Tàu Amadea tốn 325 triệu USD để đóng và thêm nhiều triệu USD mỗi năm để chạy. Khi không đi biển, chiếc siêu du thuyền này cần có bàn tay chăm sóc của đội ngũ 24 thủy thủ và kỹ sư.
Trong vụ kiện nhằm xác định nhà tài phiệt Nga nào là chủ nhân thật sự của Amadea, thuyền trưởng viết trong đơn gửi tòa án Fiji rằng nếu không có sự bảo quản đúng mức, con tàu sẽ “nhanh chóng xuống cấp” và chỉ còn trơ “thân tàu không thể bán lại cho ai”.
Chỉ riêng chi phí giữ siêu du thuyền này trong cảng cũng lên tới 1,1 triệu USD/tháng. “Có rất ít người mua có thể chịu được chi phí bảo dưỡng, chưa nói tới giá mua đứt con tàu”, vị thuyền trưởng nói.
Danh tính người mua ấy sắp tới đây sẽ được quyết định tại một tòa án Mỹ. Sở dĩ vậy là bởi sáng 7/6, Amadea đã lên đường đến Mỹ sau khi tòa Fiji ra phán quyết có lợi cho xứ cờ hoa.
Siêu du thuyền Amadea trị giá 325 triệu USD. Ảnh: Autoevolution. |
Một ông trùm dầu mỏ, hai siêu du thuyền
Theo yêu cầu từ Mỹ, Amadea bị Fiji thu giữ trong chuyến đi tới Nam Thái Bình Dương. Trước khi lên đường tới Mỹ vào sáng 7/6, nó đã nằm nhiều tuần trong cảng để chờ kết quả tranh chấp giữa Bộ Tư pháp Mỹ với Millemarin Investments, một công ty tại Quần đảo Virgin thuộc Anh (BVI) đứng tên chủ sở hữu Amadea.
Luật sư đại diện cho ông Eduard Khudainatov, một ông trùm dầu mỏ người Nga, khẳng định thân chủ mình là chủ nhân Amadea. Họ khẳng định ông Khudainatov là người lập quỹ tín thác nắm quyền sở hữu cuối cùng đối với Amadea thông qua một loạt công ty ngoại biên.
Nhưng quan chức Mỹ cáo buộc ông Khudainatov chỉ là người thế vai. Họ khẳng định Amadea thật sự thuộc về một trong những nhà tài phiệt giàu nhất của Nga, ông trùm ngành vàng Suleiman Kerimov, người đang bị phương Tây trừng phạt.
Vụ kiện ở tòa Fiji có ý nghĩa quan trọng vì Mỹ cũng đã đặt nghi vấn liệu ông Khudainatov có thể đang thế chân cho chủ nhân một siêu du thuyền khác quý giá hơn: Chiếc Scheherazade trị giá 700 triệu USD, bị tịch thu ở vùng Tuscany, Italy sau khi giao tranh Ukraine bùng nổ.
Ông Khudainatov được cho là đang nắm giữ Scheherazade cũng thông qua một hệ thống công ty ngoại biên nữa nhưng nhân vật này chưa đưa ra xác nhận. Cảnh sát Italy đang xác minh thông tin chủ nhân đích thực của con tàu này cũng thuộc diện bị phương Tây trừng phạt.
Tổng giá trị của hai siêu du thuyền này là một tỷ USD.
Eduard Khudainatov, một ông trùm dầu mỏ người Nga, được luật sư đại diện xác nhận là chủ nhân tàu Amadea. Ảnh: Chính phủ Liên bang Nga. |
Nhà chức trách Mỹ thừa nhận ông Khudainatov rất “giàu có”, nhưng họ khẳng định “không có căn cứ tin rằng ông ấy có nguồn lực tài chính để mua cả Amadea và Scheherazade, hay cũng chẳng có gì lý giải việc một người sở hữu nhiều siêu du thuyền có quy mô như thế”, theo hồ sơ tại tòa.
Trước đó, ông Khudainatov chưa bị bất cứ nước nào trừng phạt. Nhưng hôm 3/6, nhân vật này bị Liên minh châu Âu (EU) cho vào danh sách đen với căn cứ ông hưởng lợi từ doanh nghiệp dầu mỏ Nga có quy mô khá lớn. EU không nhắc tới mối liên hệ giữa ông và hai siêu du thuyền.
Mỹ và Anh chưa có động thái trừng phạt ông Khudainatov.
Những liên kết chằng chịt
Sợi dây liên hệ giữa ông Khudainatov, doanh nhân từng chăn nuôi heo một thời, và Điện Kremlin bắt đầu từ năm 2000. Mang trong mình dòng máu Kazakhstan, ông được mô tả là bạn của cựu Phó thủ tướng Nga Igor Sechin.
Cũng chính vị cựu phó thủ tướng Nga đã kế nhiệm ông Khudainatov trở thành CEO của gã khổng lồ dầu mỏ Rosneft của Nga vào năm 2013.
Doanh nghiệp dầu mỏ của ông Khudainatov đã có được số cổ phần đáng kể trong các công ty ngành năng lượng cùng giấy phép khai thác của các công ty này từ Rosneft, theo thông tin từ EU.
Rosneft cũng từng trả 9,6 tỷ USD cho ông Khudainatov để mua lại một công ty sở hữu mỏ dầu ở Siberia.
Sợi dây liên hệ ông Khudainatov với chiếc du thuyền Amadea chằng chịt hơn.
Một trong những nhà tài phiệt giàu nhất của Nga, ông trùm ngành vàng Suleiman Kerimov. Ảnh: NBC News. |
Luật sư đại diện cho Millemarine Investments, công ty tại BVI đứng tên chủ sở hữu Amadea, cho biết công ty này được thành lập vào tháng 6/2021. Chỉ một tháng sau, Millemarine Investments trở thành chủ sở hữu mới trên giấy tờ của con tàu.
Công ty Millemarine lại thuộc sở hữu của công ty Invest International Finance, cũng có trụ sở tại BVI. Invest International Finance chỉ có một cổ đông duy nhất: Một doanh nghiệp ở Thụy Sĩ có tên Quỹ Boltenko.
Quỹ Boltenko do bà Olga Boltenko, một cố vấn thuế và tài sản quốc tế, điều hành. Bà Boltenko được cấp phép hành nghề luật sư tư vấn tại Anh và xứ Wales, đồng thời từng làm việc cho các hãng luật hàng đầu tại Anh.
Hôm 3/6, bà Boltenko cho biết bà cùng doanh nghiệp của mình đã không còn đại diện cho Millemarine Investements hay Quỹ September.
Nhưng hồi tháng 5, khi còn đại diện cho Khudainatov, bà Boltenko từng tiết lộ trong một văn bản gửi tòa rằng hãng luật của bà là bên nhận ủy thác của Quỹ September, một quỹ tín thác được thành lập vào tháng 12/2019. Người đặt tài sản vào trong quỹ này, còn gọi là bên ủy thác, là ông Khudainatov.
Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định con tàu Amadea đã về tay của ông Kerimov từ mùa thu năm 2021 trong một “thỏa thuận hậu trường tại Nga”. Bằng chứng là nội dung FBI phỏng vấn thành viên thủy thủ đoàn và nhân viên trong ngành du thuyền.
Các thành viên thủy thủ đoàn này cho biết “có nhiều biện pháp để đảm bảo riêng tư” cho khách của du thuyền. Mỗi người trong gia đình đều được gán cho bí danh: ông Kerimov là G-0, vợ là G-1.
Khi được cho xem ảnh ông Kerimov cùng người thân, những người này khẳng định gia đình trong ảnh từng nghỉ dưỡng trên tàu, lần gần nhất là vào tháng 2 ở St. Barts và St. Maarten tại vùng Caribbean. Trong một chuyến đi kéo dài 4 tháng vào năm nay, gia đình ông Kerimov là “khách duy nhất” trên tàu.