Chỉ vài tiếng sau vụ nổ súng, gần 2.000 người tập trung tại hiện trường để hưởng ứng hành động của lực lượng cảnh sát.
Họ đồng thanh hô vang thông điệp ủng hộ, phát kẹo và tung hoa ăn mừng ở địa điểm phát hiện thi thể cháy đen của nữ bác sĩ thú y 27 tuổi tuần trước.
Đây cũng chính là hiện trường vụ cảnh sát nổ súng, bắn hạ 4 nghi phạm vào sáng 6/12 ở Hyderabad.
Xã hội mất niềm tin, ủng hộ "luật rừng"
Tại quê nhà cô gái, người dân tập trung mở hội ăn mừng, bắn pháo hoa và phát kẹo như đón nhận niềm vui lớn. Những thông điệp hưởng ứng hành động của cảnh sát tự thực thi công lý lan tỏa khắp mạng xã hội. Hơn 300.000 dòng tweet chỉ trong vài giờ được đăng tải, ủng hộ quyết định nổ súng và lực lượng chấp pháp.
Cảnh sát Ấn Độ đã bắn hạ các nghi phạm không thông qua xét xử, nhưng hành động đó vẫn được người dân địa phương đón nhận với thái độ tích cực. Nguyên nhân của hiện tượng này, theo BBC, chính là tình trạng xử lý vụ án nhiêu khê và chậm chạp của hệ thống tư pháp Ấn Độ.
Cảnh sát bắn hạ 4 nghi phạm vụ cưỡng hiếp, thiêu sống nữ bác sĩ ở Hyderabad ngay tại hiện trường vụ án. Ảnh: The Hindu. |
Những trường hợp như án cưỡng hiếp - giết người tại Hyderabad có thể mất nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ, để công lý được thực thi. Có hàng chục triệu vụ án chưa hoàn thành xét xử, trong đó hơn 150.000 trường hợp là án cưỡng hiếp. Niềm tin của xã hội vào hệ thống tư pháp hình sự của Ấn Độ bị xói mòn qua nhiều năm.
Tháng 12/2012, xã hội Ấn Độ rúng động khi một phụ nữ 23 tuổi bị tra tấn, cưỡng hiếp tập thể rồi giết hại trên xe buýt giữa thủ đô New Delhi. Tội ác tàn bạo của nhóm hung thủ thu hút sự quan tâm của truyền thông quốc tế, châm ngòi cho làn sóng biểu tình kéo dài nhiều ngày giữa New Delhi và những thành phố khác tại Ấn Độ. Chính quyền đưa ra nhiều đạo luật cứng rắn hơn để trừng trị mạnh tay tội phạm cưỡng hiếp, trong đó có cả án tử hình.
Tuy nhiên, bất chấp mọi sức ép từ xã hội và quốc tế, gia đình nạn nhân vụ cưỡng hiếp trên xe buýt New Delhi vẫn mòn mỏi chờ đợi công lý được thực thi. Asha Devi, mẹ của nạn nhân, cho rằng những hung thủ trong 7 năm qua đã tận dụng mọi lỗ hổng pháp lý để trì hoãn thực thi án tử hình.
Không quá bất ngờ khi Asha Devi là một trong những người đầu tiên lên tiếng ủng hộ quyết định nổ súng của cảnh sát Hyderabad ngày 6/12. “Tôi vô cùng vui mừng trước sự trừng phạt này. Cảnh sát đã làm rất tốt công việc của họ. Tôi kêu gọi không xử phạt những sĩ quan cảnh sát đó”, bà trả lời phỏng vấn của ANI.
Trong vài năm gần đây, Asha Devi trở thành gương mặt đại diện cho sự giận dữ của một bộ phận không nhỏ người dân Ấn Độ. Họ phẫn nộ trước hệ thống tư pháp trì trệ và kém hiệu quả, không đòi lại công lý cho nạn nhân trong nhiều vụ án hình sự nghiêm trọng.
Sau khi vụ án cưỡng hiếp ở Hyderabad được truyền thông đăng tải tuần trước, dư luận Ấn Độ một lần nữa bày tỏ bất bình. Họ lo ngại tội phạm cưỡng hiếp tiếp tục “sống khỏe bằng tiền thuế” trong nhiều năm, trong khi gia đình nạn nhân phải chật vật đòi công bằng. Niềm tin suỵ giảm nghiêm trọng khiến nhiều người ủng hộ công lý thực thi kiểu “luật rừng”.
Nhiều vụ cưỡng hiếp, giết hại nạn nhân được tòa án Ấn Độ xử lý chậm trễ khiến xã hội bức xúc. Ảnh: Hindustan Times. |
Lo bắn chết người vô tội
Chỉ vài giờ sau khi cảnh sát bắn chết 4 nghi phạm sáng 6/12, một trong những từ khóa thịnh hành trên cộng đồng Twitter Ấn Độ là #Singham. Cộng đồng mạng so sánh vụ việc với nhân vật hư cấu anh hùng cảnh sát báo thù trong bộ phim năm 2010 của Bollywood.
Tuy nhiên, vẫn có không ít ý kiến phản đối cảnh sát nổ súng, xem vụ việc là cuộc hành hình tự phát không qua xét xử.
“Cảnh sát thích bắn thì bắn, không xem pháp luật ra gì, không phải là câu trả lời mà chúng ta kiếm tìm”, giáo sư Kalpana Kannabiran, thành viện Hội đồng Phát triển Xã hội tại Hyderabad, nhận định.
“Đích cuối của công lý không thể đạt được bằng giết chóc bừa bãi và trả thù khát máu. Con đường công lý không được quyết định bởi thù hằn và nỗi đau của gia đình các nạn nhân. Công lý là khi chúng ta hỗ trợ họ trong thời khắc đau buồn và kiến nghị với quy trình pháp lý, đưa nghi phạm và kẻ bị cáo buộc ra xét xử bằng điều tra hình sự quyết liệt, kỹ lưỡng và chất lượng”, ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, Prakash Singh, cựu sĩ quan cảnh sát Ấn Độ, nói việc nổ súng “hoàn toàn có thể tránh khỏi”. Một số chuyên gia luật mô tả hành động bắn chết nghi phạm là “vi hiến” và hoài nghi liệu công lý đích thực có được thực thi.
Việc cảnh sát Ấn Độ bắn chết nghi phạm khiến nhiều người lo ngại những hung thủ thật sự vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Ảnh: The Hindu. |
“Nếu nghi phạm bị giết trước khi xét xử, vậy thì việc mở phiên tòa, thành lập cảnh sát, ban hành luật pháp còn ý nghĩa gì nữa? Chẳng lẽ bạn cứ việc cầm súng và bắn bất kỳ ai mình muốn. Vụ việc đáng lẽ phải được tiến hành theo đúng trình tự pháp luật”, Maneka Gandhi, nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền Bharatiya Janata (BKP), đánh giá.
Nhiều người lo ngại cảnh sát vẫn chưa tìm đúng hung thủ, mà bắt nhầm người vô tội để xoa dịu dư luận phẫn nộ. Một người dân địa phương chia sẻ việc cảnh sát bắt chết cả 4 nghi phạm là quá khó tin. Trước đó, cảnh sát khẳng định một số nghi phạm cách cướp súng và tấn công nhân viên chấp pháp khi được đưa đi tái dựng hiện trường vụ cưỡng hiếp.
Các đối tượng được kết luận chết tại hiện trường. Giới chức địa phương không công bố chi tiết về số cảnh sát có mặt khi vụ đấu súng xảy ra, hay nghi phạm bằng cách nào lại giành được súng của cảnh sát.
“Giờ đây, không ai có thể biết liệu 4 người đàn ông bị cảnh sát giết hại có phải người vô tội, bị cảnh sát bắt gọn chỉ để chứng tỏ họ có hành động. Và liệu 4 kẻ cưỡng hiếp tàn độc vẫn còn tự do, có thể cưỡng hiếp và giết hại thêm nhiều phụ nữ khác”, luật sư Karruna Nundy cảnh báo.