Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết virus corona chủng mới có khả năng lây từ động vật sang người ở một khu chợ bán động vật hoang dã ở Vũ Hán, nhưng gần đây nhiều sự chú ý dồn về Viện Virus học Vũ Hán (WIV) nói trên khi xuất hiện những thông tin liên quan tới nguồn gốc của virus. Khi được hỏi về vấn đề này trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 15/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng: "Chúng tôi đang kiểm tra rất kỹ lưỡng về tình huống này".
Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố giới chức Mỹ đang thực hiện một "cuộc điều tra đầy đủ" bằng cách nào virus đã lọt ra bên ngoài.
Khu phức hợp nằm ở ngoại ô Vũ Hán có phòng thí nghiệm bảo mật tối đa đầu tiên của châu Á được trang bị để xử lý mầm bệnh Loại 4 (P4). Ảnh: AFP. |
Viện Virus học Vũ Hán có những hoạt động gì?
Viện này là cơ quan chủ quản Trung tâm sưu tập virus Trung Quốc, ngân hàng virus lớn nhất châu Á đang bảo tồn hơn 1.500 chủng virus, theo trang web của trung tâm.
Khu phức hợp này có phòng thí nghiệm bảo mật tối đa đầu tiên của châu Á được trang bị để xử lý mầm bệnh Loại 4 (P4) - loại virus nguy hiểm có nguy cơ lây truyền từ người sang người, như Ebola.
Phòng thí nghiệm trị giá 300 triệu Nhân dân tệ (khoảng 42 triệu USD) được hoàn thành vào năm 2015 và mở cửa từ năm 2018, với Alain Merieux, người sáng lập một công ty công nghiệp sinh học của Pháp, làm cố vấn xây dựng.
Viện cũng có một phòng thí nghiệm P3 đã hoạt động từ năm 2012.
Phòng thí nghiệm P4 rộng 3.000 m2, nằm trong một tòa nhà khối vuông có các cột trụ cạnh hồ nước, dưới chân một ngọn đồi ở vùng ngoại ô rừng núi xa xôi của Vũ Hán.
AFP đã đến thăm cơ sở này gần đây nhưng không thấy dấu hiệu còn hoạt động.
Tấm poster bên ngoài khu phức hợp có nội dung: "Phòng ngừa và kiểm soát mạnh mẽ; Đừng hoảng sợ; Nghe theo thông báo chính thức; Tin vào khoa học; Không lan truyền tin đồn".
Đây có phải là nơi khởi nguồn của virus corona?
Ông Pompeo hôm 17/4 đã nói rằng chính các nhà chức trách Trung Quốc, khi bắt đầu điều tra về virus, "đã xem xét liệu WIV có thực sự là nơi khởi nguồn của virus không".
"Chúng tôi biết rằng họ đã không cho phép các nhà khoa học trên thế giới vào phòng thí nghiệm đó để đánh giá những gì đã và đang diễn ra ở đó, ngay khi chúng ta đang nói về vấn đề này tại đây", ông nói trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh.
Viện Virus học Vũ Hán đã từ chối đưa ra bình luận hôm 17/4, nhưng đã đưa ra một tuyên bố vào tháng 2 bác bỏ những tin đồn. Viện này cho biết đã nhận được các mẫu virus mới chưa từng gặp trước đây vào ngày 30/12/2019, xác định trình tự bộ gene của virus vào ngày 2/1 và gửi thông tin về mầm bệnh cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 11/1.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian hôm 17/4 bác bỏ cáo buộc phòng thí nghiệm đã là “tác giả” của đại dịch.
"Một người sáng suốt sẽ hiểu ngay mục đích của các cáo buộc này là gây ra sự hoang mang, đánh lạc hướng dư luận và trốn tránh trách nhiệm của họ", ông Zhao - người đưa ra các thuyết âm mưu về việc chính quân đội Mỹ có thể đã mang virus sang Trung Quốc, nói.
Các nhà khoa học biết gì về virus?
Các nhà khoa học tin rằng virus corona chủng mới này bắt nguồn từ dơi trước khi truyền sang người thông qua một loài trung gian, có thể là tê tê - loài động vật đang bị đe dọa thường bị săn lấy sừng để buôn bán bất hợp pháp làm thuốc y học cổ truyền ở Trung Quốc.
Khu chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán được cho là nơi virus corona bắt đầu bùng phát. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc công bố trên tờ The Lancet hồi tháng 1 đã cho biết bệnh nhân Covid-19 đầu tiên không có liên quan đến việc mua bán động vật quý hiếm ở Vũ Hán, và 13 trong số 41 trường hợp được xác nhận đầu tiên cũng vậy.
Nhà nghiên cứu của Viện, Shi Zhengli, một trong những chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về virus corona và cũng là Phó giám đốc Phòng thí nghiệm P4, là thành viên của nhóm nghiên cứu đầu tiên công bố SARS-CoV-2 đến từ dơi.
Trong một cuộc phỏng vấn với Science American, Shi cho biết trình tự bộ gene SARS-CoV-2 không khớp với bất kỳ loại virus corona nào mà phòng thí nghiệm của cô đã thu thập và nghiên cứu trước đây.
Filippa Lentzos, nghiên cứu viên về an toàn sinh học tại King’s College London, cho biết trong khi hiện tại không có bằng chứng nào cho thuyết âm mưu “tai nạn trong phòng thí nghiệm”, chúng ta cũng không có "bằng chứng xác thực" nào cho thấy virus đến từ chợ ướt - chợ truyền thống ở Trung Quốc.
"Đối với tôi, nguồn gốc đại dịch vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải", Lentzos nói với AFP.
Có một số dấu hiệu "ám chỉ khả năng đã có một tai nạn trong phòng thí nghiệm từ nghiên cứu khoa học cơ bản", cô nói.
"Nhưng tất cả những điều này cần phải điều tra kỹ lưỡng trước khi có bất cứ ai khẳng định bất cứ điều gì về nguồn gốc đại dịch".
Ông David Heymann, giáo sư dịch tễ bệnh truyền nhiễm tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London, cũng cho biết không có bằng chứng nào về nguồn gốc của virus nhưng nó "liên quan chặt chẽ với dơi".
"Có nhiều giả thuyết về việc bằng cách nào con người đã bị nhiễm bệnh và, cho đến thời điểm hiện tại, tôi không nghĩ rằng bất kỳ ai trong số họ có thể được chứng minh được".