Hàng loạt cơ quan thông tấn Ấn Độ đưa tin Thủ tướng Narendra Modi tuần tới sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin, bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Kyrgyzstan, với trọng tâm là những lo ngại trước chính sách bảo hộ thương mại mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi.
Bắc Kinh tìm kiếm đồng minh từ SCO
Hội nghị SCO năm nay diễn ra ngay trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập tại hội nghị G20 tổ chức ở Nhật Bản, nơi hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung dự kiến có cuộc đối thoại nhằm giải quyết tranh chấp thương mại đã leo thang căng thẳng suốt nhiều tháng qua, và thậm chí lan sang những lĩnh vực khác như công nghệ và địa chính trị.
Tổng thống Trump hôm 11/6 đã đe dọa sẽ bổ sung thuế trừng phạt chống Trung Quốc nếu Chủ tịch Tập từ chối gặp mặt tại Osaka. Ông chủ Nhà Trắng cũng đã kêu gọi các đồng minh tham gia chiến dịch bao vây cô lập Trung Quốc về kinh tế.
Trước sức ép từ Washington, Bắc Kinh đã chìa tay đề nghị trợ giúp từ các nước có chung lợi ích, trong đó có Nga, quốc gia ông Tập Cận Bình có chuyến thăm 4 ngày hồi tuần trước, nơi nhà lãnh đạo Trung Quốc mô tả Tổng thống Putin là "người bạn thân nhất".
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin tại Diễn đàn Kinh tế St. Petersburg tổ chức tại Nga hôm 7/6. Ảnh: AFP. |
Ấn Độ là một trong những quốc gia đã bày tỏ lo ngại trước tác động mà chính sách bảo hộ của Nhà Trắng gây ra. Các chuyên gia nhận định có khả năng New Delhi sẽ sử dụng cơ chế của SCO để bày tỏ sự bất mãn của mình với Washington, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ vừa đưa Ấn Độ ra khỏi danh sách các quốc gia được ưu đãi theo chương trình thương mại đặc biệt.
SCO, tổ chức vốn được ví von là "liên minh của phương Đông", được cho là có ý định xây dựng một nền tảng hợp tác chính trị, kinh tế và an ninh mới thay thế cho hệ thống quốc tế do Mỹ và phương Tây chi phối từ sau Chiến tranh Lạnh.
"Hội nghị thượng đỉnh SCO sẽ là cơ hội để Trung Quốc củng cố quan hệ và đề nghị thiết lập hệ thống thương mại đa phương có thể là một cách để tăng cường quan hệ song phương, trong bối cảnh thương mại là một trong những mục tiêu công kích của chính sách thương mại dưới thời Trump", Zhang Baohui, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương thuộc Đại học Lĩnh Nam ở Hong Kong, nhận định.
Ông Zhang cho rằng trong bối cảnh chiến tranh thương mại cũng như sự đối đầu chiến lược ngày càng mở rộng với Mỹ, Trung Quốc mong muốn cải thiện quan hệ với các quốc gia khác, đặc biệt là Nga và Ấn Độ.
Ấn Độ giữa lựa chọn Trung - Mỹ
Rajeev Ranjan Chaturvedy, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, cho rằng quan ngại của Ấn Độ về chính sách bảo hộ của Tổng thống Trump "có liên quan tới các vấn đề mà lĩnh vực công nghệ thông tin Ấn Độ đang gặp phải, việc áp thuế lên nhôm và thép, sản phẩm nông nghiệp và quyền sở hữu trí tuệ".
"Bước đi mới đây của ông Trump - rút Ấn Độ khỏi danh sách ưu đãi thương mại đặc biệt vốn đã có từ 30 năm qua - lập tức tạo ra một lo ngại mới cho Delhi", ông Chaturvedy đánh giá.
Đối với thỏa thuận mới với Trung Quốc, Ấn Độ hiện quan tâm tới thương mại dịch vụ, nền kinh tế thông tin và quyền tiếp cận thị trường 1,4 tỷ dân. Bên cạnh đó, chuyển giao công nghệ và địa phương hóa dữ liệu cũng là những lĩnh vực quan trọng Ấn Độ muốn bảo vệ quyền lợi của mình.
Một số nhà phân tích nhận định mục tiêu chính của Ấn Độ là duy trì cân bằng, cả về kinh tế lẫn chiến lược, giữa Washington và Bắc Kinh.
Tổng thống Putin, Thủ tướng Modi và Chủ tịch Tập tại Hội nghị thượng đỉnh SCO năm 2016. Ảnh: AP. |
Sampa Kundu, phó giáo sư tại Viện Nghiên cứu Symbiosis của Ấn Độ, cho rằng bất chấp những khác biệt lớn giữa hai nước, Ấn Độ và Trung Quốc đều hiểu tầm quan trọng của đối phương, cả ở tầm khu vực và quốc tế. Xét về mọi phương diện, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều là những thế lực quan trọng, cả tại châu Á cũng như trên bàn cờ địa chính trị toàn cầu.
"Hội nghị thượng đỉnh SCO sắp tới có thể đóng vai trò quan trọng, củng cố quan hệ của Ấn Độ với các cường quốc khu vực và thế giới", ông Kundu nhận định. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng New Delhi nhiều khả năng tiếp tục ủng hộ chính sách kiểm tỏa Trung Quốc của Mỹ, một phần trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở.
Các chuyên gia hiện cũng mù mờ về tính thực tế của bất cứ hệ thống thương mại đa phương nào được giới thiệu tại SCO có thể thay thế hệ thống thương mại do Mỹ lãnh đạo đã ổn định suốt hàng chục năm nay.
"Cả Nga và Ấn Độ đều không phải là những cường quốc thương mại trong hệ thống kinh tế toàn cầu", ông Zhang nhận xét.
Chuyên gia từ Đại học Lĩnh Nam cho rằng nhiều quốc gia với nền kinh tế hùng mạnh, trong đó có các nền kinh tế ở châu Âu và Nhật Bản, đã cất tiếng nói quan ngại về chính sách đơn phương của chính quyền Trump, nhưng họ muốn củng cố hệ thống đa phương WTO, thay vì bắt đầu với một điều hoàn toàn mới