BVSC đánh giá nếu phát hành riêng lẻ 9% cổ phần thành công, BIDV có thể thu về hơn 27.000 tỷ đồng. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Trong báo cáo phân tích về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (HoSE: BID), các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết BIDV đã tiếp xúc với 38 nhà đầu tư để thực hiện kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cổ phần theo nghị quyết tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022.
Thương vụ tỷ USD
Trước bối cảnh tình hình kinh tế không thuận lợi và các nhà đầu tư ngoại thu hẹp khẩu vị rủi ro, thương vụ phát hành riêng lẻ 9% cổ phần của BIDV tiếp tục được xúc tiến sang năm 2024.
“Cuối năm 2019, BIDV cũng đã thành công trong việc phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank 15% vốn điều lệ với tổng giá trị giao dịch gần 20.300 tỷ đồng, tương đương với mức giá 33.640 đồng/cổ phiếu, định giá P/B là 1,9 lần", báo cáo BVSC phân tích.
Theo đánh giá của nhóm chuyên gia, trong đợt phát hành tới, giá phát hành có thể rơi vào mức P/B 2 lần, cao hơn so với định giá trong thương vụ bán vốn cho KEB Hana Bank. Nguyên nhân từ lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) của BIDV trong giai đoạn 2022-2023 đã đạt trung bình 19%, cao hơn nhiều so với trung bình giai đoạn trước đó 14,5% và dự kiến ROE giai đoạn 2024-2028 cũng sẽ duy trì ở mức cao 19-20%.
Trong khi đó, nợ xấu của nhà băng này đã cải thiện nhiều so với giai đoạn trước đó và chi phí tín dụng cũng đã giảm mạnh giúp ngân hàng có dư địa tăng trưởng nhiều hơn.
Với P/B dự báo ở mức 2 lần, giá phát hành lần này sẽ tương đương 48.036 đồng/cổ phiếu (với giả định giá trị sổ sách giữa năm 2024 là 24.018 đồng/cổ phiếu).
"Nếu phát hành thành công, BIDV có thể thu về hơn 27.000 tỷ đồng (tương đương gần 1,1 tỷ USD), củng cố bộ đệm vốn cũng như hệ số an toàn vốn (CAR) của ngân hàng, qua đó giúp ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn", BVSC phân tích.
Theo dự phóng của đơn vị phân tích, tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân CAGR (tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép) của BIDV giai đoạn 2024-2028 có thể đạt 15,4%, cao hơn so với mức 11,9% của giai đoạn 2019-2023. Trong đó, CAR của ngân hàng sẽ cải thiện lên 11,07% trong năm 2025 nếu hoàn thành thương vụ.
“Tuy nhiên, việc hoàn tất thương vụ có thể kéo dài đến năm 2025 trước bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài thu hẹp khẩu vị rủi ro, và chưa mở rộng đầu tư vào Việt Nam”, chuyên gia tại BVSC nhận định.
Trước đó, Công ty Chứng khoán Vietcap cũng dự báo BIDV có thể chào bán riêng lẻ với mức giá 49.000-50.000 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu BID trong thương vụ phát hành cho KEB Hana Bank. Ảnh: FiinPro, BVSC. |
Vietcombank cũng rục rịch nâng vốn
Ngoài thương vụ chào bán cổ phiếu trị giá hàng tỷ USD của BIDV, một thương vụ chào bán riêng lẻ lớn nữa cũng đang được xúc tiến tại Vietcombank.
Trước đó, Bloomberg dẫn lời nguồn tin cho biết Vietcombank đã lựa chọn Citigroup để tư vấn triển khai thương vụ chào bán riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược.
Citigroup hiện là ngân hàng đầu tư lớn thứ 3 của Mỹ theo quy mô tài sản. Đại diện Vietcombank đã xác nhận với hãng tin này về việc lựa chọn Citigroup làm đơn vị tư vấn cho thương vụ bán vốn nhưng từ chối bình luận về các chi tiết khác của thương vụ.
Cũng theo nguồn tin của Bloomberg, Vietcombank có thể tiếp cận các nhà đầu tư nước ngoài lớn và đợt bán vốn sẽ diễn ra trong nửa cuối năm nay.
Nếu giao dịch thành công, Vietcombank dự kiến thu về được khoảng 1 tỷ USD (tương đương 24.450 tỷ đồng).
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Vietcap, giá bán kỳ vọng cho thương vụ của Vietcombank là 100.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn khoảng 4% so với thị giá hiện tại của cổ phiếu VCB.
Kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài đã được ban lãnh đạo ngân hàng đề cập từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Tháng 1/2019, Vietcombank phát hành riêng lẻ hơn 94 triệu cổ phiếu (2,55% vốn) cho GIC Private Limited (GIC), một quỹ đầu tư quốc gia của Singapore và hơn 16,6 triệu cổ phiếu (0,4% vốn) cho Mizuho Bank (Nhật Bản).
Hai thương vụ giúp Vietcombank thu về tổng cộng 6.200 tỷ đồng, tương ứng mức giá 55.800 đồng/cổ phiếu.
Tính đến ngày 31/12/2023, Vietcombank có 2 cổ đông lớn là Ngân hàng Nhà nước nắm giữ hơn 4,18 tỷ cổ phiếu, chiếm 74,8% vốn và Mizuho Bank nắm giữ gần 840 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 15% vốn.
Hiện cổ đông Vietcombank kỳ vọng có thêm thông tin về thương vụ bán vốn tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, dự kiến được tổ chức vào ngày 27/4 tới đây.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.