Bộ sưu tập sản phẩm dòng Galaxy tại một cửa hàng của NTT Docomo, trung tâm Tokyo. Ảnh: AndroidAuthority. |
Hôm 9/4, nhà mạng Nhật công bố phát hành Galaxy S6 và S6 Edge. Tuy nhiên, cặp smartphone đình đám này không nhận được hỗ trợ truyền thông của họ.
Việc nhà mạng Nhật từ chối hỗ trợ quảng cáo cho Galaxy S6 cố gắng che giấu thực tế: Đây là sản phẩm đến từ Hàn Quốc.
Các nhà cung cấp mạng ở đất nước mặt trời mọc đã thực hiện triệt để vấn đề này. Tên của Samsung bị gạt khỏi thiết bị ở cả 2 mặt trước, sau, thậm chí trên tài liệu quảng cáo.
Hai nhà mạng Nhật phát hành Galaxy S6, nhưng chỉ một trong số đó bán cả 2 phiên bản. Không tên tuổi nào cung cấp mẫu 128 GB.
NTT Docomo - nhà mạng lớn nhất Nhật Bản - công bố bán Galaxy S6 duy nhất phiên bản 32 GB với các màu vàng và đen. Trong khi đó, Galaxy S6 Edge chỉ có phiên bản 64 GB với lựa chọn màu vàng và xanh.
KKDI Au bán chiếc Galaxy S6 Edge với các bản 32, 64 GB và 3 tùy chọn màu sắc bao gồm đen, trắng, vàng.
Loại bỏ Samsung
Hai nhà mạng trên đều bỏ logo Samsung. Điều này đã được KKDI thực hiện từ lâu, nhưng với Docomo, đây là lần đầu tiên. Thông thường, Docomo vẫn giữ logo Samsung ở mặt sau máy, mặc dù họ cố tình làm mờ.
Galaxy S5 của Docomo giữ logo Samsung ở mặt sau nhưng được làm khá nhỏ. Ảnh: Docomo. |
Không có bất cứ logo nào của Samsung xuất hiện trong cuốn sách giới thiệu Galaxy S6, S6 Edge dài 32 trang từ NTT Docomo. Thậm chí, tên công ty chỉ xuất hiện ở các trang 29, 30 - nơi nói đến các vấn đề pháp lý.
Bước sang chiếc Galaxy S6 Edge, logo Samsung đã không còn ở cả 2 mặt của máy từ nhà mạng Docomo. Ảnh: Docomo. |
Sự thật đáng buồn của người Nhật
Tất cả những động thái trên chỉ ra, người Nhật không chấp nhận việc Hàn Quốc vượt mặt họ trong ngành công nghiệp di động. Không chỉ vậy, Hàn Quốc còn vượt qua Nhật Bản trong lĩnh vực hạ tầng viễn thông. Nhật Bản hiện mới bắt đầu phổ cập mạng LTE Category 6, trong khi đất nước Kim chi đã sử dụng chuẩn này hơn một năm.
Những cuốn sách giới thiệu sản phẩm không có logo của Samsung. Ảnh: Android Authority. |
Đây là điều gây sốc đối với người Nhật, bởi NTT Docomo là nhà mạng đầu tiên khai thác mạng 3G trên các mẫu điện thoại phổ thông.
Hiện tại, không có sản phẩm di động nội địa nào của Nhật cạnh tranh được với Galaxy mới của Samsung. Trong công nghệ hiển thị, người Hàn không chỉ thành công trong việc sử dụng tấm nền OLED, mà còn bẻ cong màn hình. Trong khi đó, những công ty như Sony vẫn phụ thuộc vào màn hình LCD. Chỉ có Sharp mới bước đầu phát triển công nghệ IGZO.
Thị phần di động tại Nhật. |
Trong số các công ty Nhật, Fujitsu hiện có thị phần lớn hơn so với Samsung, Sharp ở mức tương đương, riêng Sony khoảng gấp đôi. Không chỉ gặp bất lợi về mặt quảng bá thương hiệu, Samsung còn gặp khó bởi người dùng Nhật có tâm lý: “Tôi mua Sony vì nó là hàng Nhật Bản”. Tuy nhiên, niềm tự hào dân tộc của người Nhật không ngăn được iPhone. Nó vượt xa các đối thủ, thống lĩnh thị trường.
Android Authority bình luận, Nhật Bản là đất nước đặc biệt. Trong khi người dân yêu thích nhiều sản phẩm ngoại như phim Hollywood, đồ ăn Pháp, dụng cụ y tế Đức, thì các sản phẩm công nghệ nội địa lại nhận được niềm tin gần như tuyệt đối. Sự thống trị của các thương hiệu Sony, Panasonic, Toshiba, NEC trong những năm 1980 - 1990, thậm chí 2000, là minh chứng rõ nét.
Do đó, việc người Nhật đối xử bất công với Samsung, tôn vinh sản phẩm nội là điều dễ hiểu. Samsung nên tự hào vì họ đã làm ra Galaxy S6, S6 Edge - những sản phẩm khiến người Nhật phải “chơi chiêu” để giảm hiệu ứng truyền thông, bởi chúng đã vượt mặt các sản phẩm Nhật Bản.