Khoảng 12h30 chiều 30/5, khi người dân New York tràn vào lối đi bộ ở công viên Battery, trên không trung một chiếc máy bay nhỏ lướt qua Tượng Nữ thần Tự do và hòa mình vào quang cảnh trên dòng sông Hudson.
Phía sau máy bay là tấm biểu ngữ có dòng chữ: "Họ sẽ giết tôi". Đây là một trong những lời cuối của George Floyd, người đàn ông Mỹ gốc Phi bị viên cảnh sát da trắng ghì cổ chết hôm 25/5 ở thành phố Minneapolis. Cái chết của Floyd đã châm ngòi cho phong trào biểu tình trên toàn nước Mỹ những ngày qua.
Dòng chữ "Làm ơn, tôi không thể thở được" - là lời cuối của George Floyd - bay trên nền trời ở thành phố Detroit, Mỹ, hôm 30/5. Ảnh: Jammie Holmes. |
"Cuộc biểu tình trên không trung"
Những biểu ngữ tương tự ghi lại lời cuối của Floyd cũng được nhiều máy bay khác giăng trên nền trời của các thành phố trên khắp nước Mỹ, như dòng chữ "Làm ơn, tôi không thể thở được" ở trung tâm thành phố Detroit, dòng chữ "Bụng tôi đau quá" bay trên nền trời Miami, dòng chữ "Cổ tôi bị đau" lơ lửng trên đầu đoàn người biểu tình ở Dallas, và dòng chữ "Chỗ nào cũng bị đau" trên bầu trời Los Angeles.
"Cuộc biểu tình trên không trung" này là tác phẩm của Jammie Holmes, nghệ sĩ mới nổi ở Dallas.
Trong những ngày vừa qua, bạo lực, cướp bóc, xô xát và hỗn loạn là hình ảnh phổ biến tại các thành phố lớn của Mỹ, trong bối cảnh nhà chức trách tăng cường lực lượng để dập tắt các cuộc bạo loạn trên toàn quốc bằng đạn cao su, hơi cay cũng như dùi cui. Nhiều người biểu tình quá khích thậm chí còn xông vào đập phá các cửa hiệu và hôi của, gây ra thiệt hại không hề nhỏ cả về người lẫn vật chất.
"Tôi nghĩ rằng so với việc đổ ra đường, đây là cách hữu hiệu hơn để đưa ra thông điệp", Holmes nói với New York Times và cho biết thêm rằng trước đây, máy bay giăng biểu ngữ chủ yếu được sử dụng để quảng cáo cho các giải đấu golf ở nơi anh sống.
"Hoặc người giàu cũng dùng nó để giăng biểu ngữ cầu hôn như 'Lấy anh nhé?'", Holmes cho biết.
Biểu ngữ "Họ sẽ giết tôi" bay trên nền trời thành phố New York. Ảnh: Jammie Holmes. |
Sau khi xem video ghi lại cảnh viên sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin ghì đầu gối lên cổ Floyd, mặc cho người đàn ông da đen 46 tuổi cầu xin, Holmes tới Library Street Collective, một phòng trưng bày ở Detroit nơi anh hợp tác, để xin tài trợ cho ý tưởng của mình.
Mọi thứ được hoàn tất trong vòng 48 giờ đồng hồ. Trên trang web cá nhân, họa sĩ trẻ này mô tả dự án là "hành động thể hiện trách nhiệm xã hội và sự phản kháng".
Nghệ sĩ trẻ và đề tài người da đen ở Mỹ
Trong tranh vẽ của mình, Holmes thường đề cập tới chủ đề cuộc sống thường ngày của người da đen tại Mỹ. Trọng tâm của các bức tranh là những người Mỹ gốc Phi và xung quanh là nhiều mảng màu, hình ảnh trừu tượng. Các tác phẩm của anh được một số người nổi tiếng săn đón.
Một trong những tác phẩm nổi bật của Holmes có tên "Mẹ nuôi tôi lớn" (hoàn thành năm 2020). Trong tranh, mẹ của Holmes đang mỉm cười và mặc đồ màu đỏ, ngồi trên ghế sofa màu be bên cạnh một chiếc quạt.
Tác phẩm khác mới hoàn thành gần đây là "Sức bền", miêu tả cảnh Holmes đang cắt tóc cho em trai trước một hàng hoa nở rộ.
Tranh vẽ của Jammie Holmes về đề tài người da đen tại Mỹ. Ảnh: Library Street Collective. |
"Tôi để những bông hoa làm nền cho tôi và em trai vì tôi muốn làm giảm tông màu đen từ cơ thể chúng tôi. Tôi cao 1,9 m, người có hình xăm và thích đeo trang sức. Tôi muốn mình trông có vẻ an toàn hơn trong mắt mọi người. Thật buồn khi chúng tôi phải sống như vậy. Đó là lý do tôi luôn hỏi 'Khi nào thì tôi mới có thể sống như bạn?'", Holmes trải lòng.
Nghệ sĩ trẻ này lớn lên ở Thibodaux, thành phố nhỏ bên bờ vịnh Bayou Lafourche. Nơi đây nổi tiếng với vụ thảm sát năm 1887, trong đó dân quân da trắng đã tàn sát hàng loạt nhân công người da đen tại các nông trại đang đình công.
"Những thi thể đó được chôn ngay dưới ngôi nhà chúng tôi từng sống. Máu đó đã ngấm vào đất, vậy nên nơi này từ đó cho tới nay vẫn không hề thay đổi", Holmes nói, ngụ ý đến nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ.
Dự án "Họ sẽ giết tôi" của Holmes ra mắt vào cuối tuần qua dường như chỉ là khởi đầu cho hoài bão của người nghệ sĩ trẻ. Trước đó, anh mới chỉ được công nhận trong lĩnh vực hội họa. Dự án này là hình thức mới để Holmes thể hiện bản sắc cá nhân của riêng mình.
"Điều duy nhất tôi biết là sử dụng năng khiếu nghệ thuật của mình. Tôi quyết định sử dụng điều đó và cố gắng hết sức để đưa tất cả những thứ này lên một phông nền lớn hơn", Holmes chia sẻ.