Trước việc Tổng thống Nga Vladimir Putin triển khai quân đội tới Ukraine và công nhận độc lập của hai quốc gia ở miền Đông Ukraine do phe ly khai thân Nga kiểm soát, nhiều nước châu Âu đang áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt.
Trong khi Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đều đồng thuận rằng các biện pháp trừng phạt là điều quan trọng và cấp thiết cho bối cảnh hiện nay, có một số quốc gia lại có ý kiến bất đồng về vấn đề này.
Yếu tố chủ chốt cho vấn đề này là châu Âu đang phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga.
Gần 40% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của EU vào năm 2020 đến từ Nga, một số quốc gia phụ thuộc 100% nguồn cung này để đáp ứng nhu cầu của quốc gia. Một số nền kinh tế lớn của châu Âu như Đức và Italy, sử dụng lượng lớn năng lượng từ Nga, với tỷ trọng nhập khẩu chiếm lần lượt là 65% và 43% vào năm 2020.
Nhiều quốc gia châu Âu đang phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga. Đồ họa: Newstatesman; Việt hóa: Bảo Châu. |
Các lãnh đạo EU đã tuyên bố thông qua một gói trừng phạt Nga vào ngày 22/2. Ông Josep Borrell, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, nói rằng ông đang mong đợi một quyết định thống nhất của tổ chức. Phía Anh đã công bố lệnh trừng phạt 5 ngân hàng và 3 tỷ phú người Nga.
Theo Thủ tướng Đức Olaf Scholz, ngày 22/2, ông đã đình chỉ việc cấp phép cho đường ống Nord Streams 2. Đây là dự án đường ống dẫn dầu, cho phép vận chuyển khí đốt từ Nga đến châu Âu qua Biển Baltic.