Hai hãng dược Mỹ này đã điều chỉnh vaccine mRNA của mình để đặc trị biến chủng Delta và sẽ thử nghiệm trên người trong tháng 8, Guardian đưa tin ngày 1/8.
Ngày 5/8, Moderna sẽ công bố doanh thu trong quý II, sau khi lần đầu báo lãi trong quý I với doanh thu 1,7 tỷ USD. Hãng này hồi tháng 5 dự đoán sẽ đạt doanh thu 19,2 tỷ USD từ vaccine trong năm 2021, nhưng con số này có thể tăng trong tuần tới.
Moderna và Pfizer là 2 hãng ứng dụng công nghệ mRNA để sản xuất vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Nửa đầu năm 2021, Pfizer thu về 11,3 tỷ USD từ loại vaccine ngừa Covid-19 mà hãng này phát triển cùng BioNTech (Đức). Tuần trước, Pfizer nâng dự báo doanh thu năm 2021 từ 26 tỷ USD lên 33,5 tỷ USD.
Tổng doanh thu của Pfizer tăng mạnh 86% trong quý II, nhưng chỉ tăng 10% nếu không tính tới doanh thu từ vaccine Covid-19.
Chuyên gia phân tích Damien Conover nhận định mức tăng doanh thu của Pfizer sẽ chậm lại trong 12 tháng tới do nhu cầu vaccine chuyển sang các thị trường mới nổi vì giá vaccine ở đây thấp hơn.
“Về dài hạn, chúng tôi dự kiến doanh thu gần 2 tỷ USD mỗi năm dựa trên các liều tiêm nhắc lại cho người cao tuổi và người thiếu khả năng đề kháng”, ông Conover nói.
Thành công thương mại của Pfizer và Moderna là bức tranh tương phản với con đường phi lợi nhuận của AstraZeneca (Anh) và Johnson & Johnson (Mỹ) - 2 hãng cam kết sẽ cung cấp vaccine phi lợi nhuận tới khi đại dịch chấm dứt.
Tại Mỹ và châu Âu, Moderna tính giá hơn 30 USD/người cho hai liều vaccine. AstraZeneca đặt giá 4,3-10 USD cho hai liều, trong khi Johnson & Johnson tính chính phủ Mỹ 10 USD cho loại vaccine tiêm một mũi.
Dù vậy, vaccine ngừa Covid-19 mà hãng AstraZeneca phát triển cùng Đại học Oxford vẫn thu về cho hãng này 1,2 tỷ USD trong đầu năm 2021.
Theo Guardian, tới nay, chỉ 14,4% dân số thế giới được tiêm chủng đầy đủ, 28% được tiêm ít nhất một liều. Chỉ 1,1% người dân tại các nước thu nhập thấp được tiêm ít nhất một mũi.