Sau những tổn thất nhân mạng nặng nề năm 2020, Bồ Đào Nha giờ đang nổi lên là điểm sáng trong cuộc chiến chống Covid-19 ở châu Âu. 98% người trong độ tuổi tiêm chủng đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19, vượt trội so với nhiều quốc gia châu Âu khác, theo CBS News.
Bình thường mới
Tại Bồ Đào Nha, cuộc sống đã trở lại bình thường. Các phương tiện giao thông công cộng một lần nữa chật kín người. Các nhà hàng tấp nập khách ra vào.
Lisbon’s Web Summit là một sự kiện thường niên quy tụ sự tham gia của các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu. Sau năm 2020 gián đoạn, năm nay, ban tổ chức một lần nữa chào đón sự trở lại của các gã khổng lồ làng công nghệ.
“Hồi tháng 9, Amazon cho biết họ sẽ tham dự. Sau đó là Facebook, Google, Apple, Microsoft”, Paddy Cosgrave, CEO của Web Summit, cho biết.
Hội nghị công nghệ Lisbon's Web Summit với 40.000 người tham dự. Ảnh: CBS. |
Để tổ chức sự kiện, ông Cosgrave cho biết Web Summit phải thường xuyên theo dõi diễn biến tỷ lệ tiêm chủng tại Bồ Đào Nha trước khi ra quyết định. Hơn 40.000 người đã tham dự sự kiện năm nay.
Từ tháng 2, Phó đô đốc Henrique Gouveia a Melo, một cựu chỉ huy lực lượng tàu ngầm Bồ Đào Nha, là người được bổ nhiệm lãnh đạo chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 của nước này. Khi đó, Bồ Đào Nha đang vật lộn với làn sóng dịch bệnh thứ 3.
“Trước công chúng, tôi luôn mặc bộ đồng phục chiến đấu, bởi chúng ta đang ở trong giai đoạn thời chiến”, ông Melo cho hay.
Vị chỉ huy biết đẩy lùi Covid-19 là một cuộc chiến đúng nghĩa với lằn ranh phân chia hai chiến tuyến.
“Chỉ có hai bên trong cuộc chiến này. Nếu không muốn chủng ngừa, bạn sẽ ở bên phe virus, tiếp tay cho virus. Hoặc bạn tiêm vaccine và đứng về phía của số đông”, ông Melo nói.
Bồ Đào Nha đã chủng ngừa đầy đủ cho 87% dân số, tương đương UAE. Ông Melo cho biết chiến dịch tiêm chủng của Bồ Đào Nha thành công nhờ công tác tổ chức, truyền thông, lãnh đạo và một số yếu tố khác.
“Tôi không phải chính trị gia, tôi ra các quyết định bên ngoài những tranh đấu chính trị. Phi chính trị hóa chiến dịch tiêm chủng là điều quan trọng”, ông Melo tuyên bố.
Guilherme Romana là người điều hành một trung tâm tiêm chủng ở thủ đô Lisbon. Cơ sở này luôn tấp nập người đến tiêm vaccine Covid-19 cũng như vaccine phòng cúm thông thường.
Ông Romana cho hay hệ thống y tế Bồ Đào Nha có một chương trình tiêm chủng hiệu quả kể từ sau cuộc chiến với bệnh bại liệt thập niên 1960. Người dân Bồ Đào Nha nói chung rất có ý thức tiêm vaccine, ông Romana nói.
“Người dân đã quen với việc tiêm vaccine. Tiêm chủng đã trở thành một thủ tục y tế thông thường kể cả với trẻ em”, ông Romana khẳng định.
Không ngại đeo khẩu trang
Trên khắp châu Âu, nhiều điểm nóng Covid-19 đang một lần nữa xuất hiện. Số ca mắc mới và tử vong vì Covid-19 đang dâng cao ở Bulgaria, nơi tỷ lệ người tiêm đủ liều vaccine chỉ là 22%. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ sẽ có thêm 500.000 người ở khu vực châu Âu tử vong vì Covid-19 đến đầu tháng 2/2022.
“Chúng tôi quan ngại (trước diễn biến dịch bệnh ở châu Âu). Nhưng lúc này số ca bệnh ở Bồ Đào Nha vẫn ở mức thấp so với những nước khác và chúng tôi đang được vaccine bảo vệ”, ông Romana nói.
Maria Mota là một nghiên cứu sinh về dịch bệnh truyền nhiễm tại Viện nghiên cứu Molecular Medicine. Cô cho biết virus ở Bồ Đào Nha vẫn lây nhiễm trong cộng đồng nhưng số người chết ở mức thấp.
Người dân Bồ Đào Nha chấp hành nghiêm túc quy định đeo khẩu trang tại nơi công cộng, số người phản đối đeo khẩu trang chỉ là thiểu số.
Cuộc sống bình thường đã trở lại Bồ Đào Nha. Ảnh: AP. |
“Với chúng tôi, bắt buộc đeo khẩu trang không liên quan gì đến quyền tự do. Chúng tôi từng sống dưới chế độ độc tài mãi tới 1974, chúng tôi hiểu tước đoạt tự do là điều hoàn toàn khác”, cô Mota nói.
Mota cho rằng đeo khẩu trang không phải cản trở lớn trong cuộc sống và khẩu trang sẽ còn cần thiết trong thời gian trước mắt.
“Virus sẽ tiếp tục lan truyền, bởi vậy chúng ta cần học cách sống chung với virus”, Mota nói.
Bất chấp những thành công của chiến dịch tiêm chủng, cô Mota cho rằng việc ăn mừng vào lúc này vẫn còn quá sớm. Nghiên cứu sinh này cho rằng chiến dịch tiêm chủng chỉ thực sự thành công khi người dân mọi quốc gia trên thế giới đã tiếp cận được vaccine.
“Tôi tin đại dịch này là lời nhắc nhở cho chúng ta rằng chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa. Thành công ở Bồ Đào Nha không có nghĩa người dân tại những nước khác đã được an toàn”, Mota nói.