Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV (BID) vừa công bố quyết định bổ nhiệm nhân sự cấp cao trong ban tổng giám đốc ngân hàng từ ngày 12/3.
Trong đó, HĐQT ngân hàng đã thống nhất bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc với ông Lê Ngọc Lâm, hiện là Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành BIDV.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn cho biết việc bổ nhiệm ông Lâm vào vị trí Tổng giám đốc sẽ giúp ngân hàng tăng cường năng lực quản trị điều hành để thực hiện chiến lược phát triển 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 của BIDV.
Theo giới thiệu từ phía ngân hàng, ông Lê Ngọc Lâm sinh năm 1975 và đã có hơn 23 năm gắn bó với hoạt động của BIDV.
Cụ thể, ông gia nhập BIDV từ năm 1997, công tác tại trụ sở chính ngân hàng. Đến tháng 3/2009, ông được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Ban quản lý rủi ro tín dụng. Từ tháng 10/2010, ông là Phó giám đốc Sở Giao dịch 1 ngân hàng BIDV và đến tháng 4/2012, được bổ nhiệm là Giám đốc Ban quản lý rủi ro tín dụng.
Ông Lê Ngọc Lâm, tân Tổng giám đốc BIDV. Ảnh: Trà Vân. |
Tháng 4/2013, ông là Giám đốc Ban khách hàng doanh nghiệp tại ngân hàng và được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc BIDV từ ngày 15/1/2015.
Tháng 11/2018, sau khi ông Phan Đức Tú được miễn nhiệm vị trí Tổng giám đốc BIDV để đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT, ông Lâm cũng được bổ nhiệm là Phó tổng giám đốc phụ trách ban điều hành ngân hàng.
Như vậy, sau hơn 2 năm kể từ khi đảm nhiệm vai trò phụ trách ban điều hành, ông Lâm đã chính thức được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc BIDV. Sự kiện này cũng kết thúc chuỗi thời gian hơn 2 năm BIDV khuyết danh tổng giám đốc.
Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra sáng 12/3, ông Lâm cùng với ông Nguyễn Quang Huy, nguyên Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là 2 nhân sự được cổ đông BIDV bầu tham gia HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022.
Về hoạt động kinh doanh, BIDV hiện vẫn là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần với số dư đến cuối năm 2020 đạt 1,516 triệu tỷ, tăng 1,8% so với năm 2019.
Các chỉ tiêu tài chính cũng ghi nhận tăng trưởng, gồm tổng nguồn vốn huy động đạt 1,402 triệu tỷ, tăng 2%; dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,438 triệu tỷ, tăng 8,5%. Hiện BIDV đang chiếm 13,4% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế và đứng đầu về thị phần cho vay tổ chức kinh tế và dân cư trong khối ngân hàng thương mại.
Cùng năm, ngân hàng này ghi nhận 50.037 tỷ đồng tổng thu nhập, tăng 4% so với năm liền trước. Tuy nhiên, do phải trích lập xấp xỉ 1 tỷ USD chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 16% so với năm trước nên lợi nhuận trước thuế cả năm của nhà băng này chỉ đạt 9.026 tỷ đồng, giảm 16%.
Trong năm 2021, ban lãnh đạo ngân hàng dự kiến mức tăng trưởng tín dụng vào khoảng 10-12% (theo hạn mức NHNN giao) và tăng 12-15% ở chỉ tiêu huy động vốn.
Với các chỉ tiêu tài chính này, ban lãnh đạo ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế hợp nhất cả năm sẽ đạt 13.000 tỷ đồng, tăng hơn 44% so với năm 2020 và là con số cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động ngân hàng.