Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Bình Dương muốn thúc đẩy 'du lịch công nghiệp', kết nối Đông Nam Bộ

Ngành du lịch tỉnh Bình Dương tiếp tục phát triển làng nghề truyền thống, song song với đẩy mạnh du lịch “công nghiệp” để kết nối với các tỉnh Đông Nam Bộ.

Bình Dương hiện có 13 di tích cấp quốc gia và 50 di tích cấp tỉnh. Nơi đây còn in đậm dấu ấn một thời vàng son với các làng nghề sơn mài, gốm, lò lu và nhiều lễ hội truyền thống thu hút khách thập phương.

Xuất phát điểm là một tỉnh nông nghiệp, sau hơn 25 năm phát triển, Bình Dương hiện nay đã là "thủ phủ công nghiệp" với hàng loạt khu công nghiệp hiện đại, nhiều khu vui chơi, giải trí, ẩm thực đa dạng. Đây là địa phương có cả 2 loại hình du lịch truyền thống và hiện đại xen kẽ nhau.

Từ giữa năm 2020, Bình Dương cùng với TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ. Trong 2 năm qua, các địa phương đã đón hơn 73,5 triệu lượt khách du lịch, (hơn 70,4 triệu khách nội địa, hơn 3 triệu khách quốc tế), với tổng doanh thu đạt hơn 260 tỷ đồng.

"Để kết nối du lịch với các tỉnh Đông Nam Bộ, Bình Dương vẫn giữ thế mạnh du lịch làng nghề. Bên cạnh đó, địa phương còn đặt tham vọng phát triển du lịch công nghiệp như một nét đặc trưng riêng biệt không trùng lặp với bất cứ đâu", ông Nguyễn Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương, nói trong cuộc trao đổi với Zing.

Thế mạnh du lịch đường sông, làng nghề truyền thống

Ông Phong dẫn chứng sau đại dịch Covid-19, du lịch tỉnh Bình Dương đang có dấu hiệu phục hồi. Năm 2022, ước tính có 1,8 triệu lượt khách đến tỉnh, trong đó có 240.000 lượt khách quốc tế.

Chỉ cách trung tâm TP.HCM khoảng 30 km, Bình Dương đón một lượng khách lớn từ TP.HCM đổ về mỗi dịp cuối tuần, lễ, Tết.

"Bình Dương đang xây dựng các bến thủy nội địa để thu hút du lịch mới ở đường sông. Làng nghề là sản phẩm đặc biệt cũng được tỉnh ưu tiên đẩy mạnh"

Ông Nguyễn Thanh Phong

“Tuy vậy, khách đến Bình Dương thường chỉ đi trong ngày, lượng phòng lưu trú ở tỉnh không lớn nhưng công suất vẫn thấp hơn kỳ vọng”, ông Phong bày tỏ.

Để kết nối với du lịch các tỉnh lân cận, Bình Dương dự kiến tạo địa điểm kết nối chính là khu vực hồ Dầu Tiếng - một hồ nước nhân tạo nằm trên địa bàn 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước.

du lich Binh Duong anh 1

Làng nghề gốm là địa điểm nhiều khách du lịch ghé thăm, tham quan, mua sắm tại Bình Dương. Ảnh: Phạm Ngôn.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, du khách có thể tham quan TP.HCM rồi từ đi Tây Ninh tham quan núi Bà Đen, sau đó quay về hồ Dầu Tiếng nghỉ dưỡng. Tuyến thứ 2 đang được địa phương dự kiến triển khai là TP.HCM - Bình Dương - Bình Phước. Với tour này, du khách sẽ dừng chân ở Bình Dương tham quan di tích, mua sắm gốm sứ, thủ công mỹ nghệ.

Với lợi thế sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Bé... chảy qua địa bàn, Bình Dương sở hữu cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái đa dạng. Những vườn cây trái xanh mướt thích hợp cho việc phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục kết nối tour, tuyến với các địa phương, tập trung sản phẩm chính là làng nghề sơn mài, gốm sứ và đẩy mạnh dịch vụ vui chơi, giải trí, ẩm thực, du lịch đường sông,...

“Chúng tôi đang xây dựng các bến thủy nội địa để thu hút du lịch mới ở đường sông. Làng nghề là sản phẩm đặc biệt cũng được Bình Dương ưu tiên đẩy mạnh; 5 sân golf đang được tỉnh khai thác”, ông Phong nói.

Phát triển du lịch “công nghiệp"

Điểm đặc biệt nhất trong định hướng phát triển du lịch Bình Dương, theo lãnh đạo Sở Văn hóa, là "du lịch công nghiệp”. Tỉnh xem đây là lĩnh vực được chú trọng nhất trong định hướng phát triển du lịch của địa phương.

Bình Dương là một trung tâm công nghiệp lớn của cả nước với rất nhiều khu công nghiệp nổi tiếng. Theo ông Phong, tỉnh Bình đang kết hợp cùng Tập đoàn Becamex tổ chức các tour để du khách vừa tham quan các khu công nghiệp, nghỉ dưỡng, vui chơi, vừa kết hợp đầu tư.

"Bình Dương xem 'du lịch công nghiệp' là mối quan tâm đầu tư để phát triển du lịch"

Ông Nguyễn Thanh Phong

"Vừa qua, Bình Dương tổ chức hội nghị may mặc, các chương trình hợp tác đầu tư nước ngoài thu hút rất nhiều du khách. Chúng tôi sẽ kết hợp với doanh nghiệp, ban quản lý khu công nghiệp phát triển lĩnh vực này", ông Phong nêu định hướng.

Chia sẻ từ góc độ của một công ty lữ hành, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing TST tourist, nêu xu thế hiện nay, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Đồng Nai đang nỗ lực tìm kiếm những sản phẩm mới lạ, độc đáo để thu hút du khách.

Còn Bình Dương, Bình Phước với ưu thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, làng nghề, cần phát huy yếu tố riêng trong loại hình du lịch cộng đồng, làng nghề, du lịch sức khoẻ, du lịch trải nghiệm tự nhiên, văn hoá ẩm thực. Sự bổ sung những điểm nhấn này giúp doanh nghiệp lữ hành dễ tìm kiếm "nguyên liệu" để xây dựng các tour thú vị, thu hút du khách.

du lich Binh Duong anh 2

Điểm khác biệt nhất của Bình Dương với các tỉnh Đông Nam Bộ là có nhiều khu công nghiệp. Ngành du lịch địa phương đang định hướng đẩy mạnh du lịch “công nghiệp” trong thời gian tới. Ảnh: Quỳnh Danh.

"Nơi lưu trú đạt chuẩn, phù hợp với tính chất các loại hình du lịch là yếu tố mà Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai cần quan tâm để du khách có trải nghiệm nhiều hơn", ông Mẫn nêu quan điểm.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở Văn hóa cho rằng phát triển nhân sự du lịch cũng đặc biệt quan trọng trong bối cảnh sau dịch Covid-19, khi địa phương thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng. Các đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh chủ yếu phụ thuộc vào TP.HCM. Do đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Bình Dương đang liên kết với một số địa phương tổ chức đào tạo để bổ sung nhân lực trong tương lai.

Tại Hội nghị sơ kết liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam diễn ra ngày 29/11, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết sẽ tập trung đổi mới, hoàn thiện cơ chế về liên kết hợp tác phát triển du lịch, đồng hành cùng các địa phương để tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường và điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp bứt tốc, phát triển hiệu quả, bền vững.

Trước sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, nhiều mô hình kinh doanh ra đời, cùng với đó là những thách thức đan xen cơ hội mới sau đại dịch Covid-19, tỉnh Bình Dương xác định không ngừng thực hiện các chiến lược đột phá kinh tế - xã hội. Địa phương khẳng định sẽ tiếp tục quyết liệt phát triển đề án thành phố thông minh lên tầm cao mới, đón làn sóng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Với tầm nhìn đó, tỉnh Bình Dương đang từng bước hình thành vùng đổi mới sáng tạo, tạo động lực phát triển mới, hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong điều kiện mới.

Những cuốn sách hay về miền Nam

Đế quốc An Nam và người dân An Nam - bên cạnh thông tin tổng quan về địa lý, sản vật, tập quán ở nước ta hồi thế kỷ XIX, nhiều thông tin quan trọng về sông Mekong, địa lý Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhất là Sài Gòn xưa, được ghi chép chi tiết.

Ký họa về Đông Dương - Nam Kỳ là một bộ tranh gồm hàng trăm bức ký họa có giá trị nghệ thuật đặc sắc, phản ánh trực quan, sinh động về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa ở Sài Gòn và Nam Kỳ đầu thế kỷ XX.

6 địa phương bàn hướng liên kết du lịch vùng Đông Nam Bộ

Liên kết sản phẩm du lịch của 6 tỉnh, thành được kỳ vọng góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư phát triển du lịch đến các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ.

Anh Nhàn

Bạn có thể quan tâm