson hôm 26/11 xác nhận họ cũng thử nghiệm hiệu quả của vaccine đối với biến chủng mới. AstraZeneca đang tiến hành nghiên cứu ở Botswana và Eswatini - nơi biến chủng mới được xác định - để thu thập dữ liệu thực tế về cách vaccine hoạt động.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp biến chủng Omicron vào danh sách "đáng lo ngại", mức độ nghiêm trọng nhất. Các nghiên cứu ban đầu cho thấy biến chủng này có tổng cộng 32 đột biến bất thường ở gai protein, bộ phận vốn là mục tiêu chính của các loại vaccine ngừa Covid-19. Điều này làm dấy lên lo ngại biến chủng mới có khả năng kháng vaccine mạnh hơn.
Lo ngại biến chủng mới đã khiến một loạt nước áp đặt nhiều hạn chế đi lại với người đến từ châu Phi. Đến nay, người nhiễm biến chủng B.1.1.529 bên ngoài châu Phi đã được ghi nhận ở Israel, Bỉ và Hong Kong.