Thông tin do bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết sáng 15/5.
Gia đình cho biết trước đó, bé N.T.P. (20 tháng tuổi, nam, ngụ ở Trà Vinh) chơi trong nhà bếp, khi trẻ thò tay lấy trái bóng ở góc bếp thì bị rắn cắn ở mu bàn tay phải, chảy máu nhiều. Gia đình tức tốc đưa bé đến bệnh viện địa phương.
Sau khi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bé lừ đừ, có biểu hiện rối loạn đông máu nặng. Xác định loài rắn người nhà mang theo là lục đuôi đỏ, các bác sĩ truyền huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu cho trẻ.
Sau 6 giờ truyền huyết thanh kháng nọc rắn, tình trạng trẻ cải thiện một phần. Tuy nhiên, sau 24 giờ, bệnh nhi tiếp tục bị chảy máu tại vết thương rắn cắn, bầm da rải rác.
Kết quả xét nghiệm cho thấy chức năng đông máu của bé vẫn còn nặng, các chỉ số thời gian đông máu kéo dài, bác sĩ quyết định truyền thêm huyết thanh cho trẻ và điều trị oxy cao áp. Điều này giúp phục hồi các ngón tay cho bệnh nhi, không bị hoại tử tháo khớp.
Bác sĩ Tiến cho biết lục đuôi đỏ thuộc nhóm rắn lục. Chúng có đầu hình tam giác, to hơn phần thân, đuôi màu đỏ cam. Nạn nhân bị lục đuôi đỏ cắn thường có 2 vết răng cách nhau một cm, xuất huyết, tê buốt. Độc của lục đuôi đỏ chỉ xếp sau nọc hổ mang chúa, có thể gây hoại tử cơ, suy thận, rối loạn đông máu.
Khi trẻ bị rắn lục đuôi đỏ cắn, phụ huynh không nên chích rạch tại vết thương hay nặn hút máu tại vết cắn để loại trừ bớt nọc độc, không buộc ga-ro vết thương mà chỉ băng ép. Bệnh nhi cần được nhanh chóng đưa tới bệnh viện để điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo mùa hè sắp đến, phụ huynh cần lưu ý phát quang xung quanh nhà, tránh cho rắn, ong, côn trùng vào nhà tấn công trẻ. Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi cần có người lớn quan sát, vì có thể xảy ra tai nạn đáng tiếc tại nhà như uống nhầm hóa chất, ngã vào chậu nước, hóc dị vật, bỏng, điện giật...