Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bên trong cuộc họp của Fed

Fed nhất trí tăng lãi suất 0,25 điểm % trong cuộc họp tháng 5. Nhưng theo biên bản họp mới được công bố, các quan chức vẫn chia rẽ về việc có nên tạm dừng nâng lãi suất.

Theo CNBC, trong cuộc họp chính sách mới đây, các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chia rẽ về việc tăng lãi suất. Một số thành viên cho rằng cần phải mạnh tay hơn nữa, một số khác chỉ ra tốc độ tăng trưởng kinh tế đã chậm lại, do đó việc tiếp tục nâng lãi suất điều hành là không cần thiết.

Cuối cùng, FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - đã thống nhất tăng lãi suất điều hành 0,25 điểm phần trăm.

"Các quan chức tham gia cuộc họp không biết chính xác mức tăng thế nào là phù hợp", biên bản cho biết. Fed dường như đang hướng tới việc cân nhắc dữ liệu để đưa ra lựa chọn phù hợp.

Fed chia rẽ

Về cơ bản, các cuộc tranh luận đã đi tới 2 kịch bản.

Một số thành viên đánh giá tiến độ hạ nhiệt lạm phát là "chậm chạp đến mức khó chấp nhận". Họ muốn tăng lãi suất điều hành hơn nữa.

Mặt khác, một số thành viên FOMC chỉ ra tăng trưởng kinh tế đã chậm lại. Do đó, việc tiếp tục thắt chặt chính sách sau cuộc họp tháng 5 là không cần thiết.

Tôi không ủng hộ việc dừng tăng lãi suất, trừ khi có bằng chứng rõ ràng cho thấy lạm phát đang trên đà giảm xuống 2%. Nhưng việc chúng ta nên tăng, hay tạm dừng trong cuộc họp tháng 6 sẽ phụ thuộc vào những dữ liệu được công bố trong 3 tuần tới

Thống đốc Fed Christopher Waller

Tuy nhiên, biên bản lưu ý rằng các thành viên đều đồng tình rằng lạm phát vẫn cao hơn đáng kể so với mục tiêu của ngân hàng trung ương.

Theo biên bản, các thành viên đều theo dõi sát sao những dữ liệu tiếp theo và tác động của chúng đối với triển vọng kinh tế.

Các quan chức FOMC cũng thảo luận về những vấn đề trong ngành ngân hàng, vốn đã buộc nhiều tổ chức phải đóng cửa. Biên bản nhấn mạnh rằng các thành viên sẵn sàng sử dụng những công cụ tài chính của họ nhằm đảm bảo tính thanh khoản của hệ thống tài chính.

Trở lại cuộc họp hồi tháng 3, các quan chức kinh tế của Fed lưu ý rằng sự suy yếu trong hoạt động tín dụng - do những căng thẳng của ngành ngân hàng - có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Họ lặp lại quan điểm này trong cuộc họp tháng 5. Các quan chức cho rằng sự suy yếu của hoạt động tín dụng sẽ bắt đầu vào quý IV. Đây là lực cản lớn đối với tăng trưởng kinh tế.

Fed nói gì về trần nợ công?

Biên bản cũng tiết lộ những cuộc thảo luận của các quan chức Fed về vấn đề trần nợ công.

"Các quan chức tham gia cuộc họp cho rằng, điều cần thiết là nới trần nợ kịp thời nhằm tránh nguy cơ xảy ra những sai lệch nghiêm trọng trong hệ thống tài chính và nền kinh tế", biên bản nêu rõ.

Trong một bài phát biểu hôm 24/5, Thống đốc Christopher Waller cho biết các dữ liệu mới nhất vẫn chưa nói lên điều gì về quyết định của ngân hàng trung ương trong tháng 6.

Nhưng vị quan chức này nghiêng về khả năng cần tăng lãi suất hơn nữa để hạ nhiệt lạm phát vẫn đang ở mức cao.

"Theo tôi, những dữ liệu trong vài tháng tới sẽ không cho thấy rằng chúng ta đã đạt đến đỉnh lãi suất", ông Waller nhận định.

"Tôi không ủng hộ việc dừng tăng lãi suất, trừ khi có bằng chứng rõ ràng cho thấy lạm phát đang trên đà giảm xuống 2%. Nhưng việc chúng ta nên tăng, hay tạm dừng trong cuộc họp tháng 6 sẽ phụ thuộc vào những dữ liệu được công bố trong 3 tuần tới", ông cho biết.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng đưa ra rất ít dấu hiệu về một đợt cắt giảm lãi suất. Nhưng theo ông, các rắc rối trong ngành ngân hàng có thể khiến việc tiếp tục tăng lãi suất là không cần thiết.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Mỹ bị cảnh báo hạ xếp hạng tín nhiệm

Ác mộng hồi năm 2011 có thể lặp lại với Mỹ. Dù sắp đến thời hạn, giới chức nước này vẫn mắc kẹt trong những bất đồng về việc nới trần nợ.

Kinh tế Đức đã suy thoái 'kỹ thuật'

Kinh tế Đức đã chính thức rơi vào suy thoái kỹ thuật sau khi giảm 0,5% trong quý cuối cùng của năm ngoái và 0,3% trong quý đầu tiên của năm nay.

Thảo My

Bạn có thể quan tâm