Các đại biểu thảo luận tại Tổ, chiều 9/12. |
Đại biểu Đường Hoài Nam (Tổ đại biểu HĐND Long Biên) chia sẻ tại phiên thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại Kỳ họp thứ 20 HĐND TP. Hà Nội được tổ chức, chiều 9/12.
Theo ông Nam, lĩnh vực đô thị trên địa bàn thành phố còn nhiều tồn tại, nhất là ô nhiễm rác thải, không khí, nước. “Ùn tắc giao thông và ô nhiễm là '2 đặc sản' của Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay thành phố vẫn chưa có giải pháp căn cơ, hữu hiệu giải quyết dứt điểm”, đại biểu Đường Hoài Nam chia sẻ.
Ông Nam cũng cho biết, giải ngân vốn đầu tư công của thành phố năm qua chưa đạt chỉ tiêu như kế hoạch đầu năm đề ra. Cũng vì thế, vấn đề đô thị, phát triển đô thị chưa được giải quyết. Trong đó, giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm là nguyên nhân căn cơ trong đầu tư công.
Theo ông Nam, GPMB quan trọng nhất là cơ chế. Hầu hết người dân mất diện tích đất ở đều muốn nhận bồi thường bằng đất ở. Thực tế hiện nay là hầu hết trường hợp nhận tiền bồi thường đất ở nhưng không đủ tiền mua chung cư dẫn đến bất cập.
“Có nhà mất 30m2 đất ở mặt đường, nhận tiền bồi thường nhưng không đủ mua căn chung cư 50-60m2. Nếu muốn mua, họ phải vay mượn thêm 400-500 triệu đồng nữa. Hơn nữa, ở mặt đường, họ bán trà đá cũng đủ mưu sinh, giờ lên chung cư vừa phải vay mượn, lại mất kế sinh nhai. Vì thế, nhiều trường hợp đáng thương quá chúng tôi không nỡ cưỡng chế”, đại biểu Đường Hoài Nam chia sẻ.
Ông Nam cho rằng, vấn đề mấu chốt là giá bồi thường GPMB. Hiện nay, đất đấu giá có giá một đằng, nhưng giá bồi thường một nẻo nên rất khó giải thích với nhân dân. Vì vậy, nên có cơ chế hỗ trợ người dân trong GPMB để tạo thuận lợi cho nhân dân.
Đồng quan điểm, đại biểu Trương Hải Long (Tổ đại biểu quận Long Biên), Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (HANDICO) cho rằng giá đền bù GPMB hiện nay còn nhiều bất cập. Ví như, theo quy định gia đình phải bị thu hồi từ 30% trở lên mới được tái định cư đất ở. Thế nhưng, dự án đầu tiên gia đình bị thu hồi 20% đất, dự án thứ 2 bị thu hồi 15% tổng là 35%. Tuy nhiên, do một dự án không vượt 30% nên người dân không được tái định cư đất ở. Vì thế, người dân nhất định không chịu đi bởi "gia đình mất hơn 30% đất nhưng vẫn không được bồi thường đất".
Đó là chưa kể, hai dự án đầu tư cạnh nhau nhưng một dự án đầu tư công thì được bồi thường 10 đồng/m2, nhưng dự án của tư nhân họ hỗ trợ đến 30 triệu đồng dẫn đến người dân so sánh, tâm tư. “Tôi cho rằng, nên GPMB theo quy hoạch để các hộ mất đất tương đồng nhau. Đồng thời, sớm có bảng giá đất mới để hỗ trợ công tác GPMB”, ông Long đề xuất.
Cải tạo chung cư cũ cần chọn rõ khu vực làm điểm cho toàn thành phố
Nhấn mạnh về Đề án Cải tạo chung cư cũ, Đại biểu Nguyễn Lan Hương (Tổ Tây Hồ), Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP. Hà Nội cho rằng, đề án đã qua nhiều mốc tiến độ thực hiện nhưng đến thời điểm này, sản phẩm cụ thể trên địa bàn rất ít.
Theo bà Hương, trong việc tái thiết đô thị, cải tạo chung cư cũ, thành phố cần có các giải pháp căn cơ hơn và cần sản phẩm cụ thể. Việc thực hiện không cần đồng loạt nhưng phải chỉ rõ khu vực cụ thể làm điểm cho toàn thành phố.
"Qua giám sát việc thực hiện đề án, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội nhận thấy còn một số vướng mắc về cơ chế, chính sách chưa được giải quyết căn cơ, triệt để”, đại biểu nêu.
Cùng trăn trở về kết quả thực hiện đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội còn hạn chế, đại biểu Nguyễn Văn Luyến (Tổ Đan Phượng) cho rằng, qua tổng kết, các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân đã được chỉ rõ nhưng thành phố chưa có giải pháp cụ thể, căn cơ, hợp lý để thu hút doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Ngày 10/12, Kỳ họp thứ 20 HĐND TP. Hà Nội tiếp tục ngày làm việc thứ hai.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.