Báo cáo cho biết AstraZeneca đã xuất xưởng khoảng 319 triệu liều vaccine trên toàn thế giới trong khoảng thời gian nửa đầu năm 2021.
Tại châu Âu, công ty thu được lợi nhuận 572 triệu USD. Các thị trường mới nổi cũng mang lại cho AstraZeneca 455 triệu USD. Tính đến cuối tháng 6, AstraZeneca và các đối tác đã cung cấp tổng cộng hơn 700 triệu liều vaccine cho khoảng 170 quốc gia.
Tuy nhiên, biên lợi nhuận của AstraZeneca trong nửa đầu năm 2021 đã giảm xuống còn 73,5%, ít hơn 7% so với báo cáo nửa cuối năm 2020.
Báo cáo giải thích rằng việc phân phối vaccine Covid-19 AstraZeneca không có lợi nhuận, đảm bảo nguồn cung công bằng và các thỏa thuận chia sẻ lợi nhuận là nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Văn phòng của AstraZeneca tại Brussel, Bỉ. Ảnh: Reuters. |
Thông qua cơ chế phân phối vaccine COVAX, AstraZeneca và đối tác là Viện Huyết thanh Ấn Độ đã cung cấp hơn 80 triệu liều vaccine Covid-19 cho 125 quốc gia. Phần lớn vaccine được chuyển đến các nước thu nhập thấp và trung bình.
Đại dịch cũng khiến AstraZeneca phải tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Trong nửa đầu năm 2021, tập đoàn đã chi hơn 3,5 tỷ USD. Sự gia tăng chủ yếu phản ánh việc AstraZeneca tiếp tục đầu tư vào vaccine và các loại thuốc khác nhằm ngăn chặn và điều trị Covid-19.
Vaccine AstraZeneca đã được Nhật Bản cấp phép sử dụng khẩn cấp. Một báo cáo được công bố vào tháng 6/2021 của Viện Sức khỏe Quốc gia Anh đã khẳng định tiêm hai liều vaccine AstraZeneca có tác dụng bảo vệ khoảng 67% trước biến thể Delta.
Ngoài ra, Đại học Oxford đã công bố kết quả cho thấy khả năng miễn dịch mạnh mẽ của vaccine AstraZeneca sau liều thứ hai có thể kéo dài đến 45 tuần. Báo cáo cũng cho thấy số lượng kháng thể Covid-19 vẫn tồn tại 1 năm trong cơ thể sau khi tiêm một liều duy nhất.