Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Biến đất sét thành hàng độc

Đất sét có rất nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười, nhưng vì nhiễm phèn nặng nên xưa nay chỉ có thể dùng nung gạch. Chị Phan Thị Thùy Mai biến nó thành những sản phẩm gốm sứ độc đáo.

Đất cũng có hồn

Giải thích vì sao chọn nghề này, chị Mai (35 tuổi, ngụ thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) cho biết: "Xứ mình từ thời xưa đã có những làng nghề nổi tiếng như Bát Tràng, Lái Thiêu... làm gốm theo cách thủ công và pha men cổ truyền. Nhưng rồi tất cả cũng dần mai một, bây giờ ít còn ai chịu khó pha men nữa mà sử dụng men pha sẵn từ Trung Quốc, đơn giản, tiện lợi hơn. Tuy nhiên, khác với men công nghiệp, pha màu nào ra màu đó, men hỏa biến được pha tự nhiên theo công thức gia truyền sẽ cho sản phẩm độc đáo. Ví dụ cái chén trước khi nung là màu vàng của đất sét, nhưng sau 9 tiếng đưa vào lò với nhiệt độ 1.300 độ C sẽ ra màu tím hoặc xanh với hoa văn rất lạ nên gọi là hỏa biến".

Chị Phan Thị Thùy Mai và các sản phẩm gốm sứ do cơ sở Đông Gia làm ra.

Chị Phan Thị Thùy Mai và các sản phẩm gốm sứ do cơ sở Đông Gia làm ra.

Về bí quyết làm gốm sứ, chị Mai cho rằng "nhứt dáng, nhì da", đầu tiên là phải tạo được kiểu dáng đẹp, men độc rồi mới tới đất, màu sắc do men tạo ra chứ không phải do màu. Chị giải thích cặn kẽ: "Sự khác biệt còn tùy thuộc vào môi trường lò, nhiệt độ, thời gian nung và thành phần hóa học của men. Ngoài ra, do sản phẩm được nung tới 1.300 độ C nên đất sánh lại, xài lâu ngày men vẫn không sứt mẻ, đưa tay gõ nhẹ nghe tiếng kêu leng keng rất thanh".

Nhưng để làm được men quý đòi hỏi phải có quá trình nghiên cứu lâu dài. Chị Mai cho biết trước kia ở Việt Nam có men xác trà, màu xanh hơi ngả sang vàng. Men xác trà thì dễ làm nhưng để đạt đến men xanh thì rất khó, nhất là màu xanh da trời vì chỉ có một loại tràng thạch làm ra được. Chính vì vậy mà có không ít loại men thất truyền, không tạo lại được.

Ước mơ khôi phục làng nghề thủ công

Mặc dù nền kinh tế đã phát triển vượt bậc nhưng đến giờ nước Nhật vẫn tồn tại những làng nghề sản xuất gốm thủ công, trong khi xứ mình bây giờ tìm một người sản xuất gốm bằng tay rất khó. Chị Mai đặt vấn đề: "Tại sao ngay từ thời Lý - Trần đã có những vật dụng bằng gốm rất đẹp, sắc sảo; còn thời đại công nghiệp bây giờ nhiều nghề truyền thống lại mai một dần? Người Nhật cho rằng nền kinh tế Việt Nam phát triển theo chiều thẳng đứng, còn họ thì đi lên từ từ theo đường dốc. Nhưng nhờ vậy mà họ tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Còn mình do tiến thẳng vào sản xuất công nghiệp nên nhiều nghề thủ công độc đáo bị thất truyền".

Có lẽ, nhờ chịu khó nghiên cứu, mày mò tạo được sự khác biệt độc đáo nên sản phẩm do Cơ sở Đông Gia của chị làm ra luôn có tính cạnh tranh cao. "Gần như tất cả các loại đất sét đều có thể làm được gốm. Điều thú vị là cùng một loại men nhưng đất lấy ở xã Tân Lập (thuộc vùng Đồng Tháp Mười của Tiền Giang) cho ra màu sắc rất lạ, vì có nhiều oxit sắt. Nung tới 1.300 độ C, oxit sắt sẽ chảy thành những giọt hoa văn rất đẹp, tạo nên những sản phẩm độc đáo, từ tô, chén, dĩa, muỗng đến các vật dụng trang trí. Đặc biệt là khi làm men ngọc sẽ cho ra những màu sắc rất lạ”, chị Mai cho biết.

Mỗi năm Đông Gia xuất khẩu được khoảng 10 container gốm sứ sang châu Âu, nhiều nhất là các nước Thụy Điển, Pháp, Đan Mạch... nhưng chị Mai vẫn tỏ ra tiếc vì cơ sở của mình làm bằng phương pháp thủ công nên ngay cả nhu cầu thị trường nội địa cũng chưa đáp ứng nổi. Rất mong mơ ước có một nhà máy lọc đất (vốn đầu tư chừng 5 - 6 tỉ đồng) để tạo nguồn nguyên liệu và sản xuất gốm sứ số lượng lớn của chị sẽ trở thành hiện thực để sản phẩm độc đáo của Đông Gia ngày càng vang danh.     

Nghệ nhân phố Hội đẽo gốc tre ra tiền

Nhìn những gốc tre nổi lềnh bềnh trên sông Hoài trong mùa lũ, một nghệ nhân ở Hội An (Quảng Nam) nảy ra ý định thử tạc tượng từ những gốc cây này và đổi đời từ đây.

                                                

 

http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=707&p=&id=524609

Theo Trần Ngân Hà/ Công an TP.HCM

Bạn có thể quan tâm