Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc chiến bảo vệ biên giới qua lời kể của một khẩu súng

Qua lời kể khách quan của một khẩu súng, lịch sử được tái hiện: phía Trung Quốc muốn "dạy cho Việt Nam một bài học", nhưng những người lính can trường đã nghiền nát mộng xâm lăng.

Trong các tiểu thuyết, truyện ngắn có nhắc về chiến tranh biên giới phía Bắc được xuất bản trong quãng 10 năm trở lại đây, điểm nhìn trần thuật đa số là con người. Chỉ có duy nhất cuốn tiểu thuyết Con chim joong bay từ A đến Z của nhà văn Đỗ Tiến Thụy có điểm nhìn từ một đồ vật (một khẩu súng).

Điểm nhìn con người và điểm nhìn khẩu súng có khác gì nhau? Điểm nhìn con người là điểm nhìn mang nhiều cảm tính, chủ quan của mỗi cá nhân. Còn điểm nhìn khẩu súng thì khách quan, lạnh lùng, thay đổi tùy thuộc vào người sử dụng nó.

Khẩu súng trong tiểu thuyết có một khai sinh rất rõ ràng: “Tôi là một khẩu súng máy hiệu M134, được sản xuất từ bang Okio nước Mỹ. Người Việt Nam thường gọi dòng súng máy như tôi là đại liên hạng nặng”. Người Mỹ đưa nó sang Việt Nam vào năm 1965 bằng tàu thủy trong đội hình của Sư đoàn thủy quân lục chiến số 3.

Khoái cảm của cái ác

Khẩu súng này trong hành trình trên khắp dải đất hình chữ S đã được "nếm vị" của rất nhiều người ở hai bên đối chiến. Từ người lính Việt Cộng, lính Việt Nam cộng hòa, đến lính Mỹ, lính Hàn Quốc, rồi lính Pol Pot, lính Trung Quốc và cả thường dân nữa.

Cuoc chien bao ve bien gioi tu diem nhin cay sung anh 1
Tiểu thuyết Con chim Joong bay từ A đến Z thuật lại một đoạn lịch sử qua lời cây súng. 

Mỗi giống người tùy vào hoàn cảnh sinh sống, chiến đấu của mình mà có lục phủ ngũ tạng, tim, óc với vị riêng biệt khác nhau. Khoái cảm thưởng thức thịt người của khẩu súng có thể nói là khoái cảm của cái ác.

Tác giả sử dụng chính “vị giác” của khẩu súng để tố cáo sự tàn ác của chiến tranh. Đồng thời, cũng vì để cho khẩu súng kể mà tất cả đều được nhìn từ hướng chân thật nhất.

Sau một chuyến hành trình dài bằng máy bay từ đất Campuchia, khẩu súng được đưa đến biên giới Việt - Trung, nằm trong một hang đá chon von trên cao. 

“Tôi nghe kể chốt này ở địa thế hiểm yếu nên đã nhiều lần bọn giặc tấn công. Chúng thường cho pháo dập trước đến nhừ cả đá vôi rồi mới xua bộ binh lên. Đã có lần chúng nhảy được vào tận cửa hang, nhưng lại bị đánh bật ra. Sau cả chục lần phải kéo xác nhau chạy xuống, chắc chúng đang tìm kế khác. Chúng chỉ cù cưa pháo kích suốt ngày đêm mà không dám đưa quân lên…”.

Chiến công của khẩu súng trong trận chiến này là đập vỡ sọ bốn tên và xé xác hàng chục tên khác. Và vị của lính Trung Quốc là vị màn thầu, làm từ ngô và thịt, nhưng vị này cũng chỉ có ở sĩ quan, còn lính thì là vị hỗn hợp của “rau ngô khoai sắn” rất khó tả.

Khoái cảm ăn thịt của khẩu súng máy hạng nặng này càng về cuối cuộc chiến càng ít đi, thay vào đó là những tháng ngày chờ đợi nơi hang đá lạnh lẽo. Ngày ngày nghe tiếng loa từ bên kia vọng sang: “Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã dạy cho bọn tiểu bá Việt Nam một bài học”.

Và những người lính Việt Nam bên này cũng nhủ “chẳng biết ai cho ai bài học”, họ chuẩn bị kỹ càng từng hộp đạn, từng khẩu súng để sẵn sàng cho những cuộc tấn công lấn chiếm tiếp theo. Mà rồi chẳng có cuộc tấn công nào xảy ra nữa cả.

Những người lính anh dũng trên chốt

Từ cái nhìn của khẩu súng cũng thấy được cuộc sống gian khổ mà bi , anh dũng của những người lính Việt trên chốt, bám lấy những điểm cao sẵn sàng chiến đấu. 

“Lính chốt quanh năm suốt tháng ăn cơm nắm uống nước bình tông, mùa hè cũng như mùa đông không cần tắm rửa. Ghẻ lở hắc lào loang lổ. Đầu lính chốt bạc phơ hoa lau, không phải vì tuổi tác mà bởi chấy rận đẻ trứng tầng tầng lớp lớp. Họ không chăm sóc thân thể họ nhưng lại chăm chút tôi rất kĩ. Toàn thân tôi bóng loáng bởi dầu chống gỉ. Họ không đánh răng, nhưng răng tôi được đánh hàng ngày, sạch bong, vàng chóe”.

Rồi một đêm điểm chốt xao động, những người lính quần áo rách mướp, râu ria tua tủa , tóc xõa kín vai lặng lẽ đưa khẩu súng xuống núi.

Cuoc chien bao ve bien gioi tu diem nhin cay sung anh 2
Tác giả Đỗ Tiến Thụy là một nhà văn quân đội. 

Khẩu súng cũng lý giải nguyên nhân của việc quân đội Trung Quốc đánh các tỉnh biên giới của ta: “Kẻ thù ban đầu hung hăng tấn công là vì biên giới khi ấy chỉ có những đơn vị dân quân và các đồn biên phòng Việt Nam nhỏ lẻ. Nhưng khi biết các đơn vị chủ lực đã kịp triển khai một thế trận trùng trùng để đón lõng và nghiền nát mộng xâm lăng, thì chúng vội rút”.

Hành trình của khẩu súng đến đây tạm kết thúc, nó trải dài từ chiến tranh chống Mỹ, qua chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, rồi hòa bình nằm im trong kho cho đến ngày được cậu Gấu, nhân vật chính trong truyện mua về phục vụ mục đích săn bắn trong khu nghỉ dưỡng sinh thái của mình.

Qua lời kể lạnh lùng của khẩu súng, một đoạn lịch sử của dân tộc Việt được tái hiện lại. Có thể chưa thật đầy đủ, nhưng là những gì khách quan nhất. Lời của khẩu súng ở gần cuối truyện: “Tôi yêu chiến tranh! Chiến tranh muôn năm! Không có chiến tranh thì đời súng đói, người lái súng cũng chẳng thể giàu”, đây là mong ước “chính đáng” của một khẩu súng.

Nhưng với nhân loại nói chung, mỗi người dân Việt Nam nói riêng, chẳng ai mong điều ấy xảy ra cả. Bởi cuộc đời chúng ta vẫn thích hoa hồng, chỉ có “kẻ thù buộc ta ôm cây súng” mà thôi.

Tác giả Đỗ Tiến Thụy sinh ngày 12/10/1970, tốt nghiệp Khoa sáng tác - Lý luận phê bình văn học, ĐH Văn hóa Hà Nội (2002-2006). Anh là nhà văn quân đội, đang công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội

Anh đoạt một số giải thưởng, gồm giải thưởng cuộc thi truyện ngắn "Tầm nhìn thế kỷ" báo Tiền Phong 2001-2002, giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội 2002-2003, giải thưởng cuộc thi Bút ký văn học tạp chí Văn nghệ Quân đội 2003-2004...

Tác phẩm đã xuất bản: Gió đồng se sắt, Màu rừng ruộng, Vết thương thành thị, Con chim Joong bay từ A đến Z.

Ký ức chiến tranh biên giới in đậm trong tiểu thuyết nhà văn quân đội

“Đủ các loại người chết, đủ các tư thế chết, có xác chết mới, lại có xác để lâu quá, rồi xe pháo qua lại cứ chèn lên xác người, nghiền họ như cám", trích "Xác phàm" về cuộc chiến.



Mộc Uyển

Bạn có thể quan tâm