Người biểu tình giơ cao biểu ngữ “Người da đen đáng được sống” (Black Lives Matter) và kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo lực ở cảnh sát Mỹ.
Tại London, hàng trăm người biểu tình hôm 31/5 đã bất chấp các quy định về giãn cách xã hội, tập trung tại Quảng trường Trafalgar và phía trước Đại sứ quán Mỹ cạnh sông Thames để hô vang khẩu hiệu “không có công lý thì không có hòa bình”. Những người này thể hiện tinh thần đoàn kết với người biểu tình ở Mỹ trong việc chống phân biệt chủng tộc trong hệ thống tư pháp, theo Washington Post.
Người biểu tình ở London và Berlin vẫy những tấm bảng “Tôi không thở được” – lời nói cuối cùng của Floyd trong lúc hấp hối vì bị một cảnh sát da trắng ghì cổ xuống đất suốt hơn 8 phút hôm 25/5.
Người cảnh sát này là Derek Chauvin và 3 cảnh sát khác đứng cạnh nhưng không làm gì đã bị sa thải khỏi Sở Cảnh sát Minneapolis. Ông Chauvin bị buộc tội giết người cấp độ 3 và ngộ sát cấp độ 2. Ba người còn lại đang bị điều tra hình sự.
Người biểu tình tập trung trước Đại sứ quán Mỹ ở London để phản đối cái chết của George Floyd và ủng hộ các cuộc biểu tình liên quan ở Mỹ. Ảnh: Getty. |
Cảnh sát London cho biết họ đã thực hiện 5 vụ bắt giữ bên ngoài Đại sứ quán Mỹ hôm 31/5, gồm 2 vụ tấn công một cảnh sát và 3 vụ vi phạm quy định về phong tỏa.
“Lệnh phong tỏa chưa được dỡ bỏ ở LONDON”, Thị trưởng London Sadiq Khan viết trên Twitter sáng cùng ngày. “Virus vẫn còn ở ngoài đó”.
Tại Berlin, người biểu tình hôm 31/5 đã tập trung trong ngày thứ hai liên tiếp để phản đối việc giết Floyd. Hàng trăm người đã diễu hành một đoạn đường dài sau đó tập trung tại quảng trường Hermannplatz nằm trên con phố đa sắc tộc. Theo cảnh sát Đức, khoảng 1.500 người đã tham gia biểu tình. Khoảng 2.200 người biểu tình ôn hòa trước Đại sứ quán Mỹ ở Berlin.
Tại Canada, hàng nghìn người đã tập hợp tại Toronto hôm 30/5 để lên án sự phân biệt chủng tộc và yêu cầu trả lời về cái chết của Regis Korchinski-Paquet, 29 tuổi, người rơi từ ban công căn hộ trong khi cảnh sát ở nhà cô hôm 27/5.
Hàng trăm người biểu tình tập trung tại Quảng trường Trafalgar ở trung tâm London hôm 31/5, nhiều người còn quỳ xuống để phản đối vụ giết George Floyd của các sĩ quan cảnh sát ở Minneapolis. Ảnh: AP. |
Tổng thống Trump tuần trước viết trên Twitter rằng “cướp bóc dẫn đến nổ súng” và “NHỮNG KẺ DU CÔN đã làm hoen ố sự tưởng nhớ George Floyd”. Twitter đã cảnh báo tweet của ông Trump “vi phạm chính sách về cổ động bạo lực”.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói “đoạn video về Floyd rất thương tâm” nhưng không chỉ trích các dòng tweet của ông Trump trong việc gọi những người biểu tình là bạo lực.
“Chúng tôi muốn tất cả những căng thẳng đó xuống thang và người Mỹ lại đoàn kết với nhau”, ông Raab nói với BBC.