Khi Samsung ra mắt chiếc Galaxy S6 tại MWC trong tháng 3 vừa rồi, sản phẩm này không sử dụng chip Qualcomm Snapdragon 810. Thay vào đó, Samsung quyết định dùng vi xử lý cây nhà lá vườn Exynos 7420 SoC. Quyết định này của Samsung đã làm dấy lên nhiều tranh luận và dĩ nhiên Qualcomm cũng chịu những tác động nặng nề.
Liệu động thái này của Samsung xuất phát từ lý do “quá nhiệt” như những lời đồn đoán? Hay đơn giản hơn là Samsung muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp? Hay hãng này đang “dọn đường” cho cuộc cạnh tranh trực tiếp với đối tác cũ? Và cũng có thể còn có một động lực nào đó xuất phát từ lý do “tăm tối” hơn.
Qualcomm bị nhiều đối thủ bủa vây
|
Chỉ cách đây một năm, trên trang Android Authority từng có một bài báo viết về Qualcomm và coi hãng này là kẻ thống trị trong thị trường di động. Công ty này đi đầu trong làn sóng smartphone với vai trò là nhà sản xuất chipset lớn nhất. Nhưng để giữ được vị trí hàng đầu chẳng phải chuyện dễ dàng.
Intel từng không thể vượt lên trước khi hợp tác với công ty thiết kế chip hàng đầu thế giới ARM, nhưng cuộc bám đuổi giữa hai công ty sản xuất SoC cùng hợp tác với ARM là Qualcomm và Intel ngày càng sát nút hơn. Những nguy cơ trước mắt đối với Qualcomm còn đến từ MediaTek, Nvidia và Samsung.
Tuyên bố của Apple về loại chip A7 64bit từng được chuyên viên marketing cao cấp của Qualcomm cho rằng đó là một “mánh lới quảng cáo” rồi sau đó rút lại, điều đó chứng tỏ Qualcomm đã đi chậm hơn xu thế.
Cuối năm 2014 rộ lên tin đồn chip Snapdragon 810 của Qualcomm bị nhiều vấn đề về nhiệt. Không rõ tin đồn này xuất phát từ đâu nhưng nó khá thống nhất và những nguồn tin này còn dẫn chứng bằng sự việc Samsung sẽ không sử dụng chip Snapdragon 810 cho S6 chính vì lý do này.
Qualcomm cố gắng phản pháo và tất cả các đối tác của Snapdragon 810 bao gồm Xiaomi, LG, HTC, Motorola, Sony, Oppo và Microsoft đều đưa ra một câu trích dẫn tương tự nhau trong các bản thông cáo báo chí với nội dung: Các vấn đề liên quan đến quá nhiệt của Snapdragon 810 đều đã được khắc phục trong quá trình phát triển và những bộ vi xử lý được sử dụng trong sản phẩm sẽ không có vấn đề nào hết. Tuy nhiên, chính những tuyên bố này lại phần nào thừa nhận có một vấn đề gì đó với chip của Qualcomm.
Không có lửa nhưng vẫn có khói
Mặc dù Samsung vẫn sẽ tiếp tục là đối tác lớn của Qualcomm nhưng điều đáng chú ý là nhà sản xuất Hàn Quốc này không có bất cứ động thái nào để dẹp bỏ tin đồn. CEO Samsung, ông J.K. Shin không hề phủ nhận việc chip 810 không được sử dụng vì quá nóng.
Khi trả lời tờ Korea Times, ông nói: “Trước đây Samsung đã sử dụng nhiều vi xử lý của Qualcomm, nhưng chúng tôi rất linh hoạt. Nếu chip của Qualcomm đủ tốt, chúng tôi sẽ sử dụng. Samsung luôn sử dụng những linh kiện và vật liệu tốt nhất để tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm của chúng tôi trước các đối thủ khác”.
Phát biểu của CEO này nghe chừng như muốn nói: "chip Snapdragon 810 không đủ tốt". Tại sao Samsung lại làm như vậy?
1. Loại chip này thực sự quá nóng
Có thể chip Snapdragon 810 thực sự có vấn đề về nhiệt. Hai chiếc điện thoại sử dụng chip Snapdragon 810 nổi tiếng nhất là LG G Flex 2 và HTC One M9 nhưng hiện không có nhiều phản ánh cho rằng hai chiếc điện thoại này quá nóng khi sử dụng. Chính LG cũng từng thừa nhận là lô sản phẩm đầu tiên của chip 810 có chút vấn đề nhưng các vấn đề này đã được sửa chữa và họ cảm thấy tự tin khi đưa chip này vào thiết bị G Flex 2.
Điện thoại sẽ bị nóng lên khi chơi các game nặng trong một thời gian dài và điều này xảy ra với tất cả các loại điện thoại. Nhưng vì tin đồn là một thứ rất đáng sợ nên người ta luốn cố gắng để bới móc các vấn đề để tìm xem liệu nó có nóng thật hay không mà lờ đi thực tế rằng 810 cũng không có bất cứ vấn đề nào quá lớn so với các dòng sản phẩm khác trên thị trường. Để chứng minh tin đồn liên quan đến 810 là thật, chúng ta cần nhiều bằng chứng xác thực hơn.
|
2. Samsung muốn giảm bớt sự phụ thuộc
Điều này có lẽ là đúng dù động lực là gì đi nữa. Công ty nào mà chẳng muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào các đối tác bên ngoài. Nếu Samsung có thể tự sản xuất nhiều linh kiên hơn, công ty này sẽ tiết kiệm được tiền và có khả năng kiểm soát sản phẩm cao hơn. Samsung muốn đảo ngược tình hinh tài chính hiện tại và cách này có thể giảm bớt giá thành trên mỗi sản phẩm. Hơn thế nữa, công nghệ áp dụng cho chip Exynos big.LITTLE đã được Samsung sử dụng trong một thời gian vì vậy loại chip này được coi là "trưởng thành" hơn còn Qualcomm chỉ là một công ty đang cố gắng bắt kịp xu thế.
Có lẽ, điều quan trọng nhất đó là: đây là cách mà Samsung tạo nên sự khác biệt giữa sản phẩm của hãng với sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh.
3. Samsung muốn cạnh tranh với Qualcomm
Nếu Samsung thành công với Exynos, biết đâu đấy, đây sẽ cánh cửa để đưa hãng này trở thành một nhà cung cấp chip trong tương lai. Ngoài ra, nó còn là một cách để ngấm ngầm tuyên bố: Chip của Qualcomm không tốt, chip của chúng tôi tốt hơn.
Nhưng có phải là Samsung đang muốn trở thành một nhà cung cấp chip? Hãy nhớ, Samsung đang chịu trách nhiệm sản xuất chipset cho rất nhiều sản phẩm của Apple, và điều này đồng nghĩa với việc Samsung chẳng hề ngần ngại hợp tác với các đối thủ miễn là sự hợp tác đó tạo ra lợi nhuận. Có thể một ngày nào đó, Samsung sẽ xơi cả thị phần của Qualcomm.
Nhưng chuyện gì xảy ra nếu Samsung không thể cạnh tranh? Nếu Qualcomm quay trở lại lợi hại hơn xưa thì sao? Điều tệ nhất trong trường hợp này là: Samsung lại đi mua chip của Qualcomm về dùng.
4. Samsung muốn tạo ra những lời gièm pha cho đối thủ
Bằng cách thừa nhận chip 810 không đủ tốt để sử dụng cho chiếc S6, Samsung ngấm ngầm ám chỉ rằng các sản phẩm khác của những đối thủ cạnh tranh cũng chẳng hề tốt. Tin đồn về nhiệt của chip Snapdragon 810 có thể được dễ dàng xếp vào danh mục “đồn nhảm” nhưng đây cũng là một trong số những mánh lới các công ty hay dùng để tạo tiếng xấu cho đối thủ. Tin đồn này sẽ ảnh hưởng đến tất cả các sản phẩm của những đối thủ khác ngoại trừ chiếc S6 của Samsung.
Nhưng chiến lược này có phát huy hiệu quả hay không thì còn phụ thuộc rất nhiều vào kết quả so sánh hai SoC này. Kết quả kiểm tra mới nhất cho thấy vi xử lý của Samsung mạnh hơn nhưng modem của Qualcomm thì nhanh hơn và tiêu tốt ít năng lượng hơn. Có rất nhiều điểm so sánh khác mà chúng ta cần thời gian trải nghiệm thực tế để rút ra kết luận chính xác.
Samsung từng có “thâm niên” chơi bẩn đối thủ khi năm 2013, hãng này đã bị phạt 7 tỷ đồng vì thuê người nói xấu HTC. Vậy đây có phải là một hình thức chơi bẩn khéo léo hơn để dọn đường cho hãng khi bước chân sâu hơn vào lĩnh vực cung cấp chip?