Sáng 18/2, TAND quận 1 (TP.HCM) đưa ra phán quyết vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ truyện Thần đồng đất Việt giữa nguyên đơn là ông Lê Linh, bị đơn là Công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh.
Hội đồng xét xử tuyên công nhận Lê Linh là tác giả duy nhất của 4 hình tượng trong Thần đồng đất Việt, xác nhận bà Hạnh không phải là đồng tác giả. Hội đồng buộc Phan Thị chấm dứt việc tạo ra và sử dụng 4 hình tượng nhân vật này trên các biến thể khác nhau.
Họa sĩ Lê Linh có những chia sẻ sau phiên tòa.
Họa sĩ Lê Linh trong một phiên tòa trong vụ Thần đồng đất Việt. Ảnh: Bá Ngọc. |
"Tôi là tác giả duy nhất Thần đồng đất Việt, đó là chuyện quan trọng nhất"
- Cảm xúc của ông thế nào khi tòa tuyên công nhận ông là tác giả duy nhất của 4 nhân vật trong “Thần đồng đất Việt”?
- Tôi hài lòng với kết quả nay, và vui mừng là chuyện đương nhiên. Hành trình đã qua 12 năm (tôi lại không chủ động được thời gian), nên không biết diễn tả cảm xúc thế nào, chỉ biết nhiều lúc rất mệt mỏi. Nhưng mình đã đặt ra quyết tâm, nên kiên trì theo đuổi, cuối cùng ra kết quả như hôm nay.
Kết quả này tôi thấy hợp lý, vì nó là sự thật.
Tôi đã chia sẻ kết quả này với người thân, bạn bè và những ai đã ủng hộ thời gian qua, văn phòng luật Phạm và Liên Danh, luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn, trong đó có cả độc giả truyện Thần đồng đất Việt. Độc giả đã biết thông tin qua báo chí, gửi lời chúc mừng tôi qua trang cá nhân.
Tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành tới sự ủng hộ của bạn đọc, cộng đồng suốt thời gian qua.
- Được công nhận là tác giả duy nhất 4 hình tượng nhân vật rồi, ông sẽ làm gì tiếp theo để đảm bảo quyền lợi cho mình?
- Tòa công nhận tôi là tác giả duy nhất, đó là chuyện quan trọng nhất, sau đó sẽ làm các việc tiếp theo. Đương nhiên, mình có thể đòi hỏi những quyền lợi, nhưng cụ thể thì tôi chưa làm gì, chưa tính thế nào. Tôi phải làm việc với luật sư, dựa vào những quy định pháp luật để làm việc.
Phan Thị đã công bố họ sẽ kháng cáo lên tòa phúc thẩm. Trước mắt, phải theo kết quả tòa phúc thẩm thì làm gì mới làm.
- Ông có ý định sáng tạo gì với hình tượng 4 nhân vật trong "Thần đồng đất Việt"?
- Đây lại là một vấn đề nhạy cảm khác. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nếu không giải quyết được thì cũng chưa biết mình sẽ làm gì. Tôi sẽ phải nói chuyện với luật sư, tìm hiểu kỹ về những quy định pháp luật về vấn đề này thì mới tiến hành được. Sáng tạo tiếp với nhân vật Thần đồng đất Việt cũng là mong muốn của độc giả, nhưng làm tiếp thì phụ thuộc nhiều yếu tố.
Đương nhiên, tôi có ý định sáng tạo tiếp Thần đồng đất Việt. Nhưng chuyện này phụ thuộc thời gian, tài chính, đầu tư, các vấn đề liên quan… nên tôi không dám nói trước. Nhưng tôi sẽ cố gắng.
- Có thông tin diễn viên, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân mua bản quyền "Thần đồng đất Việt” dựng phim, ông nghĩ sao về việc này?
- Trước đó tôi có nghe qua việc Ngô Thanh Vân muốn dựng Thần đồng đất Việt thành phim Trạng Tí, nhưng không đi theo các chi tiết sự việc. Trong thời gian qua, chỉ tập trung vào vụ kiện đã đủ đau đầu rồi, nên tôi không theo hết các vấn đề liên quan. Sắp tới, nếu có thời gian tôi sẽ tìm hiểu.
Các nhân vật trong Thần đồng đất Việt. |
- Có ý kiến cho rằng sở dĩ ông theo đuổi sự việc tới 12 năm bởi ông mở công ty truyện tranh riêng, có ý định tiếp tục sáng tạo riêng với những nhân vật này. Ông nghĩ sao về nhận định đó?
- Tất cả những điều đó không liên quan gì đến sự việc tranh chấp này. Tôi chưa công bố điều gì về những dự định sáng tác với những nhân vật Thần đồng đất Việt trong những sản phẩm khác.
Vấn đề chính ở đây - ai là tác giả của Thần đồng đất Việt - bây giờ đã xác định được rồi. Điều đó rất quan trọng với cả sự nghiệp chung của tôi.
Xã hội cần nhận thức rõ hơn về giá trị của lao động sáng tạo
- Là tác giả theo đuổi vụ kiện 12 năm, ông rút ra được bài học gì cho mình?
- Đó là bài học xương máu, không diễn tả hết thành lời. Khi bắt tay vào sáng tạo, ai cũng muốn cống hiến hết mình. Những sự cố đẩy đến, như việc bà Phan Thị Mỹ Hạnh nói bà là đồng tác giả, đều là ngoài dự kiến của mình. Đấu tranh cũng là bất khả kháng thôi.
Rất nhiều bài học trên đường đi cuộc sống, ta đâu thể nói ra trong vài câu được. Nguyên quá trình mình đi đấu tranh, tiếp xúc tòa án, lên xuống nhiều cấp… đã có nhiều bài học rồi.
- Qua sự việc của mình, ông có lời khuyên gì với họa sĩ truyện tranh nói riêng, nghệ sĩ sáng tạo nói chung?
- Tôi chỉ mong qua vụ việc của tôi, xã hội nhận thức rõ hơn về giá trị lao động sáng tạo. Đồng thời giới pháp lý tạo tiền đề tốt hơn, cho một môi trường pháp lý an toàn hơn cho người lao động sáng tạo, người làm xuất bản. Có môi trường pháp lý an toàn, họ mới cống hiến, sáng tạo hết mình.
Tôi cũng mong không có sự việc đáng tiếc như này với thế hệ họa sĩ sau này.
- Với họa sĩ truyện tranh thì sao, ông nghĩ họ cần ý thức gì trong việc bảo vệ tác quyền?
- Họa sĩ truyện tranh cần kỹ lưỡng hơn khi làm hợp đồng, phải thỏa thuận rõ ràng với những chủ đầu tư ngay từ khi hợp tác. Với chủ đầu tư có tự trọng, có lương tâm thì không ai tự nhận họ là tác giả, không ai làm việc đó.
Tất cả đều có quy định của pháp luật hết rồi, cho dù bạn có làm cách này hay cách khác để che giấu, thì nó cũng phơi bày ra thôi.
12 năm theo đuổi vụ kiện của Lê Linh. Đồ họa: Như Ý |