Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Chương trình số 57-CTr/TU về "Tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân lao động". Qua gần 2 năm triển khai, Bình Dương đã cụ thể hóa bằng nhiều chương trình, chính sách thiết thực hướng về CNLĐ.
Phát biểu tại Tọa đàm "Nguồn nhân lực chất lượng cao cho Bình Dương và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dành cho biết: "Bình Dương sẽ tiếp tục xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực với nhiều nội dung, giải pháp, phù hợp với từng đối tượng được đào tạo. Đối với công nhân, lực lượng lao động trực tiếp trong các nhà máy, công ty sẽ quan tâm đến việc đào tạo theo hướng nâng cao tay nghề, kỹ năng, tác phong công nghiệp".
Bình Dương quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe cho CNLĐ. |
Bên cạnh việc chú trọng công tác đào tạo nâng cao tay nghề đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập cho NLĐ, Bình Dương còn quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe, tạo môi trường làm việc an toàn, lành mạnh cho CNLĐ. Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Kim Loan cho biết tỉnh tập trung đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Quyết định số 659/QĐ-TTg ngày 20/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình "Chăm sóc sức khỏe NLĐ, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020 - 2030".
Bình Dương hiện có gần 1,3 triệu CNLĐ, tỷ lệ CNLĐ/số người trong độ tuổi lao động đạt khoảng 77%. Trong những năm qua, tỉnh dành nhiều sự quan tâm, thực hiện kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cùng các chính sách của tỉnh liên quan đến công nhân, NLĐ.
Nhiều năm qua, Bình Dương triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ cho NLĐ xa quê vui Xuân, đón Tết. Từ các chương trình kết nối đã có hàng trăm nghìn CNLĐ xa quê được hỗ trợ thông qua những mô hình: Chuyến tàu xuân nghĩa tình, chương trình Tết nhân ái, Chợ Tết Công đoàn…
Chỉ tính riêng trong dịp Tết Nguyên đán 2023, khoảng 46.500 CNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ với tổng số tiền 46,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh. Trong đó, tổ chức công đoàn tặng hơn 82.800 suất quà cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn tài chính công đoàn, hỗ trợ hơn 5.600 vé tàu hỏa, 31 vé máy bay khứ hồi, 2.700 vé xe đưa đoàn viên, NLĐ về quê đón Tết.
Bình Dương tiếp tục xây dựng "Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Đề án đề ra mục tiêu đến năm 2030 đầu tư khoảng 172.800 căn nhà ở xã hội, tổng diện tích đất khoảng 612 hecta, diện tích sàn xây dựng ước đạt khoảng hơn 10 triệu m2, đáp ứng cho khoảng trên 678.000 người với tổng mức đầu tư khoảng 92.600 tỷ đồng, cao gấp 2 lần chỉ tiêu được Chính phủ giao, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, NLĐ tại các khu, cụm công nghiệp.
Xác định cộng đồng doanh nghiệp và NLĐ là động lực quan trọng hàng đầu quyết định sự phát triển của tỉnh nhà, Bình Dương đã và đang tiếp tục có những chủ trương, chính sách và hành động cụ thể, thiết thực tạo mọi điều kiện tốt nhất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời giúp cho CNLĐ yên tâm lập nghiệp và sinh sống, tiếp nối hành trình xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển nhanh và bền vững.
Sau hơn 8 năm triển khai đề án Thành phố thông minh Bình Dương, đề án chiến lược đột phá kinh tế xã hội toàn tỉnh, và định hướng theo mô hình Ba Nhà (Nhà nước – Nhà trường – Nhà Doanh nghiệp); tỉnh Bình Dương tự hào vì đã nhận được những danh hiệu đáng quý. Trong đó, một số danh hiệu tiêu biểu là Cộng đồng Thông minh của năm 2023 do tổ chức Cộng đồng Thông minh Thế giới công nhận vào tháng 10 tại New York, Giải thưởng về Giải pháp Quản lý, Điều hành Đô thị Thông minh IOC do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam chứng nhận.