Gia đình gọi em là Twinkle (tạm dịch: lấp lánh). Tại một bụi rậm khô cằn ở bang Rajasthan phía bắc Ấn Độ, thi thể của em được tìm thấy, máu loang ra bộ đồng phục học sinh màu nâu và cả hai chân. Cổ bị siết bởi thắt lưng, em nằm cạnh những chiếc vỏ kẹo vứt vương vãi.
Gia đình của em không nói thành lời khi được hỏi điều gì đã xảy ra với em.
“Nếu bạn thấy thi thể của cô bé, bạn sẽ không bao giờ nhắm mắt đi ngủ được đâu”, ông của Twinkle, Mahvir Meena, nói với Guardian.
Trong tuần qua, làn sóng căm phẫn nổi lên khắp Ấn Độ sau vụ cưỡng hiếp tập thể và giết hại nữ bác sĩ thú y 27 tuổi tại Hyderabad đang trên đường đi làm về vào tối 27/11. Bốn nghi phạm đã cố tình xì lốp xe máy của cô, rồi đợi. Chúng giả vờ giúp đỡ, rồi kéo cô tới bụi rậm bên đường, cưỡng hiếp, bóp cổ giết chết cô. Chúng ném thi thể cô xuống một cầu chui, trước khi tẩm dầu và đốt xác cô.
Bốn nghi phạm đã bị cảnh sát bắn chết ngày 6/12 trong một vụ việc đầy tranh cãi.
Dù tội ác man rợ đó đã khiến hàng trăm người xuống đường, và các nghị sĩ kêu gọi treo cổ, hành quyết những kẻ hiếp dâm, đây không phải là vụ việc đơn lẻ. Theo thống kê, cứ 20 phút ở Ấn Độ có một phụ nữ bị cưỡng hiếp.
Ấn Độ là nơi nguy hiểm nhất đối với phụ nữ, theo một khảo sát của Thomson Reuters Foundation vào năm ngoái, và thực tế phũ phàng đó lộ rõ trong một tuần. Ngoài tội ác ở Hyderabad, tuần trước chứng kiến vụ bắt cóc, cưỡng hiếp tập thể và sát hại một luật sư trẻ ở Jharkland, vụ cưỡng hiếp và sát hại một người bán quần áo 55 tuổi ở khu Gulabi Bagh của thủ đô Delhi, và vụ cưỡng hiếp, giết hại, rồi đốt xác một thiếu niên ở bang Bihar.
Và ngày 30/11, ở làng nhỏ Kherli của bang Rajasthan, Twinkle là một trong những nạn nhân mới nhất, trẻ nhất của vấn nạn bạo lực tình dục ghê rợn nói trên.
Tại Shadnagar, gần Hyderabad, người dân ăn mừng sau khi cảnh sát bắn chết bốn nghi phạm đã cưỡng hiếp tập thể và giết hại một nữ bác sĩ thú y. Ảnh: AFP. |
"Con chim nhỏ của mẹ, về đây đi"
Theo Guardian, thủ phạm vụ việc ở Rajasthan là một người hàng xóm mà cô bé Twinkle thường ghé thăm đi học về. Mahendra Meena, một tài xế xe tải có hai con gái, 2 tuổi và 18 tuổi, thường cho kẹo Twinkle và ôm em mỗi khi em ghé qua. Vì vậy, vào ngày 30/11, khi ông thân thiện với Twinkle, và cho em một ít kẹo, không ai thấy nghi ngờ.
Nhưng chiều 30/11, Meena đã đưa em ra cánh rừng sau trường. Trong một căn nhà bỏ hoang bằng bêtông chỉ có một cửa sổ, hắn đã cưỡng hiếp Twinkle, theo như cáo buộc, và để bịt đầu mối đã dùng thắt lưng siết cổ em. Thi thể của em, vẫn mặc đồng phục học sinh, được một hàng xóm tìm thấy sáng sớm hôm sau. Meena khai với cảnh sát rằng hắn đã uống rượu.
Những đồ vật của Twinkle vẫn còn ở khắp nơi trong làng. Một cái quần hồng treo ở một cái đinh. Một đôi sandal trên mái nhà - em đã ném chúng lên đó. Mẹ của em, Bintosh Meena, ngồi trên sàn nhà, trùm chăn lên đầu, trở đi trở lại vì đau đớn và không ngừng kêu tên của con gái.
“Con chim nhỏ của mẹ, con ở đâu, về đây đi, về đi”.
Cô bé có tên là Twinkle vì giống như một ngôi sao nhỏ, bà của em, Kiskinda Meena, nói với Guardian, tay gạt nước mắt. Twinkle và em trai thường chơi đùa trong cánh đồng bao quanh làng, và mỗi sáng, bà của em sẽ giúp em sửa soạn đi học, mặc váy nâu, áo sơ mi. 10h30 mỗi sáng, bà sẽ đưa em đi vài trăm m tới trường dọc con đường bụi bặm.
“Con bé thân thiện với mọi người, rất ngoan và không bao giờ làm gì sai”, Vinod Kumar, giáo viên của em, cho biết. Cô bé thích tới trường, đi đâu cũng mang sách theo. Nhưng vào ngày mà em bị giết, em đã chạy ra khỏi cổng trường một cách vội vàng, để quên cặp sách.
Ram Krishan, cảnh sát phụ trách cuộc điều tra, nói ông bị vụ việc ám ảnh tới mức không ăn ngủ được trong hai ngày. Trong khi đó, dân làng kinh ngạc khi tội ác tình dục ghê rợn lại xảy ra ở ngay ngôi làng của họ. Nhiều người nói con gái họ sợ hãi khi phải tới trường.
Kiskinda Meena nói: “Bạn nghe chuyện này tại các nơi khác ở Ấn Độ, các thành phố, nhưng chưa từng nghe thấy ở đây, và xảy đến với con gái tôi mới chỉ là đứa trẻ”.
“Chính phủ nói phải giáo dục trẻ em gái, giúp chúng tránh bị tấn công (tình dục) nhưng không có ai giúp các em khi xảy ra chuyện. (Nạn cưỡng hiếp) sẽ không chấm dứt nếu chính phủ không cứng rắn trong chuyện này”.
Cảnh sát tới hiện trường ở Shadnagar, nơi bốn nghi phạm bị bắn chết. Ảnh: AFP. |
Bảy năm “giậm chân tại chỗ”
Vấn nạn bạo lực tình dục mang tính hệ thống tại Ấn Độ từng được phơi bày 7 năm trước, sau vụ hiếp dâm tập thể Jyoti Singh, một sinh viên trên xe bus ở Delhi năm 2012. Hàng nghìn người đổ ra đường đòi thay đổi. Luật mới sau đó đã tăng gấp đôi án tù cho tội hiếp dâm lên 20 năm.
Nhưng 7 năm sau, các nhà hoạt động và phụ nữ đều cho rằng vấn đề ngày càng tệ hơn. Vấn đề xã hội đằng sau tình trạng này vẫn chưa được giải quyết, và thái độ coi thường luật pháp đối với tội phạm tình dục vẫn bám rễ trong xã hội.
Tại các tòa án, có tới 133.000 vụ án hiếp dâm đang chờ. Vào tháng 5, một hội đồng thẩm phán bác bỏ cáo buộc nói phán tòa án tối cao Ấn Độ đã quấy rối tình dục một cựu nhân viên. Phán quyết đó đã gây phẫn nộ và châm ngòi cho biểu tình.
“Trừ khi vấn đề này bị coi là nỗi nhục đối với thể diện quốc gia, tôi không thấy có thay đổi gì”, Deepa Narayan, nhà hoạt động và tác giả cuốn sách Phá vỡ sự im lặng về phụ nữ Ấn Độ.
“Xã hội coi khinh phụ nữ một cách có hệ thống và coi họ không bằng con người, và hiếp dâm là triệu chứng kinh khủng nhất của điều đó. Có vẻ như mức độ tàn ác của các vụ việc ngày càng tăng”.
Các chính quyền bang thậm chí còn chưa động tới quỹ Nirbhaya, khoản 140 triệu USD được chính phủ dành ra cho các nỗ lực bảo vệ phụ nữ, sau vụ việc rúng động 7 năm trước. Đến nay, 91% quỹ trên vẫn chưa được dùng. Riêng Delhi, được mệnh danh là “thủ đô hiếp dâm của thế giới”, mới chỉ dùng 5% số tiền được phân bổ về đây.
Các nhà hoạt động đã chỉ trích những lời kêu gọi xử tử tội phạm hiếp dâm, cho rằng hung thủ sẽ càng muốn giết nạn nhân để bịt đầu mối. Ảnh: AFP. |
Trách nhiệm của chính phủ Thủ tướng Modi?
Ở Quốc hội Ấn Độ tuần qua, một số chính khách phản ứng sau vụ giết hại nữ bác sĩ thú y ở Hyderabad bằng cách kêu gọi hành quyết, treo cổ những kẻ hiếp dâm.
Nhưng Kavita Krishnan, thư ký của Hiệp hội Phụ nữ Tiến bộ Toàn Ấn Độ, cho biết điều đó chỉ làm mọi thứ tệ đi.
“Những lời kêu gọi xử tử chẳng có tác dụng gì ngoài gây nhiễu”, bà nói với Guardian. “Điều đó khiến chính phủ chẳng phải chịu trách nhiệm gì... mà chỉ là các nghị sĩ tự bảo mình rằng để giải quyết vấn đề này đơn giản chỉ cần xử tử 1-2 kẻ ác ôn. Nhưng chúng ta chưa có cuộc tranh luận cần phải có, và sẽ không thay đổi gì”.
Bà nói thêm: “Càng nói nhiều về án tử hình cho kẻ hiếp dâm, chúng ta sẽ càng thấy phụ nữ bị giết hại để bịt đầu mối”.
Krishnan nói dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, từ 2012, vấn đề này không được cải thiện, mà “chúng ta đã lùi lại vài bước”.
“Chúng ta có một chính phủ dung túng cho văn hóa cưỡng hiếp, trong đó những kẻ bị cáo buộc cưỡng hiếp được bảo vệ”.
Ranjana Kumari, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Ấn Độ, nói bà coi chính phủ là bên chịu trách nhiệm cuối cùng cho vấn đề này.
“Họ thất bại trong thực thi pháp luật, thực thi công lý, họ thất bại trong việc tạo môi trường an toàn cho phụ nữ”, Kumari nói. “Không có quyết tâm chính trị để giải quyết, thì bao giờ tình hình mới tốt lên được”.