Katie Jones dường như hoàn toàn phù hợp với khung cảnh chính trị ở Washington. Theo hồ sơ trên LinkedIn của cô, người phụ nữ tóc đỏ, khoảng hơn 30 tuổi, đang làm việc tại một trong những viện chính sách hàng đầu, và có mối quan hệ sâu rộng với các chuyên gia và học giả khác, từ viện Brookings trung lập, cho đến quỹ Heritage cánh hữu.
Theo AP, Jones dường như cũng quen nhiều người khác bao gồm phó trợ lý bộ trưởng ngoại giao, phụ tá của một thượng nghị sĩ và nhà kinh tế học Paul Winfree, người đang được cân nhắc cho một ghế trong hội đồng 7 thống đốc (đang trống 2 chỗ) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Nhìn thoáng qua, tài khoản Katie Jones có vị trí làm việc và kinh nghiệm rất đáng nể. Nhưng tất cả chỉ là "chém gió", Katie Jones không hề tồn tại ngoài đời thực và các chuyên gia nhận định đây là tài khoản giả được dựng lên với mục đích tìm kiếm thông tin tình báo. Ảnh: AP. |
Không hề tồn tại
Nhưng sự thật thì Katie Jones không hề tồn tại. Thay vào đó, nhân vật này chỉ là một trong binh đoàn những tài khoản ma xuất hiện trên mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn. Các chuyên gia xem xét hoạt động của tài khoản này và cho biết đây là điển hình của việc gián điệp chuyên nghiệp trên mạng. LinkedIn, với vai trò là kho lưu trữ khổng lồ các tấm danh thiếp, đã trở thành mỏ vàng để các điệp viên tìm kiếm đối tượng.
Jonas Parello-Plesner, Giám đốc chương trình của viện chính sách Quỹ Đồng minh Dân chủ (ADF) có trụ sở tại Đan Mạch, cho rằng: "Thứ này rất giống một chiến dịch được tổ chức bởi một chính phủ". Chính ADF là mục tiêu của chiến dịch phản gián diễn ra cách đây vài năm, có nguồn gốc từ LinkedIn.
William Evanina, Giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết tình báo nước ngoài thường xuyên sử dụng các tài khoản giả mạo trên mạng xã hội để nhắm vào các mục tiêu ở Mỹ. Ông Evanina cũng cáo buộc cụ thể Trung Quốc trong việc tấn công quy mô lớn trên LinkedIn.
"Thay vì phái điệp viên đến một bãi đỗ xe ở Mỹ để chiêu mộ nguồn tin, việc hiệu quả hơn là ngồi sau máy tính ở Thượng Hải và gửi yêu cầu kết bạn tới 30.000 đối tượng", ông Evanina chia sẻ với AP.
Đừng kết bạn với bất cứ ai
Tháng trước, sĩ quan CIA đã nghỉ hưu Kevin Mallory bị kết án 20 năm tù vì chuyển cho Bắc Kinh chi tiết về các hoạt động đặc biệt bí mật. Mối quan hệ này bắt đầu khi một đặc vụ Trung Quốc đóng giả làm nhà tuyển dụng, liên lạc với Mallory trên LinkedIn.
Mỹ từng công khai chỉ trích Trung Quốc và cáo buộc Bắc Kinh đứng sau các hoạt động gián điệp mạnh mẽ diễn ra trên mạng xã hội LinkedIn. Ảnh: Reuters. |
Không giống như Facebook, nơi có các mối quan hệ bạn bè, gia đình và nhiều thứ đa dạng khác, LinkedIn hoàn toàn tập trung vào công việc, nơi người tìm việc và các nhà tuyển dụng kết nối để thỏa mãn nhu cầu đôi bên. Điều này dẫn tới việc mạng xã hội này trở thành nơi lý tưởng để các điệp viên săn lùng mục tiêu, và kết quả là LinkedIn khiến các cơ quan tình báo phương Tây lo lắng.
Các quan chức Anh, Pháp và Đức đều đưa ra cảnh báo trong vài năm qua, nêu chi tiết về hàng nghìn trường hợp trong đó các công dân bị các điệp viên nước ngoài tiếp cận qua LinkedIn.
LinkedIn cho biết họ thường xuyên dọn dẹp và xóa bỏ các tài khoản giả mạo. Hàng nghìn tài khoản kiểu này đã biến mất trong 3 tháng đầu năm 2019, nhưng mạng xã hội cũng khuyến cáo người dùng nên kết bạn với những người mà họ biết hoặc tin tưởng ngoài đời thực, chứ không nên kết bạn với bất cứ ai.
Hồ sơ Katie Jones khá khiêm tốn, với chỉ 52 kết nối. Nhưng những kết nối này đều là những người có danh tiếng, khiến cho hồ sơ giả mạo nhanh chóng được chấp thuận bởi những người đến sau.
AP đã trao đổi với khoảng 40 người chấp nhận lời đề nghị kết bạn với tài khoản Katie Jones từ tháng 3 đến tháng 4 năm nay, rất nhiều trong số họ cho biết mình thường xuyên đồng ý lời mời của người mà họ không nhận ra.
"Có lẽ tôi là người dùng tệ nhất trong lịch sử LinkedIn", nhà kinh tế học Winfree cho biết. Ông chia sẻ rằng mình thường xuyên vào LinkedIn và chấp nhận mọi lời mời kết bạn.
Lionel Fatton, giảng viên khoa các vấn đề Đông Á tại Đại học Webster ở Geneva, chia sẻ rằng ông có lưỡng lự vì không biết Jones là ai sau khi nhận được lời mời kết bạn hồi tháng 3. "Tôi do dự nhưng sau đó tôi nghĩ 'điều này có gì hại đâu?'", ông Fatton cho biết.
Chuyên gia Parello-Plesner cho rằng điều có hại tồn tại, nhưng rất tinh vi. Việc mọi người chấp nhận kết nối với một hồ sơ như Jones giúp cho bất cứ ai đứng sau tài khoản giả mạo này có thể bắt đầu tiếp cận những người dùng khác trên LinkedIn, và những người dùng, sau khi nhìn thấy kết nối của Katie Jones với một nhân vật có tiếng tăm, sẽ coi đó là một loại chứng thực.
"Bạn hạ thấp cảnh giác của mình và bạn cũng khiến người khác mất cảnh giác", ông Parello-Plesner nhận định.
Người đầu tiên nghi ngờ sự xác thực của Katie Jones là Keir Giles, chuyên gia về Nga của viện chính sách Chatham House ở London. Mới đây, ông Giles đã bị tiếp cận bởi một điệp viên với danh tính giả mạo vì vậy khi nhận được lời mời kết bạn của Jones, chuyên gia này tỏ ra cảnh giác.
Ông Keir Giles, chuyên gia về Nga của Viện Chatham ở London, là người đầu tiên nghi ngờ tính xác thực của tài khoản giả mạo Katie Jones. Ảnh: AP. |
"Cô ấy nói đã làm việc nhiều năm với tư cách là 'học giả về Nga và Á-Âu' tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington. Nhưng nếu đó là sự thật thì chắc là tôi đã nghe tới cô ấy trước đây", ông Giles cho biết.
Người phát ngôn của CSIS, Andrew Schwartz, khẳng định với AP rằng không có ai tên Katie Jones làm việc cho tổ chức.
Jones cũng tuyên bố mình đã có bằng nghiên cứu tiếng Nga từ Đại học Michigan, nhưng trường cho biết không có học sinh nào với tên như vậy học tiếng Nga ở đây.
Khuôn mặt từ AI
Tài khoản Katie Jones biến mất khỏi LinkedIn ngay sau khi AP liên hệ với mạng xã hội để bình luận về vụ việc. Một số chuyên gia cho rằng hình ảnh đại diện của Jones dường như được tạo ra bởi một chương trình máy tính.
Mario Klingemann, nghệ sĩ thị giác người Đức, người từng nhiều năm thử nghiệm tạo ra các bức chân dung từ AI, cho rằng bức ảnh có "tất cả các đặc điểm nổi bật" của một chân dung được tạo ra từ máy tính.
Klingemann và các chuyên gia khác cho biết bức ảnh - chụp một phụ nữ với đôi mắt màu xanh lục, mái tóc màu đồng và nụ cười đầy mê hoặc - được tạo ra bằng cách sử dụng một chương trình máy tính có tên gọi là GAN, có thể tạo ra khuôn mặt trông như thật của một người hoàn toàn không có thật.
Các chuyên gia xác định bức ảnh đại diện của tài khoản Katie Jones được tạo bởi một chương trình máy tính. Ảnh: AP. |
Ông Hao Li, người điều hành phòng thí nghiệm đồ họa tại Viện Công nghệ Sáng tạo của Đại học Nam California (USC), chỉ ra danh sách những đặc điểm khiến ông tin rằng bức ảnh được tạo bởi chương trình máy tính, trong đó có sự không nhất quán quanh đôi mắt nhân vật, ánh sáng xung quanh tóc và những vết mờ trên má bên trái.
"Đây là một bức ảnh GAN điển hình. Tôi cá là như thế", chuyên gia này cho biết.