Ngày 13/6, đại tá Huỳnh Bảo Nguyên, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Định, cho biết đơn vị đang rà soát, xử lý các băng nhóm hoạt động cho vay nặng lãi trên địa bàn.
Các nhóm tín dụng đen không chỉ bùng phát mạnh ở đô thị mà đã len lỏi về các vùng nông thôn Bình Định. Việc tính lũy kế tiền lãi (lãi suất 40-60%/tháng) vào tiền gốc khi người vay không trả đúng hạn đã dẫn đến tình trạng lãi mẹ đẻ lãi con. Khi người vay không có khả năng trả nợ, một số ổ nhóm gọi điện hăm dọa, tạt mắm, tạt sơn vào nhà để uy hiếp.
"Chúng tôi kiến nghị lãnh đạo tỉnh lập đoàn kiểm tra liên ngành, triển khai kế hoạch chuyên đề triệt xóa nạn tín dụng đen ở TP Quy Nhơn và các địa phương", đại tá Nguyên nói.
Thống kê sơ bộ của Công an tỉnh Bình Định, từ năm 2019 đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố hơn 35 vụ với hơn 100 người liên quan hoạt động tín dụng đen. Riêng năm 2020, công an tỉnh này đã triệt xóa 6 nhóm, khởi tố hơn 20 người cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cũng yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra, quản lý chặt các cơ sở núp bóng dưới danh nghĩa cho vay, hỗ trợ tài chính, cầm đồ, người liên quan hoạt động tín dụng đen nhằm phát hiện, xử lý các vi phạm. TP Quy Nhơn và các huyện, thị trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm vận động người dân mạnh dạn tố giác với các cơ quan chức năng để xử lý hiệu quả các băng nhóm, các tổ chức cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê.
Một nhà dân ở TP Quy Nhơn (Bình Định) bị nhóm đòi nợ tạt sơn. Ảnh: Công an cung cấp. |
Cùng ngày, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cũng yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
Theo ông Minh, tình trạng các đối tượng kêu gọi, huy động vốn, hứa hẹn trả lãi suất cao dưới các hình thức hụi, biêu, đa cấp tài chính, tiền ảo, đáo hạn ngân hàng... nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn diễn biến phức tạp, nhất là các đối tượng lập sàn giao dịch ảo để kêu gọi đầu tư.
Lãnh đạo Quảng Ngãi đã giao cho công an tỉnh rà soát các băng nhóm hoạt động tín dụng đen; chủ động áp dụng ngay các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, thu thập tài liệu để xử lý hình sự.
Theo Công an Quảng Ngãi, các nhóm cho khách hàng vay với lãi suất cao 243-387%/năm. Từ năm 2020 đến nay, hàng người hợp ở TP Quảng Ngãi và các huyện Mộ Đức, Bình Sơn, Tư Nghĩa đã vay nặng lãi của các đường dây tín dụng đen này.
Tình trạng “khủng bố” để đòi nợ liên lục được phản ánh tại các cuộc tiếp xúc cử tri. bà Lý Tiết Hạnh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, cho biết nhiều lần cử tri có nhắc đến các vấn đề về cho vay nặng lãi, tín dụng đen, đòi nợ thuê... Đây là hành vi vi phạm pháp luật, chính quyền cần có các biện pháp can thiệp, xử lý nghiêm, kịp thời để trấn áp.
“Với trách nhiệm là đại biểu Quốc hội, tôi đề nghị Bộ Công an cần tiếp tục đẩy mạnh các chuyên án truy quét, triệt tiêu, giải quyết triệt để tình trạng cho vay nặng lãi, đòi nợ tín dụng đen”, bà Hạnh nói.