Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bị ‘dùng chùa’ truyện đăng lên mạng, tác giả chỉ biết kêu gọi ý thức

Truyện ngắn “Bóng chiều tà” bị chia sẻ, đăng lại mà không xin phép, hay dẫn nguồn khiến tác giả chỉ còn biết lên mạng kêu gọi những người “dùng chùa” tôn trọng tác quyền.

Mới đây, anh Bùi Ngọc Phúc (chuyên gia tư vấn thương hiệu) - chủ nhân tài khoản Facebook Penci Black - phản ánh truyện của mình bị người khác sử dụng mà không ghi nguồn. Truyện Bóng chiều tà của anh vốn đăng tải trên fanpage Quán Chiêu Văn - một trang của những người yêu văn chương với hơn 18.000 thành viên.

Ban đầu, truyện có tên Vệt nắng cuối ngày, nhưng vì trùng với một bộ phim truyền hình nên tác giả đổi tên thành Bóng chiều tà. Câu chuyện kể về cảnh ngộ một người đàn ông ngoài 70 tuổi, với hai người con gái vô tâm và bà vợ “đắm đuối vì con” trên thành phố, khiến ông sống trong cảnh cô quạnh cả chục năm trời.

Đó là câu chuyện điển hình trong cuộc sống hôm nay nên đã nhận gần 900 lượt yêu thích, hàng trăm lượt tương tác và hơn 200 lượt chia sẻ. Những lượt chia sẻ ấy đều dẫn nguồn cụ thể. Tuy vậy, có những tài khoản khác đăng tải toàn bộ câu chuyện với tên Vệt nắng cuối ngày mà không ghi nguồn, tên tác giả.

Truyen bi dung chua tren mang xa hoi anh 1
Truyện của anh Ngọc Phúc đăng trên trang Quán Chiêu Văn (trái) và truyện bị dùng mà không dẫn nguồn, tác giả.

Một số thành viên của trang Quán Chiêu Văn phát hiện ra tình trạng này, đã báo cho tác giả truyện. Điển hình, tài khoản Facebook có tên Châu An đăng tải nội dung truyện mà không dẫn nguồn hay ghi tên tác giả. Bài đăng này cũng nhận hàng trăm lượt thích, hàng trăm lượt chia sẻ. Dưới phần bình luận, một số tài khoản tưởng Châu An là tác giả của truyện.

Anh Ngọc Phúc nói: “nhiều bạn đã mang toàn bộ nội dung câu chuyện về Facebook của mình đăng lại và xóa tên tác giả đi coi như nó là của mình”. Với anh, đó là hành vi xâm phạm quyền tác giả và cách ứng xử thiếu văn hóa. “Mạng xã hội tuy là ảo nhưng giá trị nó đem lại là thật, không khó để nhiều độc giả đọc và phát hiện ra việc đạo văn này và phản ánh lại cho tôi”, anh Ngọc Phúc nói.

Việc một người đăng tác phẩm lên mạng, bị những người khác đăng lại mà không dẫn nguồn, ghi tên tác giả khiến nhiều người lầm tưởng kẻ dùng chùa là tác giả. Tình trạng này không phải hiếm trong thời đại ai ai cũng dùng mạng xã hội, và nhiều người dùng luôn muốn có nội dung hay đăng lên nhằm thu hút nhiều lượng tương tác.

Khi tác giả bị dùng chùa trên mạng xã hội, nhiều người sẽ ngại va chạm nên im lặng. Với anh Ngọc Phúc, khi biết truyện của mình bị “đăng chùa”, anh lên tiếng để “mọi người biết cách tôn trọng quyền tác giả, đó là ứng xử có văn hóa”. Là một tác giả của các đầu sách như: Cùng con bước qua các kỳ thi (đồng tác giả), tập truyện ngắn Miếu thành hoàng, Hồn trong phố... nên anh Phúc có kiến thức về tác quyền.

Với vấn đề bản quyền khi tác phẩm đăng tải trên mạng xã hội, anh kêu gọi: “Vì không gian văn hóa lành mạnh, hy vọng các bạn nên tôn trọng quyền tác giả, có như vậy mới tạo động lực cho mọi người tiếp tục cống hiến”.

Họa sĩ Lê Linh: 'Chủ đầu tư có tự trọng sẽ không tự nhận là tác giả'

Sau phán quyết tại TAND quận 1 về vụ "Thần đồng đất Việt", họa sĩ Lê Linh nói việc bà Hạnh nhận là tác giả là sự cố ngoài dự kiến, và theo đuổi vụ kiện cũng là việc bất khả kháng.


Y Nguyên

Bạn có thể quan tâm