Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bi kịch Hà Lan trước Italy tại Euro 2000

Thất bại của Hà Lan trước Italy tại bán kết Euro 2000 đến giờ vẫn được ghi nhận như là cuộc đấu kinh điển bậc nhất lịch sử giải đấu lâu đời này.

Euro anh 1

Nếu không bị hoãn vì đại dịch, Euro 2020 sẽ diễn ra chẵn 2 thập kỷ sau giải đấu được tổ chức trên đất Hà Lan và Bỉ. Những cây bút sừng sỏ từ World Soccer, NYTimes hay Guardian đồng tình đó là giải đấu hay nhất lịch sử.

Với 2.74 bàn/trận, giải đấu 21 năm trước vượt mặt mọi kỳ Euro trước và sau về số bàn thắng. Đáng ngạc nhiên, trận đấu kịch tính bậc nhất năm đó, Hà Lan gặp Italy tại bán kết, lại không có bất kỳ pha lập công nào xuyên suốt 120 phút.

Song những gì diễn ra tại sân Amsterdam Arena vào ngày 29/6/2000 vẫn mãi đi vào trái tim những người hâm mộ như là một trong những cuộc đấu kinh điển với đầy đủ yếu tố: tương phản, tranh cãi, người hùng, đỉnh cao, vực sâu và vỡ òa.

Euro anh 2Euro anh 3

Trận bán kết giữa Italy và Hà Lan là cuộc đấu biểu tượng của Euro 2000. Đồ họa: Minh Phúc.

Lửa gặp nước

Hà Lan bước vào trận bán kết gặp Italy với tư cách ứng viên số một cho chức vô địch. “Cơn lốc màu da cam” của Frank Rijkaard vùi dập Nam Tư tới 6-1 ở tứ kết, thắng cả Cộng Hòa Czech lẫn Pháp ở vòng bảng. Hai năm trước đó, Hà Lan về thứ tư tại World Cup trong giải đấu mà Johan Cruyff nhấn mạnh Oranje là đội mạnh nhất giải.

Nhân sự của Hà Lan tại Euro 2000 gần như không thay đổi so với giải đấu trên đất Pháp. Van der Sar, Stam, De Boer, Edgar Davids, Kluivert, Overmars, Bergkamp vẫn là bộ khung chính của “Cơn lốc màu da cam”.

Roy Maakay, chân sút chủ lực đưa Deportivo vô địch La Liga, chỉ là phương án dự phòng cho Kluivert đang ở giải đoạn đỉnh cao sự nghiệp. Clarence Seedorf lừng danh cũng thường chỉ ngắm nhìn đồng đội trên ghế dự bị.

Điểm khác biệt lớn nhất của Hà Lan so với World Cup 1998 là việc Rijkaard tiêm chất thép vào hàng phòng ngự như thừa nhận của nhà cầm quân này với Guardian.

Italy cũng thắng cả 4 trận trước khi lọt vào bán kết. Lực lượng của Azzurri khi ấy cũng cực mạnh với hàng phòng ngự trong mơ Paolo Maldini - Fabio Cannavaro - Alessandro Nesta. Albertini, Di Biagio, Inzaghi, Del Piero là những nhân sự cứng khác của đội quân dưới thời Dino Zoff. Nhà cầm quân này đã từ chối triệu tập ngôi sao tấn công Roberto Baggio, để đặt niềm tin vào phát hiện lớn mang tên Francesco Totti.

Trái ngược với Hà Lan tấn công vũ bão, Italy với thói quen phòng ngự vẫn đặt sự chắc chắn lên hàng đầu. Họ chỉ để thủng lưới đúng 2 bàn trên đường vào bán kết.

Nhân sự duy nhất không nằm trong kế hoạch ban đầu của Italy là Francesco Toldo. Thủ thành sinh năm 1971 được lựa chọn làm người gác đền chính chỉ bởi lựa chọn số một Gianluigi Buffon bất ngờ gãy tay chỉ 8 ngày trước khi giải đấu bắt đầu.

Và người đóng thế Toldo trở thành người hùng của Italy trước Hà Lan.

Kịch bản điên rồ tại Amsterdam Arena

Hà Lan với lợi thế sân nhà chỉ mất 2 phút để nắn gân người Italy bằng cú dứt điểm dội cột của Bergkamp. Nhưng cú đá bất thành của số 10 cũng báo hiệu một ngày không may của đội bóng áo cam.

Italy với tư tưởng phòng ngự phản công nhanh chóng gặp hạn trước sức tấn công vũ bão của đội chủ nhà. Tới phút 34, Azzurri chỉ còn 10 người khi Zambrotta nhận thẻ vàng thứ hai rời sân do phạm lỗi với Zenden. Trận đấu lúc này chỉ xoay quanh vùng cấm của Italy và cá nhân Toldo.

Thủ thành số 12 của Italy trở thành nỗi ám ảnh của Hà Lan khi liên tục bay lượn trong khung gỗ để cứu thua cho đội khách. Hà Lan được hưởng tới hai quả phạt đền trong 90 phút thi đấu chính thức nhưng đều đá hỏng vì tâm lý. Thủ quân Frank de Boer không thể thắng được Toldo. Kluivert đánh lừa được người gác đền của Italy nhưng lại sút bóng dội cột.

Trên khán đài, “Vua bóng đá” Pele chỉ hai tay vào mắt chính mình khi chứng kiến điều không tưởng diễn ra tại Amsterdam Arena. Nỗi ám ảnh Toldo đeo bám Hà Lan vào tới loạt sút luân lưu khi các ngôi sao áo cam bị thủ thành cao kều bên phía Italy khuất phục thêm hai lần. Italy thắng chung cuộc 3-1 trên chấm luân lưu. Toldo ẵm luôn danh hiệu “Cầu thủ hay nhất trận”.

Màn trình diễn của Toldo trước Hà Lan kỳ diệu tới mức chính thủ môn này chia sẻ: “Tôi cũng không hiểu vì sao mình có thể chặn được từng đấy cú đá nữa”.

Ký giả David Lacey của Guardian viết sau khi trận đấu kết thúc: “Tự nhận thấy không có cửa để đôi công với Hà Lan, Italy chọn cách phòng ngự lùi sâu để tận dụng các pha bóng chết. Và khi chỉ còn 10 người trên sân, phạt đền là điều không thể tránh khỏi. Nhưng người Italy có Toldo, một người hùng từ trên trời rơi xuống”.

Trước Euro 2000, Toldo chỉ là thủ thành dự bị ở tuyển Italy. Anh trưởng thành từ lò đào tạo của Milan, và từng thừa nhận: “Họ chưa từng tin tôi”. Suốt 3 năm tại San Siro, Toldo không ra sân dù chỉ một trận. Anh làm nên sự nghiệp trong màu áo Fiorentina, và lên đỉnh cao, dù chỉ trong chốc lát, bằng 120 phút điên rồ trước Hà Lan tại Amsterdam Arena.

Nỗi buồn Hà Lan

Trước Euro 2000, Cruyff khi được đặt câu hỏi về việc vì sao Hà Lan liên tục thất bại trên chấm luân lưu ở các giải đấu lớn đã trả lời: “Người Hà Lan luôn muốn làm mọi thứ thật đẹp. Nhưng nếu phải sút luân lưu sau 120 phút thì khác. Anh thử nghĩ mà xem: Họ đã đá cả trận, cả hiệp phụ, vì vậy lúc sút là chân cẳng rã rời rồi. Không thể bước tiếp được nữa, nhưng họ lại luôn cố sút thật chuẩn, thật đẹp. Lúc đấy thì chỉ cần bước tới, nhắm mắt và sút”.

De Boer, Stam, Bosvelt là những người sút hỏng luân lưu của Hà Lan trước Italy. Trước đó, Hà Lan đã thua Brazil tại World Cup 1998, thua Pháp tại Euro 1996, thua Đan Mạch tại Euro 1992 theo kịch bản tương tự. Những ngôi sao hay nhất của Hà Lan trong giai đoạn đó, từ Van Basten, Seedorf, Kluivert… đều từng sút hỏng luân lưu.

Sau Euro 2000, Hà Lan đã giải dớp thất bại trên chấm luân lưu tại Euro 2004 khi thắng Thụy Điển ở tứ kết. Song những ám ảnh về thất bại trên chấm 11 m chưa từng nguôi với “Cơn lốc màu da cam”. Tại World Cup 2014, giải đấu lớn gần nhất Hà Lan tham dự, đội bóng áo cam đã gục ngã trước Argentina cũng theo kịch bản này.

Ron Vlaar và Wesley Sneijder là những người sút hỏng luân lưu cho Hà Lan trên đất Brazil. Cả hai đều không làm theo chỉ dẫn: Vlaar sút bóng bằng lòng trong chân phải, điều mà Cruyff nhấn mạnh là “không thể thực hiện sau hai tiếng thi đấu”, còn Sneijder đã ngắm nghía rất kỹ trước khi tung ra cú đá bằng mu chính diện, trái ngược hoàn toàn với tư duy “đóng não lại và đừng nhìn gì cả” của huyền thoại đồng hương.

Hà Lan đã thất bại tại Euro 2000 cùng đội hình có thể xem là mạnh bậc nhất lịch sử với kịch bản gục ngã đau đớn và đây cay đắng như nhận định của ký giả Ibrahim Ayyub trên Football-Oranje.

Với Italy và Toldo, chiến thắng oanh liệt trong nghịch cảnh trước Hà Lan ở bán kết sau cùng lại là khởi đầu cho bi kịch của chính họ ở trận chung kết trước Pháp.

Loạt luân lưu cảm xúc giữa Italy và Hà Lan ở Euro 2000 Tại Euro 2000, huyền thoại Dino Zoff và các học trò vỡ òa cảm xúc khi hạ gục "Cơn lốc màu da cam" ở loạt luân lưu 11 m để giành quyền vào chơi trận chung kết.

HLV Tây Ban Nha nói gì sau khi loại Ramos khỏi danh sách dự Euro 2020

Cựu thuyền trưởng Barca nhấn mạnh quyết định loại Sergio Ramos khỏi danh sách dự Euro 2020 là "không dễ dàng".

Vì sao tuyển Anh luôn thảm bại tại EURO?

Là ông lớn của bóng đá thế giới và sở hữu nhiều cầu thủ thi đấu ở giải vô địch quốc gia khắc nghiệt nhất hành tinh, song tuyển Anh tại EURO luôn thất bại.

Việt Nhật

Bạn có thể quan tâm