Cách nay gần 40 năm, bài hát Chiến đấu vì độc lập tự do của nhạc sĩ Phạm Tuyên phát qua loa vang lên, len lỏi khắp các nẻo đất Việt. Những câu trong bài hát như “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới/ gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới…” vẫn còn in đậm trong tâm trí của nhiều lớp người sống ở giai đoạn đó, trẻ có, già có.
Và trong số những người trẻ năm đó, có những người sau này trở thành nhà văn nhà thơ. Tuy không trực tiếp cầm súng chiến đấu, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc đã ăn sâu vào tâm hồn, làm thành một phần cuộc sống của họ.
Họ lớn lên với thôi thúc phải viết trực diện, chính xác về nó, trong sự phủ lấp của thời gian. Từ đó những tác phẩm viết về chiến tranh biên giới phía Bắc đã lần lượt ra đời, trong đó có tiểu thuyết Xác phàm của nhà văn Nguyễn Đình Tú và Mình và họ của nhà văn Nguyễn Bình Phương, hai nhà văn quân đội.
Cuộc phẫu thuật lịch sử
Xác phàm (ra mắt năm 2014) là hành trình song song tìm về bản ngã cá nhân và tìm về lịch sử của hai nhân vật Nam và Việt, đều có cha là liệt sĩ, hi sinh tại biên giới. Thông qua một cuộc phẫu thuật chuyển giới ở đất Thái, tác giả đã mở lối dẫn vào một cuộc “phẫu thuật” khác là cuộc phẫu thuật lịch sử.
Lịch sử ở đây là 17 ngày đêm chiến đấu tại thị xã Vùng Biên, với điểm nhấn là Pháo đài Cảnh giác chống lại quân Khợ xâm lược. Họ chiến đấu trong tình cảnh: “Tổng số quân Khợ được huy động đánh chiếm thị xã Vùng Biên vào khoảng 130.000 người. Như thế tức là quân Khợ đông gấp mười lần quân mình”.
Trong 17 ngày ấy quân Khợ chỉ tiến được 17 km, trong lịch sử nước Việt đây là cuộc tiến công chậm nhất trong 11 cuộc tiến công từ phía bên kia. Để tiến được mỗi ngày 1 km như thế, quân Khợ đã phải mất 11.000 người, bị bắn cháy 82 xe tăng, 42 xe quân sự, bị phá hủy gần 100 khẩu pháo cối và nhiều phương tiện chiến tranh khác.
Hai phiên bản tiểu thuyết Xác phàm. |
Để có được sự ngăn chặn hiệu quả bước tiến công của quân địch như vậy tất cả đã phải trả rất nhiều máu, nước mắt, cùng những mất mát không gì có thể đo đếm được từ phía của hậu phương. Hai bà mẹ của Nam và Việt đã phải tự sinh con, nuôi nấng con cái trưởng thành.
Nam và Việt chưa một lần biết mặt bố. Bà mẹ già của “cô áo thiên thanh”, người đã hơn 90 tuổi mới được nhìn thấy nắm xương đứa con dứt ruột đẻ ra.
Vợ và con của bác Hoàng A Hạng, trưởng bản Pác Só, qua bao năm mới được thắp hương trước nấm mộ chồng. Cu Lỏi (Lỏi ở đây là nhanh nhẹn, chứ không biết chính xác tên là gì) chết năm 13 tuổi, trước đó bố mẹ em đã bị quân Khợ giết, em đã cùng chiến đấu với những cô chú không quen biết, để rồi chết đi…
Tất cả những người được nhắc đến trên đây là quân, là dân, họ bị hoàn cảnh dồn lại nơi Pháo đài Cảnh giác, tất cả họ cùng có chung quyết tâm chống lại quân xâm lược bành trướng.
Tạm bỏ qua cuộc chiến nơi Pháo đài Cảnh giác, người đọc có thể tìm thấy những đoạn văn mô tả khung cảnh làng mạc, thị trấn, những nơi mà quân Khợ đi qua:
“Đủ các loại người chết, đủ các tư thế chết, có xác chết mới, lại có xác để lâu quá, rồi xe pháo qua lại, ôtô, xe tăng cứ chèn lên xác người, nghiền họ như cám. Quay hướng nào cũng ngửi thấy mùi người chết và mùi thuốc súng. Mẹ con cháu bước đến đâu cũng gặp phải hố pháo. Suốt mấy ngày ăn bên xác chết, ngủ cạnh xác chết, đi bên xác chết, mắt đã quen cùng máu người và nội tạng tung tóe khắp nơi, cháu không còn thấy sợ nữa”.
Lời kể trên của cu Lỏi, người Hà Nội, cả nhà lên nghỉ Tết với bố là kĩ sư mỏ đồng. Khi quân Khợ tràn vào, bố em ở lại chiến đấu cùng anh em trong mỏ và bị giết, em theo mẹ chạy ngược lại, rồi mẹ cũng trúng đạn pháo chết.
Còn tội ác của quân Khợ gây ra với nhân dân ta thì khó có thể tưởng tượng được hết: “Xác phụ nữ, người già, trẻ nhỏ nằm vắt lên nhau, máu chảy thành vũng bên cạnh. Đàn ông, thanh niên đều bị rạch bụng, dồn vào một góc hang, bọn Khợ thiêu họ bằng súng phun lửa. Những thi thể chưa cháy hết bốc mùi thịt chín, khen khét tanh tanh, nhức óc kinh khủng”.
Nỗi đau của người ra khỏi cuộc chiến
Tiểu thuyết Mình và họ (xuất bản tại Việt Nam năm 2014, đạt giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2015) của nhà văn Nguyễn Bình Phương cũng là một câu chuyện song song kể về hành trình của người em trai tên Hiếu tìm về chiến trường xưa, nơi anh trai mình đã chiến đấu và bị bắt, cạnh đó là câu chuyện của người anh kể cho người em thông qua những bức thư.
Cuộc chiến trong tiểu thuyết này là cuộc chiến bảo vệ biên cương có sự chuẩn bị, tất cả đều sẵn sàng đối diện với nó.
“Thực ra cuộc tháng Hai không bất ngờ như nhiều người vẫn tưởng. Ở thị trấn này người ta được báo trước đến hai tuần. Gạo đã được chuyển lên núi, vào các hang sâu, súng đạn đã chuẩn bị. Kế hoạch tác chiến cũng xong xuôi, chỉ việc chờ. Thời gian chờ hơn chục ngày là thời gian khó khăn nhất, cậu bảo thế, vì không còn bụng dạ nào để vui vẻ hay tức giận. Cứ hong hóng, thấp thỏm. Hễ thấy dân quân chạy từ đèo xuống là vội vàng vớ lấy súng, nhưng rồi lại nhận được cái xua tay".
"Trưa ngày mười bảy thì họ tràn sang. Dân quân chia làm hai, một nửa đưa trẻ con, người già vào trong thung lũng ẩn nấp, nửa còn lại chặn ở đỉnh đèo. Cậu kể đánh được hai ngày thì phải bỏ đèo, bỏ cả thị trấn để chạy lên núi. Bọn họ đuổi theo, bắn rát rạt phía sau. Hai dân quân trẻ chạy cùng cậu đều bị bắn chết”.
Tiểu thuyết Mình và họ của Nguyễn Bình Phương. |
Có những chi tiết phụ trong cuộc chiến để lại nhiều ấn tượng với người đọc, như truyền đơn, và một đoạn trong truyền đơn được nhân vật anh trai của Hiếu còn nhớ chép lại cho người em, thêm nhận xét rằng: "Chẳng hiểu bọn Tàu in như thế để làm gì".
Nhân vật anh trai của Hiếu chiến đấu tại biên giới phía Bắc, trong một lần bị trinh sát dẫn nhầm đường đã bị lạc sang phía bên kia, bị bắt, bị dẫn giải sâu vào nội địa bên kia.
Từ đây ta có được cái nhìn về cảnh vật, quân đội của bên đối diện: “Vượt qua cái ngoàm đá, vào sâu hơn chút nữa thì tới đồng bằng. Anh giật mình khi thấy bọn họ đông đến thế nào. Không khác gì đàn kiến chuyển tổ, lúc nhúc, lạu tạu, tay nọ va vào tay kia, súng đạn, đồ đạc lỉnh kỉnh”.
Khi được thả về, người anh không thể nào sống bình thường được, anh mất bản năng đàn ông, điên điên, khùng khùng. “Anh dị ứng với tất cả những gì liên quan tới họ. Hành động đầu tiên là đập vỡ cả cái phích màu đỏ có in hình con công xòe đuôi, sau đó tới cái quạt Lifan, nồi cơm điện cũng bị đập méo. Đến cả cái đài cũ bác Lâm mua hộ mẹ, có chữ Nhật cũng bị anh ném bay ra sân vì tưởng đó là chữ của khựa”.
Sau chiến tranh biên giới, người anh trở về, như Kiên trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh, anh cũng không thể nào ra khỏi cuộc chiến. Chỉ khác, Kiên còn có tình yêu cứu rỗi, đến nhân vật anh trai của Hiếu trong Mình và họ thì chẳng có gì cứu rỗi được cả, từ gia đình đến tình yêu.
Bộ đội tiến về Cao Bằng, ảnh chụp khoảng cuối tháng 2/1979. Ảnh tư liệu |
Cùng với quá trình tìm dấu vết người anh, thì nhân vật Hiếu cũng gặp nhiều người tham gia cuộc chiến như người cậu, nhóm cựu binh, chị cán bộ xã, anh lái xe, người bạn làm báo…
Tất cả dấu vết của cuộc chiến vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức những người dân vùng biên, nó chưa bao giờ phai nhạt, mà chỉ chờ dịp để bùng lên.
Tuy được xây dựng từ những điểm nhìn khác nhau, nhưng cả hai tiểu thuyết Xác phàm và Mình và họ đều cho thấy cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc là cuộc chiến tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt.
Chúng ta không thể nào quên cuộc chiến này trong lịch sử; nó giống như Pháo đài Cảnh giác trong Xác phàm, để luôn luôn nhắc nhở mỗi người về những bài học và những điều cần rút ra cho ngày hôm nay.