Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Biển Đông có thể nóng lên sau khi Nhà Trắng có ông chủ mới'

Đây là nhận định của phóng viên kỳ cựu Bill Hayton khi trả lời phỏng vấn một trang blog, nơi tập hợp các học giả trẻ của Trung Quốc, về diễn biến Biển Đông trong năm 2016.

Vài ngày trước, một trang blog mang tên Những người quan sát trẻ Trung Quốc (YCW) đã đăng bài phỏng vấn phóng viên kỳ cựu Bill Hayton của BBC, tác giả cuốn sách “Biển Đông: Cuộc đấu tranh quyền lực ở châu Á”, về tương lai vùng biển này. YCW là tập hợp mạng lưới các học giả trẻ của Trung Quốc, những người để tâm tới tất cả các vấn đề cấp bách nhất trong xã hội Trung Quốc ngày nay.

Trung Quoc co the gay su anh 1
Tàu Trung Quốc đuổi theo tàu Mỹ khi nó thực hiện quyền đi lại tự do trên Biển Đông. Ảnh: Reuters

- Ông viết cuốn “Biển Đông: Cuộc đấu tranh quyền lực ở châu Á” năm 2011. Điều gì thôi thúc ông lao vào tìm hiểu mớ hỗn độn tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông?

Bill Hayton là phóng viên kỳ cựu của BBC, người từng có nhiều năm theo sát tình hình Biển Đông. Ngoài cuốn sách “Biển Đông: Cuộc đấu tranh quyền lực ở châu Á”, Hayton còn là tác giả của nhiều cuốn sách, bài báo khác về vấn đề Biển Đông chẳng hạn như “Sự thật, Hư cấu và Biển Đông” đăng trên tạp chí Asia Sentinel.

- Năm 2011, Trung Quốc tiến hành cắt cáp các tàu khảo sát địa chấn Việt Nam, khơi nào những căng thẳng trên Biển Đông. Tôi nhận ra, đây là lúc viết cuốn sách giải thích bản chất của tranh chấp cho những độc giả có mức hiểu biết trung bình về vấn đề Biển Đông.

Tôi cho rằng việc viết cuốn sách cũng không mất quá nhiều thời gian bởi tranh chấp trên tuyến hàng hải này đã được đề cập nhiều. Tuy nhiên, khi nhìn những tài liệu hiện có, tôi thấy chúng không đáng tin cậy. Các tài liệu tham khảo tương tự đã được sử dụng nhiều nhưng không một ai xác minh độ tin cậy của chúng. Vì vậy, phải mất một thời gian khá dài, tôi mới gom đủ bằng chứng để viết cuốn sách.

- Trong “Biển Đông: Cuộc đấu tranh quyền lực ở châu Á”, ông đã kể lại hợp tác năm 2005 giữa Trung Quốc và Philippines về việc thăm dò và đánh giá tài nguyên dầu khí ở Biển Đông. Theo ông, tại sao các bên có tranh chấp trên Biển Đông không thể bắt tay với nhau để phát triển bền vững nghề cá, khai thác khí tự nhiên và dầu mỏ?

- Việc thăm dò chung giữa Trung Quốc và Philippines gặp phải sự phản đối mạnh mẽ tại Philippines vì người dân quốc đảo này cho rằng họ chịu thiệt. Hàng chục cáo buộc tham nhũng và nhận hối lộ đã được đưa ra xung quanh quá trình hợp tác Trung Quốc – Philippines. Hiện tại, thỏa thuận này đã hết hạn và không ai muốn làm việc để gian hạn nó. Dường như thỏa thuận này sẽ mãi chìm vào dĩ vãng.

Phối hợp để phát triển đòi hỏi sự đồng thuận của cả đôi bên. Tuy nhiên, tại Biển Đông, Trung Quốc luôn muốn biến nó thành ao nhà. Bắc Kinh sẽ không thừa nhận chủ quyền và đặc quyền của các nước khác. Ví dụ tiêu biểu của tham vọng này là đường lưỡi bò. Yêu sách chủ quyền bao trọn 80% diện tích Biển Đông. Khi đề cập tới hợp tác phát triển, Bắc Kinh chỉ muốn đề cập tới vùng biển ngoài khơi của Việt Nam và Philippines không nằm trong đường lưỡi bò.

- Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký kết Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC) năm 2002 nhưng Bộ Quy tắc ứng xử khó có thể ra đời. Theo ông, đâu là trở ngại lớn nhất trong việc hoàn tất quy tắc ứng xử trên Biển Đông?

- Cần phải nói về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) thay vì nói về một quy tắc ứng xử nào đó. Tuy nhiên, tôi nghĩ thỏa thuận này sẽ khó có khả năng được đưa ra. Vấn đề nằm ở chỗ quy tắc ứng xử sẽ kiểm soát hành vi của các nước đã ký. Trung Quốc có sẵn sàng tuân thủ việc này? Chắc chắn là không. Trong khi đó, không quốc gia ASEAN nào có khả năng bắt Trung Quốc tuân thủ các quy tắc nếu ký.

Theo tôi, tất cả các quốc gia tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông đều có các hành động bồi lấp trên các đảo và rạn san hô mà họ kiểm soát. Các hoạt động này dừng lại sau khi ASEAN và Trung Quốc ký DOC năm 2002. Tuy nhiên, Bắc Kinh luôn khăng khăng Biển Đông thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Dù đã ký DOC nhưng chắc chắn Bắc Kinh sẽ không ký vào COC vì tính ràng buộc của nó mạnh mẽ hơn.

- Việt Nam, Philippines hay nhiều quốc gia khác, chẳng hạn như Mỹ, liên tục phản đối các hoạt động bồi lấp của Trung Quốc trên Biển Đông, bao gồm cả việc xây dựng đường băng dài 3 km trên đảo nhân tạo. Hoạt động bồi lấp của Trung Quốc tác động như thế nào tới an ninh khu vực? Mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là gì?

- Phía Trung Quốc luôn rêu rao rằng họ là chủ sở hữu của tất cả những thực thể nằm trong đường lưỡi bò. Từ đó, Bắc Kinh luôn coi các hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa là hành động bảo vệ quyền và lợi ích của Trung Quốc.

Bắc Kinh tiến hành các hoạt động xây dựng nhằm tạo ra hệ thống phòng thủ từ xa, ngăn hải quân nước ngoài tiếp cận bờ biển phía nam Trung Quốc. Nó cũng giúp Bắc Kinh tăng cường hỏa lực tới tận eo biển Malacca của Malaysia đồng thời bảo vệ các tuyến hàng hải huyết mạch. Cuối cùng, các cứ điểm này giúp Bắc Kinh bảo vệ nguồn tài nguyên phong phú ở Biển Đông là dầu mỏ và hải sản.

Tuy nhiên, Việt Nam, Malaysia, Philippines và các nước trong khu vực cho rằng việc làm của Bắc Kinh là hành động gây đe dọa. Bắc Kinh không chịu các chỉ trích này. Các phái đoàn học giả của Trung Quốc tham gia các hội thảo ở nước ngoài chỉ nhằm mục đích nói giọng điệu của Trung Quốc. Họ vẫn rêu rao những việc chính phủ Trung Quốc làm là hợp pháp trong vùng biển của họ. Thái độ đó gây ra nhiều vấn đề.

Trung Quoc co the gay su anh 2
Nhà báo kỳ cựu về Biển Đông của BBC, Bill Hayton. Ảnh: BBC

- Mỹ, Australia đang triển khai các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khi Nhật đang để ngỏ khả năng tiến hành các cuộc tuần tra tương tự ở Biển Đông. Liệu động thái của các nước có ngăn chặn sự bành chướng của Trung Quốc ở tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới?

- Trung Quốc tiến hành các hoạt động bồi lấp trên các thực thể mà họ chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1994 trở về trước. Hiện nay, Bắc Kinh đã hoàn thiện đường băng, bến cảng cùng các công trình khác. Tuy nhiên, tranh cãi nằm ở chỗ Bắc Kinh xây đảo nhân tạo trên thực thể như thế nào và nó có được hưởng lãnh hải 12 hải lý theo Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS) hay không.

Dựa vào những gì Bắc Kinh đã nói và làm, nó cho thấy Trung Quốc coi các đảo nhân tạo phi pháp có đầy đủ quyền như một hòn đảo bình thường. Tuy nhiên, Mỹ bác bỏ quan điểm này của Trung Quốc. Các hoạt động đưa máy bay ném bom chiến lược B-52 và tàu chiến áp sát các đảo phi pháp mà Bắc Kinh dựng lên trên Biển Đông cho thấy quan điểm của Mỹ.

Tuy nhiên, các hoạt động thách thức yêu sách lãnh thổ của Mỹ nhằm vào Trung Quốc khó có thể phát huy hiệu quả mà ngược lại chỉ làm Trung Quốc trở nên hung hăng hơn. Tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã tuyên bố cái gọi là đường cơ sở thẳng xung quanh các đảo mà họ kiểm soát và tuyên bố những gì nằm trong đường cơ sở thẳng là nội thủy của Trung Quốc. Tuy nhiên, việc này đi ngược hoàn toàn với UNCLOS vì Trung Quốc không có quyền thiết lập đường cơ sở với quần đảo Hoàng Sa.

Các duy nhất mà Mỹ có thể làm để thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc là đưa tàu đi vào vùng biển này và thực hiện các hành động như triển khai hệ thống vũ khí hay cho trực thăng cất cánh từ boong tàu. Tuy nhiên, việc làm này sẽ gia tăng căng thẳng trong khu vực, thậm chí đẩy tình hình tới bên miệng hố chiến tranh, tiềm ẩn nguy cơ xung đột giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.

Trên thực tế, Mỹ vẫn chỉ dừng lại ở lời nói nhiều hơn hành động. UNCLOS không cấm các việc làm như trên nhưng Mỹ không tiến hành. Chính vì vậy, Trung Quốc cũng không nhìn thấy mối đe dọa từ các tàu Mỹ khi nó áp sát khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Trung Quoc co the gay su anh 3
Các thực thể Trung Quốc chiếm đóng phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đồ họa: WSJ

- Ông dự đoán thế nào về tình hình Biển đông năm 2016. Liệu Trung Quốc có thay đổi chính sách với vấn đề Biển Đông?

- Chính phủ Trung Quốc không muốn trở thành chủ đề chính trong các cuộc tranh luận của ứng viên tổng thống Mỹ. Vì vậy, Bắc Kinh sẽ cố gắng để yên tình hình ở Biển Đông trong năm 2016. Tuy nhiên, tình hình có thể nóng lên trong tháng 6, sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết chính thức về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc theo hướng bất lợi cho Bắc Kinh.

Ngoài ra, Biển Đông có thể nóng lên sau khi Nhà Trắng có ông chủ mới. Đầu năm 2001, ngay sau khi Tổng thống George W. Bush nhậm chức, một máy bay Trung Quốc đã va chạm với EP-3 của Mỹ, khiến nó phải hạ cánh xuống căn cứ của Trung Quốc. Trong năm 2009, ngay sau khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức, một sự cố khác ngay lập tức xảy ra trên Biển Đông. Kịch bản tương tự có thể diễn ra trong tháng Giêng năm 2017, khi tân tổng thống Mỹ nhậm chức. Trung Quốc có thể gây va chạm với máy bay hoặc tàu Mỹ hoặt động trong khu vực.

Ngư dân Trung Quốc tàn phá các rạn san hô trên Biển Đông Phóng viên Rupert Wingfield-Hayes của BBC tiếp cận một số rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi các ngư dân Trung Quốc ngang nhiên tàn phá đáy biển.

Phát hiện chiến đấu cơ Trung Quốc trên đảo Phú Lâm

Ảnh vệ tinh phát hiện Trung Quốc triển khai chiến đấu cơ J-11 tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bất chấp sự phản đối của các nước trong và ngoài khu vực.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm