Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngô Tùng. |
Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ ưu tiên cao nhất
Chiều 8/10, phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ 33 (mở rộng) Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận tình hình kinh tế-xã hội TP.HCM tiếp tục duy trì đà phục hồi, tăng trưởng GRDP quý sau cao hơn quý trước. Tính chung 9 tháng đã đạt mức tăng trưởng 6,85%.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng cho rằng vẫn còn nhiều mặt hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt là việc triển khai thực hiện các giải pháp thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển chưa đạt yêu cầu đề ra, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, số vốn đăng ký đầu tư giảm.
Đối với phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 từ 7,5-8%, ông Nên cho rằng 3 tháng cuối năm sẽ còn rất nhiều thử thách, đòi hỏi phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp.
Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu, thành phố cần ưu tiên các giải pháp cho tăng trưởng kinh tế, cùng với đó là những yếu tố phát triển bền vững, tăng cường các biện pháp huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Đặc biệt là quan tâm đến các dự án, công trình quan trọng, công trình trọng điểm đã có trong kế hoạch; chủ động phối hợp các bộ ngành, trình Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn của các dự án đang vướng, vượt tầm của thành phố.
“Chúng ta phải tập trung chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công và xem đây là nhiệm vụ ưu tiên cao nhất của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM trong quý IV này”, ông Nên nhấn mạnh và cho hay, tại phiên họp kinh tế-xã hội thường kỳ của UBND TP.HCM vừa qua, thành phố cũng thống nhất đặt ưu tiên số 1 cho nhiệm vụ này và Thường vụ Thành ủy cũng đã phân công các ủy viên theo dõi, quán triệt.
Theo đó, ông Nên lưu ý đến nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình, dự án trọng điểm theo kế hoạch đã đề ra. Tập trung thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa ba động lực tăng trưởng chính (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) cùng với thúc đẩy các hoạt động tăng trưởng mới, trong đó chú trọng đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa, kích cầu du lịch. Tháo gỡ nhanh những vướng mắc về thủ tục trong lĩnh vực đấu thầu, xây dựng cơ bản, thị trường bất động sản….
Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM nêu rõ, thời gian của năm 2024 còn lại khoảng 80 ngày. Do đó, TP.HCM sẽ triển khai các nhiệm vụ với nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện theo kế hoạch đã đề ra. Ông Nên cũng lưu ý, đi kèm với đó sẽ là kiểm tra, uốn nắn và xử lý những trường hợp không thực hiện hoặc vì lý do nào đó không đạt yêu cầu, chỉ đạo do nguyên nhân chủ quan.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng nêu rõ, hội nghị Thành ủy lần này đã thống nhất khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tiếp tục triển khai các chương trình, đề án mà Nghị quyết Đại hội XI đã đề ra. Cùng với đó, tập trung hoàn thiện, báo cáo Bộ Chính trị để trình Quốc hội dự án đường Vành đai 4, đề án đường sắt đô thị, đề án Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM...
Giải ngân 63.000 tỷ đồng trong 3 tháng cuối năm
Trước đó trao đổi thảo luận tại Hội nghị lần thứ 33, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã thông tin chi tiết về nhiệm vụ giải ngân đầu tư công trong quý cuối cùng của năm 2024, giữa lúc nhiệm vụ này đang được xem là khá nan giải khi hết 9 tháng thành phố chỉ giải ngân được trên dưới 20%.
Ông Mãi cho rằng, việc giải ngân đầu tư công còn gặp nhiều vướng mắc giữa các sở ngành, quận huyện. Do đó, ông mong Thành ủy TP.HCM kiểm tra vấn đề trên để đôn đốc, cùng tìm cách tháo gỡ.
Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các địa phương tập trung giải ngân đầu tư công và triển khai Chỉ thị 12 của UBND TP.HCM để đảm bảo tăng trưởng của năm 2024 đạt 7,5% và năm 2025 đạt 8-8,5%.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao đổi tại hội nghị. Ảnh: Ngô Tùng. |
“Năm nay, TP.HCM đặt kế hoạch giải ngân 79.000 tỷ đồng. Hiện thành phố đã giải ngân xong 16.000 tỷ, còn lại 63.000 tỷ. Số tiền này phải giải ngân chậm nhất đến tháng 1 năm 2025”, ông Mãi nêu rõ.
Theo ông Phan Văn Mãi, số tiền 63.000 tỷ đồng còn lại được chia thành 5 nhóm.
Trong đó, nhóm giải ngân cho giải phóng mặt bằng là trên 30.000 tỷ đồng, lớn nhất là dự án rạch Xuyên Tâm với 12.967 tỷ đồng, liên quan đến các quận Bình Thạnh, Gò Vấp và Sở Tài nguyên và Môi trường. Nhóm này còn có dự án Bờ Bắc - Kênh Đôi với 5.092 tỷ, liên quan tới quận 8; hai đoạn dự án Vành đai 2 với 7.600 tỷ, liên quan đến TP.Thủ Đức.
Thứ hai là nhóm các dự án khởi công mới với con số 8.000 tỷ.
Thứ ba là nhóm những dự án đang thực hiện với kinh phí 9.600 tỷ.
Thứ tư là nhóm vướng mắc thủ tục với Trung ương với hơn 10.000 tỷ, gồm có dự án chống ngập (6.800 tỷ), phần còn lại là của tuyến metro số 1 (4.000 tỷ).
Cuối cùng là nhóm các dự án vướng mắc thủ tục ở TP.HCM, chủ yếu là quy hoạch, với 57 dự án. Những dự án trên thành phố đã giao cho các quận, huyện tháo gỡ.
“Tôi mong các quận, huyện và TP.Thủ Đức quan tâm, đôn đốc chủ đầu tư tháo gỡ vấn đề có liên quan tới sở, ngành để thúc đẩy giải ngân, nhằm đảm bảo mức tăng trưởng của năm 2024”, ông Mãi lưu ý.
Sách hay về TP.HCM
Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.
Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.