Làng nghề thoi thóp vì thiếu vốn, mất thị trường
Không dám nhận đơn hàng do thiếu vốn, mất thị trường bởi giá cao, liên tiếp thua lỗ vì đầu vào nhảy vọt... là tình trạng chung của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) làng nghề.
Những ngày đầu tháng 8, nhiều cơ sở sản xuất guốc mộc ở làng nghề Bình Nhâm (Bình Dương) - từng nổi danh cả nước với những đôi guốc mộc hoa văn tinh xảo - máy móc xẻ gỗ “trùm mền”, im ắng. Trong khuôn viên gần 2.000m2 của xưởng sản xuất Hùng Thái, chỉ có chưa đầy 50 nhân công làm việc.
Ông Thái Văn Anh Hùng, giám đốc Công ty Hùng Thái, cho biết đến thời điểm này đơn vị mới ký được khoảng 100.000 đôi guốc mộc thay vì khoảng 500.000 đôi như những năm trước. “Cơ sở chúng tôi có đầy đủ máy móc cho dây chuyền khép kín từ cưa xẻ, tạo hình, chạm trổ, sơn trang trí, đóng gói... nhằm đáp ứng cho trên 200 công nhân làm việc, nhưng không có đơn hàng nên công nhân lần lượt bỏ đi...”, ông Hùng nói.
Tại khu vực Củ Chi (TP HCM) nơi có truyền thống sản xuất các mặt hàng mây tre lá cũng lâm vào cảnh tương tự. Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, chủ cơ sở đan sọt mây tre xuất khẩu Thiên Phú (huyện Củ Chi, TP HCM), cho biết trung bình mỗi tháng đơn vị xuất khẩu hơn chục container sọt mây tre các loại qua Đài Loan, nhưng nửa đầu năm nay chỉ xuất được vỏn vẹn 30 container.
“Chúng tôi phải sản xuất cầm chừng do không có vốn mua nguyên liệu cũng như chi trả lương cho công nhân” - bà Ngọc Bích nói. Tương tự, các mặt hàng gốm sứ, mành trúc... tại các HTX, làng nghề ở Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM cũng khốn đốn vì tình trạng sản xuất sa sút trầm trọng, không kiếm được đầu ra.
Thiếu vốn, nhiều cơ sở thủ công mỹ nghệ hoạt động cầm chừng để giữ lao động. |
Bà Nguyễn Thị Cúc, chủ nhiệm HTX Ba Nhất (cơ sở sản xuất Tân Uyên, Bình Dương), cho biết thị trường xuất khẩu 40 nước sau hàng chục năm cơ sở gây dựng đến nay bị thu hẹp dần. Mất một thời gian dài để đàm phán, có hợp đồng nhưng đơn vị không dám ký do không đủ vốn lo nguyên liệu. Theo bà Cúc, hiện hầu như không có đơn vị nào có nguồn vốn để mua nguyên liệu dự trữ. Muốn vay vốn, các đơn vị phải thế chấp, nhưng đây là điều kiện quá khó đối với các HTX thủ công mỹ nghệ.
Ông Đặng Quốc Hùng, phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM, cho biết do thiếu vốn nên hầu hết các đơn vị sản xuất thủ công mỹ nghệ xuất khẩu rơi vào tình trạng “ăn đong” nguyên liệu, bị động hoàn toàn. Hiện nay, đa số đơn vị khi có đơn hàng mới bắt tay mua nguyên liệu, thậm chí tìm kiếm lao động nên rủi ro rất cao. “Chỉ cần thị trường nguyên liệu nhích giá một chút, các đơn vị trở tay không kịp nên thua lỗ là điều khó tránh khỏi”, ông Hùng nói.
Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt nam Lưu Duy Dần cho rằng nhiều đối tác đã “quay lưng” với doanh nghiệp Việt Nam do các doanh nghiệp không thể đáp ứng những đơn hàng lớn. “Chúng ta nói nhiều đến các chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề, đặc biệt là những ưu đãi về vốn vay. Tuy nhiên, hơn 80% HTX, doanh nghiệp tại các làng nghề hiện nay không thể với tay tới nguồn vốn này”, ông Dần bức xúc.
Ông Nguyễn Duy Hiếu, chủ tịch Liên minh HTX TP HCM, cũng thừa nhận các HTX hầu như không thể tiếp cận nguồn vốn vay do không có tài sản thế chấp, trong khi quỹ trợ vốn của liên minh HTX cho vay tín chấp nhưng nguồn vốn này hiện chỉ có chưa đến 400 tỉ đồng. Số vốn này giống như muối bỏ bể đối với nhu cầu của các HTX. Đến khi tiếp cận được nguồn vốn, nhiều HTX không còn đủ sức để sản xuất nữa.
Theo Tuổi Trẻ