Câu chuyện quản lý Uber tại Singapore được Phó hiệu trưởng trường Chính sách công Lý Quang Diệu, ông Donald Low so sánh với việc hãng máy bay giá rẻ AirAsia của Malaysia gia nhập thị trường nước này vài năm trước. Thời điểm đó, câu hỏi là liệu chính sách hàng không của Singapore nên phục vụ lợi ích của Singapore Airlines và SilkAir hay nhằm duy trì vị thế trạm trung chuyển hàng không của sân bay Changi. Singapore đã đưa ra quyết định đúng đắn: Lợi ích công được xác định nằm ở vị thế trạm trung chuyển quốc tế của Changi.
Trên báo The Strait Times, ông Donald Low phân tích, giờ đây, Bộ Giao thông Singapore đứng trước tình thoái lưỡng nan tương tự: chính sách với ngành taxi sẽ bảo vệ lợi ích của những hãng đang hoạt động hay để chính doanh nghiệp tự định đoạt thành công hay thất bại.
Bộ Giao thông của Singapore đứng trước tình thế lưỡng nan với Uber. |
Trong nhiều thập kỷ, các nhà hoạch định chính sách giao thông vật lộn với vấn đề đảm bảo kết nối tốt hơn giữa taxi và hành khách - cả thời gian và không gian. Với Uber, chúng ta có được các phương tiện kỹ thuật để giải quyết vấn đề này.
Vị giáo sư của trường chính sách công Lý Quang Diệu cho rằng, từ khía cạnh kinh tế, việc thêm các quy định chỉ để bảo vệ quyền lợi của các hãng taxi hiện có.
Ra các quy định có thể là một phản ứng chính sách hợp lý nếu thị trường không hoạt động tốt. Trong trường hợp này, công nghệ kỹ thuật và mô hình kinh doanh mới đã thực hiện các công tác thị trường tốt hơn trước rất nhiều. Trong khi đó, người tiêu dùng được hưởng lợi từ sự đa dạng lựa chọn và thuận tiện.
Còn những người lái xe taxi không chịu sự tổn thương đến một mức độ phải có quy định chặt, thay vào đó, họ thậm chí có thể hưởng lợi từ các ứng dụng mới.
Những người thua cuộc duy nhất là các hãng taxi đang hoạt động. Nhưng quy định không nên tồn tại chỉ để bảo vệ thị phần, ông Donald Low nhận định. Chính sách đúng đắn là nên chào đón những lợi ích mà công nghệ mang lại, không phải nhằm xây dựng rào cản để bảo vệ những hãng sẵn có.
Hơn nữa, quan điểm làm luật liên quan đến ứng dụng này sẽ gửi thông điệp quan trọng rằng chính quyền sẽ đứng về phía cạnh tranh và lựa chọn của người tiêu dùng hay đứng về phía bảo vệ các công ty đang hưởng lợi từ cơ chế cũ.
Tranh cãi pháp lý
Thế nhưng, không phải ai cũng hào hứng với Uber và chia sẻ góc nhìn của vị học giả trường Lý Quang Diệu. Như Larry Downes ghi nhận trên tờ Forbes, ở bất kỳ thành phố nào mà Uber tới, mô hình kinh doanh này đều đối mặt với cách tiếp cận chung của các hãng taxi truyền thống: cố gắng ngăn cản sự tồn tại của Uber.
Trên thực tế, tình trạng pháp lý của Uber thay đổi nhiều ở từng quốc gia. Cách thức hãng này ứng xử với những thách thức pháp lý cũng khác nhau.
Bản đồ thể hiện những nơi Uber bị cấm hoặc tạm dừng hoạt động. Nguồn GlobalPost |
Một số quốc gia và khu vực đã hoàn toàn cấm các dịch vụ của hãng, cho rằng hoạt động Uber là bất hợp pháp theo luật quốc gia hoặc tiểu bang. Những nơi khác, như Pháp và Đức, chỉ những dịch vụ giảm giá của hãng này bị cấm, chẳng hạn như UberPOP và UberX.
Tại một số nơi, như Hàn Quốc, Chính phủ nước này đã lựa chọn trì hoãn ra quyết định cuối cùng đối với Uber. Nước này yêu cầu Uber tạm dừng cung cấp dịch vụ cho đến khi thông qua được các quy định pháp lý cụ thể.
Ở một số nơi khác, Uber đã bị đình chỉ hoạt động trước áp lực gia tăng từ cộng đồng địa phương như ở bãi biển thành phố Panama, Florida.
Có nơi, Uber tiếp tục hoạt động bất chấp áp lực từ cộng đồng địa phương. Đơn cử, ở Cape Town, Nam Phi, cảnh sát giao thông đã tạm giữ 34 xe Uber vì hoạt động bất hợp pháp. Có nơi lỗ hổng pháp lý cho phép Uber tiếp tục hoạt động, bất chấp việc cấm của cơ quan công quyền.
Ở Đức nơi dịch vụ chia sẻ hành trình bị cấm hoạt động nếu như không có giấy phép taxi, Uber có kế hoạch mua giấy phép hoạt động cho các tài xế của họ.
Thậm chí, một sự rõ ràng về mặt pháp lý cũng không đảm bảo cho hành trình suôn sẻ của Uber khi thâm nhập vào thị trường mới, cạnh tranh với các hãng taxi địa phương. Ở Brussels, một tài xế taxi đã đe dọa và quấy nhiễu rất nhiều tài xế Uber, bao gồm cả việc ném trứng và bột mì vào nhân viên của hãng này. Các cuộc biểu tình chống lại Uber diễn ra trên khắp thế giới.
Hiện nay, chỉ riêng tại Mỹ, Uber đã phải đứng trước 173 vụ kiện.
Quản thế nào?
Tuy nhiên, câu chuyện quản lý Uber như thế nào không đơn giản. Uber không hoạt động như một dịch vụ taxi thông thường. Thay vào đó, nó định vị hoạt động của mình ở khoảng trống giữa kinh doanh vận tải và công ty công nghệ cao. Chính điều này đặt ra nhiều vấn đề nan giải về mặt quản lý.
Trong bài phân tích trên báo Canada, người phát ngôn của chiến dịch vì sự công bằng Pascal Ryffel cho Uber đã đầu tư số tiền khổng lồ cho các công ty quan hệ công chúng và các chuyên gia truyền thông để thuyết phục rằng Uber là một công ty công nghệ có cung cấp dịch vụ chia sẻ hành trình, không phải là hãng taxi biết sử dụng công nghệ. Đây là cơ sở để Uber vận động cho một luật chơi riêng, và khác với ngành dịch vụ vận tải hiện có.
Frontier Economics trong nghiên cứu tháng 7/2014 chỉ rõ, vấn đề lớn nhất với các phần mềm ứng dụng như Uber về mặt quản lý là nó đe dọa phá vỡ trật tự vốn có. Các ứng dụng như Uber khiến giảm thiểu nhu cầu về các quy định. Tuy nhiên, không phải mọi quy định đều xấu và không ít quy định vẫn là cần thiết, để đảm bảo thị trường vận hành thông suốt.