Nguyễn Đình Tú là một cái tên khá quen thuộc trên văn đàn Việt Nam đương đại. Hơn 20 năm qua, anh vẫn giữ được sức viết bền bỉ và không ngừng khai phá những địa hạt mới.
Khá thành công ở với các tiểu thuyết mang yếu tố trinh thám - hình sự, nhưng Nguyễn Đình Tú không dừng lại ở đó. Anh viết về chiến tranh và có cả những “cú rẽ ngang” đầy bất ngờ khi quyết định sáng tác cho bạn đọc nhỏ tuổi.
Ở thể loại nào, nhà văn mặc áo lính cũng để lại những dấu ấn riêng. Không ngoa chút nào khi gọi Nguyễn Đình Tú là “con tắc kè hoa” của văn đàn. Anh không ngừng biến hóa trong sáng tác để thách thức bản thân.
Và tiểu thuyết viễn tưởng dành cho thiếu niên Bãi săn là thử thách mới mà tác giả của Hồ sơ một tử tù dành cho chính mình. Sự giao thoa giữa trí tưởng tượng, huyền sử và chính sử đã tạo nên một câu chuyện kì ảo mang đậm bản sắc Việt.
Những con người trẻ tuổi và sứ mệnh giải mã quá khứ
Bãi săn là series tiểu thuyết kì ảo nhiều tập, phần 1 với tựa Giếng cổ vừa mới được ra mắt bạn đọc. Tác phẩm xoay quanh cuộc phiêu lưu của ba bạn trẻ Bảo Huy, Đại Dương và Huyền Như, khám phá bí ẩn về Người Rồng, đồng thời vén lên bức màn bí mật về cái chết của người thân.
Nếu muốn đi tìm đáp án cho những câu hỏi còn để ngỏ trong quá khứ, họ phải chấp nhận đương đầu với nguy hiểm.
Phần 1 của tiểu thuyết Bãi săn vừa mới ra mắt bạn đọc. |
Bảo Huy và Huyền Như đang chuẩn bị bước vào học kì đầu tiên ở Đại học Đế Đô, ngôi trường tư thục nổi tiếng nhất thành phố Tô Lịch. Ngay sau lễ khai giảng, một tai nạn bất ngờ ập đến với Bảo Huy.
Cậu không may bị ngã xuống vách núi khi đưa Huyền Như đi dạo trong khuôn viên rộng đến ngàn mẫu của trường. Cô bạn nhút nhát lo lắng đến mức ngất đi. Với người bình thường, không ai có thể giữ nổi mạng sống sau cú ngã khủng khiếp ấy.
Lạ kì thay, vài hôm sau Bảo Huy vẫn đến lớp với thân thể lành lặn. Chàng thủ môn điển trai kể với Huyền Như rằng cậu ta đã được một người lạ mặt cứu sống một cách bí hiểm.
Sau một hồi điều tra, hai bạn trẻ phát hiện ra ân nhân cứu mạng của Bảo Huy chính là Đại Dương, cựu sinh viên của Đại học Đế Đô. Cả ba đã vô tình gặp nhau trong lễ khai giảng của trường. Và bất ngờ vẫn chưa dừng lại ở đó.
Bảo Huy phát hiện ra cơ thể mình đang có những biến đổi lạ kì. Dường như có một ngọn lửa đang muốn hủy diệt cậu từ bên trong. Những chiếc vảy nâu bỗng đâu mọc ra bên ngoài lớp da trắng nhẵn nhụi. Sự thật đang hiện ra trước mắt làm chàng trai trẻ hoảng sợ. Đúng lúc đó Đại Dương xuất hiện.
Anh ta tiết lộ cho Bảo Huy một câu chuyện mà cậu không thể ngờ. Để cứu mạng chàng thủ môn điển trai, Đại Dương buộc phải biến anh chàng thành Người Rồng. Đó là cách duy nhất để bảo toàn tính mạng cho Bảo Huy sau cú rơi định mệnh từ trên vách núi. Chính Đại Dương cũng là một Người Rồng.
Giờ đây, ngoài việc duy trì cuộc sống như một chàng thanh niên bình thường, Bảo Huy còn phải học cách chế ngự sức mạnh của bản thân. Nguy hiểm hơn, Người Rồng luôn bị những tay thợ săn của Phường Săn truy đuổi. Để bảo toàn mạng sống, Bảo Huy và Đại Dương luôn phải ở trong trạng thái đề phòng.
Từ đây cuộc đời của Bảo Huy, Huyền Như và Đại Dương bất rẽ sang hướng khác. Hóa ra, giữa ba người họ đã tồn tại những mối liên hệ từ rất lâu, thậm chí trước khi những con người ấy mở mắt nhìn thế giới. Cha của họ đều đã chết hoặc mất tích một cách bí ẩn.
Đằng sau những chuyến đi không lời từ biệt ấy là bí mật liên quan đến Người Rồng. Khi nào cuộc chiến dai dẳng giữa Người Rồng và Phường Săn còn chưa kết thúc, ba người bạn trẻ vẫn sẽ phải đối mặt với hiểm nguy.
Thế giới kì ảo dành riêng cho những bạn trẻ Việt
Truyện kì ảo, viễn tưởng thường được biết đến dưới cái tên fantasy là một thể loại không mới đối với độc giả Việt. Nhiều nhà văn trong nước đã từng thử sức với thể loại này.
Tới Bãi săn của Nguyễn Đình Tú, độc giả mới tìm thấy một tác phẩm viễn tưởng, kì ảo mang đậm sắc màu văn hóa dân tộc. Điều này, có thể dễ dàng nhận thấy qua hình tượng “Người Rồng” một sản phẩm sáng tạo lấy cảm hứng từ truyền thuyết Con rồng cháu tiên.
Chưa dừng lại ở đó, Nguyễn Đình Tú còn xây dựng nhân vật chính Huyền Như là một cô gái yêu thích lịch sử. Lợi dụng tình tiết này, nhiều câu chuyện lịch sử và các tình tiết chính sử của vương triều Lý đã được lồng ghép một cách khéo léo vào trong tác phẩm.
Tượng mãng xà tự cắn thân liên quan đến tích "Thái sư hóa hổ" nổi tiếng của triều Lý đã được nhắc đến trong tác phẩm. |
Đây cũng chính là điểm nhấn quan trọng, tạo nên sự đặc sắc của Bãi săn. Hiện thực và hư ảo xen kẽ với nhau, khiến cho người ta nửa tin, nửa ngờ. Thành phố Tô Lịch, Không Lộ tự, Đền Thánh Mẫu… đầu là những địa danh được hư cấu trong tác phẩm, nhưng chúng cũng khiến người đọc tò mò và liên tưởng đến những nơi chốn có thực, với những câu chuyện còn sống mãi trong sử sách.
Nguyễn Đình Tú là một nhà văn viết truyện trinh thám - hình sự rất có nghề, và anh đã tận dụng tối đa lợi thế đó khi sáng tác một tác phẩm phiêu lưu kì ảo như Bãi Săn. Nghệ thuật tạo tình huống, với các yếu tố thắt nút, mở nút đan xen trong câu chuyện, hay mối quan hệ của các nhân vật đều được anh tính toán một cách tỉ mỉ và cẩn thận để luôn mang đến bất ngờ cho bạn đọc.
Là một nhà văn thuộc thế hệ 7X nhưng Nguyễn Đình Tú “bắt nhịp” rất nhanh khi viết về cuộc sống của những bạn trẻ 18-20. Người đọc sẽ không cảm thấy sự khiên cưỡng trong cách tác giả xây dựng nhân vật hay tạo không gian cho tiểu thuyết của mình. Từ lời thoại của các nhân vật đến các chi tiết miêu tả cuộc sống đời thường của nhân vật đều được nhà văn chăm chút kĩ lưỡng.
Bãi săn không chỉ được viết nên bởi một trí tưởng tượng phong phú cùng tình yêu với văn hóa và lịch sử dân tộc.Tác phẩm còn được viết bởi một cây bút tinh tế với óc quan sát nhạy bén. Bãi săn cho người đọc yêu văn chương của Nguyễn Đình Tú thấy được một chân dung khác trong sáng tạo của anh.