Nhiều quốc gia giàu có nhất thế giới đã dành cả năm qua để mua lượng vaccine ngừa Covid-19 nhiều hơn gấp vài lần dân số của mình, thay vì thực hiện lời hứa chia sẻ mũi tiêm với các nước đang phát triển. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng tuyên bố cách tiếp cận này "tự đánh bại loài người" trong cuộc chiến với virus và "vô đạo đức".
Và giờ đây, hậu quả của những hành động này bắt đầu hiện rõ. Một biến chủng mới đầy nguy hiểm đang nổi lên từ khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất.
Biến chủng Omicron, lần đầu tiên được xác định ở Nam Phi, đang gây ra làn sóng lo ngại toàn cầu. Hiện các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chủng mới có nguồn gốc từ Nam Phi hay đến từ các ca bệnh nhập cảnh. Tất cả những gì họ xác định được là virus có nhiều khả năng đã đột biến ở nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp và nguy cơ lây nhiễm cao, CNN đưa tin.
Một nhân viên y tế xử lý mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Nam Phi. Ảnh: Bloomberg. |
Omicron phơi bày hiểm họa từ bất bình đẳng vaccine
"Nó có thể đã xuất hiện ở một quốc gia khác và được phát hiện ở Nam Phi, nơi có năng lực giải trình tự bộ gene tốt. Nó có thể là hậu quả của một đợt bùng phát dịch ở một số khu vực châu Phi Hạ Sahara”, Michael Head, nhà nghiên cứu cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Southampton, nói.
Theo ông Head, biết sự xuất hiện của các biến chủng mới là "hệ quả tự nhiên của việc thế giới tiêm chủng quá chậm".
“Chúng ta có một lượng lớn dân số chưa được tiêm chủng như ở châu Phi Hạ Sahara, và những quần thể này rất dễ bị bùng phát dịch”, ông cho biết.
Ông Head chia sẻ thêm hầu hết biến chủng từng gây ra các làn sóng Covid-19 nghiêm trọng trong quá khứ đều xuất hiện ở những nơi trải qua đợt bùng dịch lớn, không kiểm soát được, như chủng Alpha lần đầu tiên được phát hiện ở Anh vào tháng 12/2020 hoặc Delta lần đầu tiên tìm thấy ở Ấn Độ vào tháng 2.
Nhiều nhà khoa học và chuyên gia y tế công cộng cũng đồng tình rằng khoảng cách quá lớn giữa tỷ lệ tiêm chủng ở các nước phát triển và đang phát triển có thể là nguyên nhân.
Jeremy Farrar, Giám đốc tổ chức nghiên cứu sức khỏe Wellcome Trust, cho biết biến chủng mới cho thấy lý do tại sao thế giới cần đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng hơn đối với vaccine và các công cụ y tế công cộng khác.
"Các biến chủng mới là một lời nhắc nhở rằng đại dịch còn lâu mới kết thúc", ông nói trên Twitter. "Bất bình đẳng là điều sẽ kéo dài đại dịch".
Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo thế giới có nguy cơ bị kéo vào một vòng luẩn quẩn nguy hiểm, trong đó các biến chủng mới đáng lo ngại trỗi dậy ở những nơi chưa được tiêm vaccine, thúc đẩy các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn đặt hàng liều tăng cường, khiến "cơn khát vaccine" ở những nước nghèo thêm trầm trọng.
Biến chủng Omicron đã xuất hiện ở hầu hết tỉnh của Nam Phi. Ảnh: AFP. |
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ 7,5% người dân ở các nước thu nhập thấp đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong khi tỷ lệ này ở châu Âu và Mỹ lần lượt là 67% và 58%.
Tại 8 quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lệnh cấm đi lại hoặc hạn chế nhập cảnh sau khi biến chủng Omicron xuất hiện, tỷ lệ dân số đã tiêm ít nhất một mũi vaccine dao động từ 5,6% ở Malawi đến 37% ở Botswana.
"Các nước lớn đang ích kỷ"
Bên cạnh tình trạng do dự, không muốn tiêm chủng ở nhiều quốc gia, trong đó có Nam Phi, khả năng tiếp cận vaccine bị hạn chế cũng là một vấn đề lớn, ông Head cho biết.
“Các quốc gia giàu có đang tích trữ nhiều hơn những gì họ thực sự cần và không tuân theo các cam kết tài trợ vaccine cho COVAX”, ông nhấn mạnh.
COVAX là chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu của WHO. Tính đến tháng 10, 537 triệu liều đã được vận chuyển thông qua chương trình tới 144 quốc gia. Đây chỉ là một con số nhỏ so với 7,9 tỷ liều đã được tiêm trên toàn cầu cho đến nay. Và mục tiêu của WHO, với 40% dân số của tất cả quốc gia được tiêm chủng vào cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022, dường như không thể hoàn thành.
Viết trên tờ Guardian hôm 27/11, Gordon Brown, đại sứ của WHO về tài trợ y tế toàn cầu và là cựu Thủ tướng Anh, chia sẻ "sự thất bại của thế giới trong việc đưa vaccine đến tay người dân ở các nước đang phát triển giờ đây trở lại ám ảnh chúng ta”.
"Trong trường hợp chiến dịch tiêm chủng hàng loạt thất bại, Covid-19 không chỉ lây lan ở những người chưa tiêm vaccine. Virus còn đột biến, với các biến chủng xuất hiện từ các quốc gia nghèo nhất, và đe dọa những người đã tiêm chủng đầy đủ ở các quốc gia giàu có nhất", ông cho biết.
Người dân chờ đợi để được tiêm chủng ở Gulu, Uganda vào tháng 9. Ảnh: Nicholas Bamulanzeki. |
Ngay sau khi có thông tin về sự xuất hiện của biến chủng Omicron, nhiều quốc gia trên thế giới đã phản ứng bằng cách nhanh chóng đóng cửa biên giới đối với du khách đến từ các nước châu Phi, bao gồm Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi
Tiến sĩ Richard Lessells, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học KwaZulu-Natal ở Durban, Nam Phi, cho biết phản ứng này là một ví dụ cho sự ích kỷ của các nước giàu.
"Điều tôi thấy đau buồn không chỉ là lệnh cấm đi lại đang được áp đặt bởi Anh và châu Âu mà đó còn là phản ứng mạnh mẽ duy nhất”, ông nói. "Không có cam kết hỗ trợ nào được đưa ra cho thấy họ sẽ giúp các nước châu Phi kiểm soát đại dịch. Cũng không có nước nào đề cập đến việc giải quyết sự bất bình đẳng vaccine mà chúng tôi đã cảnh báo cả năm nay”.