Dùng ý chí, sức mạnh tinh thần để chữa bệnh
Vào ngày trước trận chung kết, tôi thức dậy và cổ họng bị đau.
Tôi ghét phải thừa nhận chuyện này, nhưng đây đúng là kiểu của tôi. Tôi ủ bệnh trong người và sau đó vào thời điểm quan trọng, chẳng hạn như hôm trước một trận đấu hoặc một sự kiện lớn, hệ miễn dịch của tôi bị vô hiệu hóa. Tôi ho sặc sụa vào những thời điểm tồi tệ nhất có thể, như là khi tôi đụng vào hàng rào hay khi bắt tay một người nào đó.
Sách Không thể ngăn chặn. |
Tôi quyết định dùng sức mạnh tinh thần, dùng ý chí để chữa bệnh và giữ cho cơ thể khỏe mạnh, như tôi đã tập cho mình cao lên bằng cách treo mình lên thanh ngang của tủ quần áo ở Florida. “Mình sẽ đánh trận chung kết Wimbledon vào ngày mai”, tôi tự nhủ. “Mình không được phép xuất hiện ở trận chung kết Wimbledon với tình trạng ít hơn 100% sức lực. Mình phải xuất hiện ở trận chung kết Wimbledon với 100% sức lực”.
Tôi trải qua những thủ tục buổi sáng như thường lệ, tập thể dục, sau đó tham gia cuộc họp báo bắt buộc. Khi tôi trở về nhà thì mũi nghẹt, cổ họng đau buốt, cơ thể nhức mỏi, và khốn kiếp thay, tôi đã bị cảm lạnh khá nặng.
Chúng tôi gọi một bác sĩ đến tận nhà và ông đi theo sau tôi cùng với đủ loại dụng cụ trong chiếc cặp màu đen. Khám xong, ông ta nhún vai. “Tôi có thể nói thế nào đây, Maria? Cô bị ốm. Tin tốt là cô không bị sốt, không nhiễm siêu vi, và không bị cảm cúm. Cô chỉ bị cảm lạnh thông thường thôi”.
“Tôi có thể làm gì để khỏi bệnh?”, tôi hỏi.
“Uống nhiều chất lỏng, ngủ nhiều và đừng cố gắng quá sức”, ông nói. “Thông thường, sau một tuần cô sẽ khỏe lại”.
Tôi cảm ơn bác sĩ, rồi đi về phòng, nằm xuống giường và la hét. Sau đó tôi gọi cho mẹ tôi. Đó cũng là thói quen của tôi. Tôi hành xử không khoan nhượng và lạnh lùng với thế giới, vì thế giới có thể làm tôi tổn thương, sau đó tôi gọi cho mẹ và bật khóc.
“Có chuyện gì vậy Maria?”, bà lúng túng và an ủi tôi, sau đó bà khuyên tôi đừng tự dằn vặt bản thân. “Ngày mai, con sẽ chơi trận đấu lớn nhất đời mình”, bà nói. “Hôm nay, hãy nghỉ ngơi và suy nghĩ tích cực. Nếu con làm như vậy, mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả thôi”.
Thế là phần còn lại của ngày hôm đó tôi nằm dài trên giường, đọc những tạp chí lá cải và uống trà mật ong.
Tôi đã thử một kiểu tự kỷ ám thị ngay trước khi đi ngủ vào tối hôm đó. Nằm ở đó, dưới một tấm chăn bông lớn, trên một chiếc giường cao kiểu Anh, căn phòng tối đen như bất kỳ căn phòng nào trên thế giới, tôi tự nói với mình theo cách mà Yuri đã nói với tôi trong quãng thời gian tạm hoãn vì trời mưa trong trận đấu với Davenport.
Tôi tự nhủ: “Nghe này cơ thể, vào buổi sáng, bệnh cảm sẽ hết và mày sẽ khỏe lại. Đó không phải là một lời thỉnh cầu. Đó là một mệnh lệnh. Bây giờ, hãy thực hiện nó”.
Maria Sharapova vô địch giải Wimblendon năm 2004. |
Sau đó tôi trở mình, nhắm mắt và cố gắng ngủ, nhưng không sao ngủ được. Trước tiên, tôi nghĩ đến ngày mai, truyền hình và đám đông khán giả, trận đấu lớn nhất trong đời tôi. Sau đó tôi nghĩ đến đối thủ của mình, người gây khó khăn cho tôi trong suốt sự nghiệp nhiều hơn bất kỳ ai, Serena Williams.
Cô ấy vô địch Wimbledon năm ngoái và năm trước nữa, và nay đang cố gắng để trở thành tay vợt đầu tiên vô địch ba năm liên tiếp sau Steffi Graf. Nhìn bên ngoài, cô ta dường như không thể đánh bại, to lớn, nhanh và mạnh mẽ, một tay vợt có thể kết thúc bất kỳ đường bóng nào từ bất kỳ đâu trên sân! Có lẽ cô ta là tay vợt xuất sắc nhất. Cô ta lớn tuổi hơn tôi, và đã tham gia giải đấu này trước đây nên cô ta biết hết tất cả mọi thứ liên quan đến giải đấu.
Và khi tôi suy nghĩ về tất cả những điều này, khi tất cả những điều này lướt qua tâm trí tôi, tôi chợt nhận thức sâu sắc về cái cổ họng đang đau và chiếc mũi nghẹt đang khiến tôi khó thở. Trời ơi, thở còn không nổi thì đánh đấm gì nữa chứ? Khi tôi cân nhắc điều đó nhiều lần, trái tim tôi bắt đầu đập mạnh. Sau đó, tôi nhận ra rằng mình đã ngủ quá ít vì nãy giờ suy nghĩ miên man.
Dĩ nhiên tôi cần phải ngủ, nhưng khi tôi suy nghĩ đến chuyện đó thì thời gian mất ngủ vẫn tiếp tục, quay qua quay lại một lúc thì trời đã gần sáng. [...] Yuri làm cháo bột yến mạch cho tôi, giống như mọi buổi sáng khác. Tôi ăn sáng, uống trà mật ong và sau đó ra sân.
Giữa tâm bão
Tôi kể cho huấn luyện viên về bệnh cảm lạnh theo cách mà bạn có thể kể cho ai đó về một bí mật khủng khiếp. Hẳn là ông ấy nghĩ rằng tôi đang cố biện minh cho thất bại không thể tránh khỏi của mình. Đại loại tôi đã nói: “Thầy à, em bị cảm lạnh nặng. Và tối qua em hầu như không ngủ. Vậy thầy còn kỳ vọng điều gì nữa chứ?”.
Ông ấy nhìn tôi và bật cười.
“Có chuyện gì buồn cười sao thầy?”
“Chính là em đó”, ông trả lời. “Em đang ngồi ở đây, chỉ vài giờ trước trận chung kết Wimbledon, và lo lắng vì bị cảm lạnh. Cái gì, bị cảm cơ á? Ngay khi đánh quả bóng đầu tiên, thứ chết tiệt đó sẽ biến mất, rõ chưa? Biến mất như thể nó chưa bao giờ xuất hiện. Sao nữa, mất ngủ hả? Ngay khi bước ra sân, em sẽ tỉnh táo hơn bao giờ hết, tỉnh nhất trong cả cuộc đời! Chà, Maria lo lắng vì cô ấy bị cảm lạnh cơ đấy!”.
Thực tế là, tôi không cần phải chờ đến đường bóng đầu tiên thì mới khỏi bệnh. Ngay khi những lời đó được nói ra, bệnh cảm lạnh của tôi đã khỏi!
Tôi thực hiện các trình tự trước trận đấu. Ra sân, đánh bóng khởi động trong suốt 40 phút, rồi quay lại phòng thay đồ và thả lỏng, suy nghĩ và cố gắng... không suy nghĩ! Tôi được sắp xếp ở trong phòng thay đồ dành riêng cho các thành viên , một nơi quá ư sang trọng.
Vài ngày trước, trong căn phòng này vẫn còn nhiều tay vợt khác, nhưng hôm nay thì chỉ còn lại Serena và tôi. Đây là trận chung kết Grand Slam đầu tiên của tôi, vì vậy cũng là lần đầu tiên tôi thật sự trải nghiệm sự “trống vắng lạnh lẽo” của vòng đấu cuối cùng. Bên ngoài rất đông người cả người hâm mộ và các phóng viên. Đó là một đám đông lớn và ồn ào. Và ở chính giữa đám đông đó, bạn ngồi một mình, trong một phòng thay đồ vắng vẻ.
Phải chăng khi đó tôi ngồi và hồi tưởng lại quãng đường dài mà mình đã vượt qua để có mặt trong trận chung kết? Không, không hề. Tôi chỉ nghĩ về hiện tại và năm phút tiếp theo mà thôi! Đó là cách mà bạn có thể vượt qua những ngày như thế này. Đơn giản là bạn chỉ cần tập trung làm hết nhiệm vụ này đến nhiệm vụ khác...
Tôi đến phòng gym để khởi động. Trời đã trở nên rất đẹp, nhiệt độ khoảng 20-210C, có gió nhẹ, quang đãng tựa như sau một cơn bão vậy. Các ghế ngồi trên khán đài bắt đầu được khán giả lấp đầy. Đó là đầu giờ chiều, nhưng lại là thời khắc vàng khiến mọi thứ trở nên náo động. Tôi đã quay trở lại, phấn khích và sẵn sàng chiến đấu. Một cảm giác cũ như rộn lên trong tôi, đó là lòng khao khát đánh bại tất cả mọi đối thủ.
Tôi quay trở lại phòng thay đồ và chờ. Serena đã ở đó. Không cần nhìn, tôi vẫn có thể nghe thấy cô ta! Cũng như tôi, cô ta đã thực hiện xong các trình tự chuẩn bị cho trận đấu, và lúc đó cũng ngồi một mình. Giống như chúng tôi là hai người duy nhất ở trên một hành tinh vắng vẻ, ngồi cách nhau chỉ vài mét nhưng mỗi người đều làm như... chỉ có mỗi mình ở đó!
Serena Williams (trái) và Maria Sharapova. |
Lẽ ra Serena và tôi nên là bạn bè: chúng tôi yêu thích cùng một thứ, chúng tôi cùng có chung niềm đam mê. Rất, rất ít người trên thế giới này biết được điều mà chúng tôi biết: cảm giác giống như ở ngay tâm bão, nỗi sợ hãi và tức giận thúc đẩy bạn, cảm giác khi chiến thắng hay khi thất bại, v.v..
Nhưng chúng tôi hoàn toàn không phải bạn bè. Tôi nghĩ, trong một chừng mực nào đó, chúng tôi thúc đẩy lẫn nhau. Mà có thể điều đó còn tốt hơn là trở thành bạn bè, đúng không? Có thể đó là những gì cần thiết để kích thích trong lòng chúng tôi một mức độ tức giận “thích đáng”. Chỉ khi có sự giận dữ và cảm giác đối kháng mãnh liệt thì bạn mới có được sức mạnh để đánh bại cô ta. Nhưng ai mà biết được chứ? Một ngày nào đó, khi tất cả những điều này đã trở thành quá khứ, có thể chúng tôi sẽ trở thành bạn bè. Hoặc là không. [...]
Trên sân tennis, Serena Williams có vẻ gần như là kiêu ngạo, với một ánh mắt lãnh đạm, như thể cô ta đang đứng ở đâu đó bên trên và ngó xuống nhìn bạn ở bên dưới! Tôi nhận ra điều đó vì tôi cũng có một ánh mắt tương tự như vậy. Đó là kỹ năng làm cho đối thủ xao lãng - cái nhìn của cô ta như muốn nói với đối thủ rằng: “Này, cô không có cơ hội đâu!”. Thông thường, nó sẽ phát huy tác dụng, và đúng là đối thủ của cô ta không có cơ hội chiến thắng. Nhưng nó không phải lúc nào cũng có tác dụng, đặc biệt nếu đối thủ có cùng thái độ và cách hành xử giống như vậy. [..]
Cú đánh trả của Serena không qua lưới. Trận đấu kết thúc, tôi quỳ xuống, hai tay ôm mặt và cảm thấy cực kỳ hân hoan. Mỗi vận động viên đều có cách ăn mừng chiến thắng riêng: người thì nắm chặt tay và giơ nắm đấm, người thì chỉ tay lên trời, v.v.. Riêng tôi, thậm chí khi tôi làm điều đó, tôi cũng nhận thức được rằng điệu bộ này không phải là của tôi. [...]
Tôi chạy đến bên lưới. Tôi nghĩ rằng Serena sẽ bắt tay tôi trên lưới. Đó là những gì bạn thường làm, sau trận đấu hai bên bắt tay và trao cho nhau những lời nhận xét lịch sự vớ vẩn. Nhưng thay vào đó, cô ta đến và ôm tôi. Điều đó khiến tôi vô cùng ngạc nhiên.
Tôi nghĩ: “Đây có phải là nghi thức không? Đây có phải là điều bạn được cho là phải làm khi thua một trận chung kết Grand Slam không?”. Sau đó tôi nghĩ: “OK, nếu cô ta muốn ôm mình, thì mình sẽ ôm lại”. Serena ôm chặt tôi và tôi cũng ôm lại, mặc dù tôi thật sự đang nhìn qua cô ta và hướng mắt lên khán đài, cố gắng định vị cha tôi và giao tiếp bằng mắt với ông lần đầu tiên với tư cách là nhà vô địch Wimbledon.
Serena nói câu gì đó kiểu như “Làm tốt lắm”, và mỉm cười. Nhưng trong lòng cô ta ắt hẳn là chẳng thể nào cười nổi...