Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao 'Thần đồng đất Việt' có vị thế cao trong làng truyện tranh?

Tính giải trí, tính giáo dục cùng tích hợp trong một bộ truyện thuần Việt khiến "Thần đồng đất Việt" qua bao năm vẫn có vị trí trong lòng độc giả.

Thần đồng đất Việt là cái tên không còn xa lạ đối với bạn đọc truyện tranh trong nước nhiều năm qua. Mỗi khi ra tập mới là có nhiều bạn đọc, từ lớp ba lớp bốn, đến sinh viên đều náo nức đến hiệu sách mua về. Đọc một lần chưa đã, những lúc rảnh rỗi lại lấy từ trong giá sách ra đọc lại, rồi tủm tỉm cười một mình. 

Truyện tranh thuần Việt giữa cơn bão tác phẩm ngoại

Giữa bạt ngàn các tựa truyện, nhất là các tác phẩm truyện tranh Nhật Bản, khi đưa vào thị trường Việt Nam đều được tiêu thụ rất tốt, Thần đồng đất Việt vẫn có chỗ đứng hơn 10 năm qua.

Các tác phẩm Việt ít ỏi hầu như không thể cạnh tranh được với cơn bão truyện nhập khẩu, nhưng câu chuyện về Tí, Sửu, Dần, Mẹo vẫn là niềm tự hào của truyện tranh Việt. Có được thành tựu đó, do bộ truyện đạt được những giá trị riêng.

Dieu gi lam nen gia tri Than dong dat Viet anh 1
Bộ sưu tập truyện Thần đồng đất Việt của một độc giả.

Thần đồng đất Việt là bộ truyện thuần Việt. Trong lịch sử truyện tranh Việt Nam không có nhiều tác phẩm có tính thuần Việt như vậy. Có thể kể đến vài bộ truyện của họa sĩ Hùng Lân như Thằng Bờm, Cổ tích Việt Nam, Toét và XệTý quậy... Hay gần đây là bộ truyện Long thần tướng của nhóm tác giả Phong Dương Comics.

Tính thuần Việt ở đây có thể hiểu là khi độc giả Việt đọc truyện sẽ thấy được sự thân thuộc, gần gũi trong đó, từ câu chuyện, cảnh sắc, ngôn ngữ, đến lời thoại của các nhân vật. Tính thuần Việt còn ở chỗ khi dịch ra tiếng nước ngoài, người đọc nước ngoài đọc họ sẽ hiểu đây là bộ truyện của Việt Nam chứ không phải một nước nào khác trong cùng vực, với những nét tương đồng văn hóa.

Với riêng Thần đồng đất Việt, tính thuần Việt còn nằm ở những câu chuyện, điển tích lịch sử có thật trong lịch sử Việt Nam, gắn với các quan trạng nổi danh hiếu học, trí tuệ như Lương Thế Vinh, Lê Quý Đôn, Vũ Duệ, Nguyễn Hiền…

Truyện lấy bối cảnh thời Hậu Lê, xoay quanh cuộc đời Lê Tí, một trạng nguyên Đại Việt, cạnh đó là những người bạn như Sửu ẹo, Dần béo, cả Mẹo. Người đọc tiếp cận với Trạng Tí là tiếp cận những câu chuyện lịch sử đã được nghe, được học trong sách vở, báo chí, có điều các câu chuyện này đã được “tranh hóa” một cách hóm hỉnh, hài hước.

Thứ nữa bên cạnh hình ảnh Trạng Tí gắn với hình ảnh quan trạng thông minh, tài trí, thì ta còn một Trạng Tí khác sống ở làng Phan Thị, với các trò chơi dân gian, các nếp sinh hoạt thường ngày, các nghi lễ, ẩm thực mà Tí luôn làm theo như một người thường trong làng.

Ngay cả đứa trẻ sinh ra ở phố, khi đọc truyện cũng gặp lại thấp thoáng một miền quê nội, quê ngoại mà nó từng được về vào mỗi dịp hè, dịp Tết. Còn những Dần, Sửu, Mẹo là những đứa bạn nó đã gặp ở quê, cùng chơi lò cò, bắn bi, đuổi bắt…

Bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt đã khơi dậy được những kỷ niệm cũ thấp thoáng trong từng đứa trẻ. Có những người đọc truyện này khi còn bé, giờ đã có gia đình, con cái, cũng sẽ hướng cho con đọc truyện mà họ thấy ý nghĩa.

Tác phẩm vui vẻ, hóm hỉnh lại đậm tính giáo dục

Giá của mỗi cuốn truyện không cao, từng tập truyện mỏng, dễ đọc, nội dung truyện không có những cảnh gợi cảm, bạo lực như nhiều bộ truyện nhập ngoại. Điều này khiến Thần đồng đất Việt không còn là món cấm, hay hạn chế trong danh sách của phụ huynh.

Hình ảnh các nhân vật trong truyện đều dí dỏm, đáng yêu, kể cả các nhân vật phụ như bá hộ Mão, đồ Kiết, bà Tám tiền, sư cụ trụ trì, Mùi mập, Dậu rách, công chúa Phương Thìn…

Các nhân vật chính đều được tạo hình cuốn hút, với những nét tính cách riêng biệt. Trạng Tí tạo ấn tượng với mái tóc ba chỏm, chiếc áo thêu hình đất nước Việt Nam, hai răng bị sún, tính tình giản dị, chính trực, có tài nhưng khiêm tốn, hiếu thảo.

Dieu gi lam nen gia tri Than dong dat Viet anh 2
Các nhân vật trong Thần đồng đất Việt.

Sửu ẹo với chiếc áo yếm màu vàng có thêu hoa trước ngực và chiếc váy dài màu nâu. Sửu là cô bé thông minh, nhí nhảnh, đảm đang, tháo vát trong công việc. Dần béo có thân hình to béo, lại ham ăn, với một vài tính cách như chậm chạp, khờ khạo, nhưng chính sự ngốc nghếch của cậu là điều ghi điểm trong mắt các bạn đọc nhỏ.

Cuối cùng là cả Mẹo, nhà giàu, sự giàu có dẫn đến tính cách của cậu có lúc coi thường người khác. Nhưng nhờ chơi với Trạng Tí và nếm một vài bài học nên cậu đã phần nào cải thiện được tính xấu di truyền từ người cha Bá hộ Mão của mình.

Thần đống đất Việt là bộ truyện tranh mang tính giáo dục cao. Tác phẩm giáo dục lòng hiếu thảo thông qua nhân vật Trạng Tí với người mẹ Hai Hậu nghèo khổ của mình. Dù sau này đỗ trạng nguyên thì Tí vẫn về bên mẹ với tâm thế đứa con bé bỏng chứ không phải là một vị quan của triều đình.

Cũng thông qua Tí, truyện giáo dục các bạn trẻ ý chí vươn lên trong học tập cũng như trong cuộc sống. Phải chấp nhận, đối diện với thực tại, không vì xuất thân nghèo khó mà buông xuôi, bỏ dở tương lai của mình. Việc học này không chỉ dừng lại trong sách vở mà còn học ở người xung quanh, chịu khó quan sát học từ những tình huống thực tế gặp phải.

Ngay tập 1 của truyện Pháp sư gọi bưởi, nhờ quả bưởi rơi xuống nước mà Tí biết nước đẩy quả bưởi nổi lên. Sau đó, trong lần đá bóng bưởi, quả bưởi rơi xuống hố sâu, sào chọc không được, Tí đã nghĩ ra mẹo tát nước vào hố cho quả bưởi nổi lên.

Dieu gi lam nen gia tri Than dong dat Viet anh 3
Nhân vật Tí được gửi gắm nhiều thông điệp về sự hiếu học, hiếu thảo, lòng yêu nước.

Thông qua tình bạn giữa bốn nhân vật Tí, Dần, Sửu, Mẹo, truyện giáo dục các bạn đọc sự trân trọng đối với tình bạn là sẵn sàng giúp đỡ bạn bè khi gặp khó khăn, không bỏ bạn trong bất cứ tình huống nào.

Bộ truyện đặc biệt thành công khi giáo dục lòng yêu nước mà không hề lên gân, giáo điều. Trạng Tí đã nhiều lần giải nguy giúp triều đình Đại Việt trước những trò thử trí oái oăm của triều đình Bắc quốc. Cạnh đó, trong việc đi sứ cậu cùng các bạn đã hết lòng, hết sức giữ được danh dự cho đất nước Đại Việt, không để triều đình Bắc quốc ỷ thế nước lớn mà coi thường nước ta.

Mỗi người đọc, người yêu thích bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt sẽ tìm cho mình những lý do riêng để lý giải vì sao bộ truyện tồn tại lâu đến thế, vì sao mình vẫn yêu thích bộ truyện. Với những người từng yêu thích, giờ không còn quá mến mộ bộ truyện, họ cũng có lý do riêng. Nhưng, ngay cả những người đang yêu thích, từng yêu thích, thì bộ truyện mãi mãi là kỷ niệm đẹp nơi tuổi thơ, tuổi trẻ, của sự vươn tới điều thiện trong mỗi tâm hồn. 

Họa sĩ Lê Linh: 'Chủ đầu tư có tự trọng sẽ không tự nhận là tác giả'

Sau phán quyết tại TAND quận 1 về vụ "Thần đồng đất Việt", họa sĩ Lê Linh nói việc bà Hạnh nhận là tác giả là sự cố ngoài dự kiến, và theo đuổi vụ kiện cũng là việc bất khả kháng.


Mộc Uyển

Bạn có thể quan tâm