Chỉ đơn thuần đốt xe như các tài xế taxi ở Paris, hay vận động hành lang để cấm Uber hoạt động, là không đủ để taxi tồn tại. Ảnh India.com |
Giữa taxi và xích lô, bạn thích phương tiện nào hơn? Với huấn luyện viên lừng danh thế giới Pep Guardiola, ông chọn phương án hai. Khi đến Hà Nội du lịch vào mùa hè vừa qua, ông đã thử sử dụng xích lô, và tỏ ra thích thú với sự độc đáo của nó.
Nhưng có lẽ Pep không biết được rằng chiếc xe này, trước khi chỉ được dùng cho khách du lịch như bây giờ, đã từng thống trị đường phố Hà Nội vào những năm giữa và cuối thế kỷ 20. Thế nhưng sau khi ôtô xuất hiện nhiều hơn ở Việt Nam, xích lô rơi vào vực thẳm không lối thoát và cuối cùng bị cấm hoạt động chuyên chở.
Câu chuyện “vang bóng một thời” của xích lô dễ làm người ta liên tưởng đến cuộc tranh cãi giữa các hãng taxi và dịch vụ kiểu mới như Uber hay GrabTaxi trong thời điểm hiện tại. Cả hai doanh nghiệp kể trên mới gia nhập thị trường Việt Nam được hai năm, tuy nhiên đang trở thành thách thức mang tính sống còn cho những hãng taxi tên tuổi.
Không riêng ở Việt Nam, ngành công nghiệp taxi trên toàn cầu đang phải gồng mình chống lại sự xâm lăng của các dịch vụ chia sẻ hành trình (ride-sharing) dựa trên nền tảng công nghệ mới.
Chỉ trong vòng một năm (quý I/2014 đến quý I/2015), Uber từ việc chỉ nắm 15% thị phần dịch vụ vận chuyển cá nhân đã chiếm lĩnh đến 46% thị phần ở Mỹ, thị trường trị giá 11 tỷ đôla năm. Hiện nay, Uber đã có mặt ở hơn 200 đô thị lớn nhất toàn cầu.
Đó là chưa kể đến sự vươn lên của hàng loạt các tên tuổi khác trong dịch vụ này như Lyft, Haxi, và GrabTaxi, sau thành công của Uber.
Thách thức độc quyền
Các hãng taxi truyền thống phản đối Uber trên khắp thế giới. Họ đương nhiên có lý do để làm điều đó: thị trường taxi từ trước đến nay vẫn luôn mang tính độc quyền rất cao, bởi thông thường các thành phố sẽ giới hạn số xe được kinh doanh dịch vụ này. Rào cản gia nhập là quá lớn để tạo ra một thị trường cạnh tranh.
Ví dụ như ở New York, một suất tham gia thị trường có lúc lên đến 1,32 triệu đô la Mỹ (khoảng 29,7 tỷ đồng). Điều này giải thích tại sao một thành phố toàn cầu như vậy chỉ có gần 14.000 chiếc taxi hoạt động.
Độc quyền, ở trong hầu hết mọi trường hợp, là điều tiêu cực, bởi vị thế đó cho phép họ bắt khách hàng phải chấp nhận giá cao hơn và chất lượng dịch vụ kém hơn, vì ít có sản phẩm thay thế.
Mọi thứ hoàn toàn thay đổi khi dịch vụ chia sẻ hành trình ra đời. Chưa nói đến mức độ ưu việt về công nghệ cũng như tiết kiệm chi phí, sự xuất hiện của những dịch vụ như Uber/Grab mang đến nhân tố quan trọng nhất: thách thức vị thế độc quyền của ngành taxi kiểu cũ.
Giá dịch vụ taxi ở nhiều nơi trên thế giới đã giảm đi rất nhiều kể từ khi các dịch vụ chia sẻ hành trình đi vào hoạt động cách đây vài năm. Nếu như giá mua quyền hoạt động dịch vụ taxi ở New York (medallion) vào năm 2013 là 1,32 triệu đô la, thì hiện chỉ còn 650.000 đôla.
Đây là điều đã diễn ra tương tự với thị trường viễn thông ở Việt Nam trước khi Viettel gia nhập: thống trị bởi VNPT với giá cước đắt đỏ cùng dịch vụ nghèo nàn. Sau khi có thêm đối thủ cạnh tranh đáng gờm, thị trường viễn thông nước ta phát triển với tốc độ vũ bão, dịch vụ tốt hơn, và giá cước rẻ hơn rất nhiều so với trước đây.
Thay đổi để tồn tại
Đối diện với “cơn sóng thần công nghệ” của dịch vụ chia sẻ hành trình, cách phản ứng của chính quyền mỗi nơi là khác nhau, phụ thuộc vào khả năng vận động hành lang của các hãng taxi truyền thống, và cách thức vận hành của bộ máy pháp luật.
Nhìn chung có ba hướng hành xử của pháp luật với các dịch vụ taxi thế hệ mới: cấm hoạt động (Thái Lan, Bỉ, Ấn Độ, Trung Quốc), cho phép Uber hoạt động, nhưng buộc phải nằm trong khuôn khổ pháp lý như một dịch vụ taxi bình thường (một số thành phố ở Mỹ, Australia, Canada), hoặc cho phép Uber hoạt động với tư cách là một dịch vụ kiểu mới, khác với taxi truyền thống (London, một số bang tại Mỹ như Pennsylvania và North Carolina).
Tranh cãi pháp lý của Uber cũng như các dịch vụ chia sẻ hành trình khác, chắc chắn sẽ còn kéo dài và rất khó dự đoán được kết quá pháp lý sẽ ra sao. Nhưng câu chuyện này cũng đẩy đến một vấn đề xa hơn: chính quyền cần xử lý thế nào với những đổi mới công nghệ?
Nhìn chung, Nhà nước luôn muốn bảo vệ tính ổn định của pháp luật, để tạo ra khung khổ chắc chắn cho hoạt động và sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, bản chất của nền kinh tế thị trường luôn là sáng tạo và biến đổi, khiến cho pháp luật cũng sẽ phải thay đổi sau một khoảng thời gian nhất định, để không kìm hãm sự phát triển khi có nhân tố mới ra đời.
Có thể bạn chưa biết, một bộ luật giao thông ra đời từ đầu thế kỷ 20 ở Pennsylvania, Mỹ quy định rằng: “Bất kỳ ôtô nào khi thấy xe ngựa đi trên đường phải di chuyển ra khỏi đường giao thông, phủ xe bằng vải, và để xe ngựa đi qua. Nếu con ngựa lồng lên, người lái xe phải tách chiếc xe ra từng phần, và giấu ở bụi cây gần nhất”.
Thật khó tưởng tượng thế giới sẽ ra sao nếu điều luật trên của nước Mỹ vẫn còn có hiệu lực đến bây giờ.
Trong thị trường cạnh tranh, một sản phẩm mới ra đời với tính năng vượt trội cuối cùng sẽ giành lấy phần thắng. Dịch vụ chia sẻ hành trình, như Uber, Lyft, và Grabtaxi, với tất cả những ưu thế về công nghệ của nó (số hoá hành trình, theo dõi hành trình, thanh toán điện tử, hệ thống kiểm tra đánh giá, chi phí rẻ, …) rõ ràng có những ưu điểm so với taxi truyền thống.
Điều này không có nghĩa là taxi truyền thống sẽ đương nhiên thất bại. Thái độ và cách phản ứng mới là nhân tố quyết định. Cuộc đập phá máy móc của công nhân giữa thế kỷ 19 không cản bước được quá trình tự động hoá, cũng như xe ngựa hay xích lô không thể cản bước ôtô và taxi. Chỉ đơn thuần đốt xe như các tài xế taxi ở Paris, hay vận động hành lang để cấm Uber hoạt động, là không đủ để taxi tồn tại.
Thay vì những điều đó, các hãng taxi có lẽ cần phải nhìn lại mình, cải thiện dịch vụ, giảm giá thành, và đặc biệt là tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, học tập để cạnh tranh với những gã khổng lồ của kỷ nguyên Internet.
Gần đây, sau những vụ kiện đình đám với Uber (và thất bại), các tài xế taxi của London đã quyết định bắt tay với đối thủ công nghệ của Uber để tiếp tục “chiến đấu” song phẳng trên thương trường. Nói như nhà văn người Anh Bernard Shaw, đến khi chúng ta chưa thay đổi thái độ thì sẽ không thay đổi được gì.