Theo CNBC, Fitch Ratings vẫn giữ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ là AAA, nhưng đã đưa quốc gia này vào diện theo dõi hạ bậc. Những bế tắc trong các cuộc đàm phán về trần nợ công khiến chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, ngày X - ngày Mỹ có thể vỡ nợ - sẽ đến sớm nhất vào ngày 1/6. Fitch nhấn mạnh rằng các quan chức Washington cần đưa ra giải pháp trước thời hạn này.
"Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng rủi ro đang gia tăng. Các nhà lập pháp Mỹ có thể không nâng trần nợ hoặc trì hoãn đưa ra quyết định trước ngày X. Do đó, chính phủ sẽ không kịp thanh toán một số khoản nợ", cơ hạng xếp hạng tín nhiệm quốc tế cảnh báo.
Nếu không kịp nới trần nợ công, Mỹ sẽ vỡ nợ sớm nhất vào ngày 1/6. Ảnh: Bloomberg. |
Bị đưa vào diện xem xét
Hôm 24/5, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho biết các cuộc đàm phán với Nhà Trắng vẫn bế tắc do những bất đồng về chi tiêu. Hai bên chưa thể tiến đến gần một thỏa thuận dù chỉ còn 8 ngày nữa, chính phủ Mỹ sẽ đối mặt với một vụ vỡ nợ chưa từng có.
Đảng Cộng hòa ủng hộ việc cắt giảm chi tiêu để tăng trần nợ. Nhưng phía Nhà Trắng chỉ muốn tăng trần nợ và khẳng định 2 vấn đề này không liên quan đến nhau.
Trong khi Mỹ đang tiến gần hơn đến bờ vực vỡ nợ, đẩy nền kinh tế vào hỗn loạn, ông McCarthy đổ lỗi cho đảng Dân chủ vì trì hoãn. "Và giải pháp ở đây là cắt giảm chi tiêu so với năm ngoái", ông nhấn mạnh trong một cuộc họp báo tại Điện Capitol.
Chúng tôi cho rằng rủi ro đang gia tăng. Các nhà lập pháp Mỹ có thể không nâng trần nợ hoặc trì hoãn đưa ra quyết định trước ngày X. Do đó, chính phủ sẽ không kịp thanh toán một số khoản nợ
Fitch Ratings
Ông McCarthy hy vọng rằng hai bên có thể đưa ra được một thỏa thuận trước thời hạn. Nhưng kỳ nghỉ kéo dài một tuần của các thành viên Hạ viện Mỹ sẽ bắt đầu vào ngày 25/5.
Bà Yellen cũng liên tục thúc giục các nhà lập pháp Mỹ sớm đạt được thỏa thuận về trần nợ công. Vị quan chức cho biết bà đã nhận thấy "những căng thẳng trên thị trường tài chính" do mối lo về việc Mỹ có thể lần đầu vỡ nợ.
Tại một sự kiện của Wall Street Journal, bà Yellen cho biết những căng thẳng liên quan đến trần nợ đang ảnh hưởng tới thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ.
"Những dấu hiệu căng thẳng này là lời cảnh báo về tầm quan trọng của việc đạt được thỏa thuận kịp thời", bà nhấn mạnh.
Ác mộng hồi năm 2011
Nếu Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ, cơn ác mộng hồi năm 2011 sẽ lặp lại với nước này. Thời điểm đó, dù chưa vỡ nợ, bế tắc trong việc nâng giới hạn nợ đã khiến Mỹ bị Standard & Poor's hạ cấp xếp hạng tín nhiệm từ AAA xuống AA+.
Trong một lá thư gửi lên giới chức trách Mỹ, các CEO của những tập đoàn hàng đầu nhấn mạnh rằng nền kinh tế và thị trường nước này đã chao đảo hồi năm 2011, ngay cả khi một vụ vỡ nợ không xảy ra.
"Thị trường chứng khoán đã mất 17% giá trị trong hơn một năm. Theo báo cáo của Moody’s, tình trạng bất ổn đã thổi bay 1,2 triệu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,7 điểm phần trăm, nền kinh tế thu hẹp 180 tỷ USD so với kịch bản không có nguy cơ vỡ nợ", các CEO nhấn mạnh.
"Lần gần nhất bị hạ xếp hạng tín nhiệm, nợ của Mỹ tương đương 65-70% GDP, nhưng giờ thâm hụt đã gấp 2-3 lần trước đây", Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon cho biết. "Vì vậy, chúng ta cần hết sức cẩn thận", vị CEO cảnh báo.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.