Khoảng 18h30 ngày 4/1, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, trả lời báo chí tại hiện trường. Ông Bửu thông tin sau khi trao đổi với cơ quan pháp y và gia đình, đơn vị đi đến kết luận cháu Thái Lý Hạo Nam đã tử vong. Kết luận bé Nam tử vong là kết quả có sự phối hợp liên ngành giữa các đơn vị pháp y, y tế, chính quyền liên ngành cũng như đánh giá hiện trạng tại vị trí bé trai bị tai nạn.
Theo ông Bửu, ban đầu đơn vị đã tiên lượng sức khỏe của cháu Nam rất xấu khi nạn nhân có khả năng bị đa chấn thương. Điều kiện trong lòng ống cọc bê tông không đảm bảo không khí, cháu bé còn gặp thời tiết lạnh, không được ăn uống.
Ở thời điểm hiện tại, các cơ quan chuyên môn đã làm các bước thủ tục để xác định bé Nam đã tử vong. Được sự đồng ý của gia đình, cơ quan chuyên môn sẽ tiến hành làm pháp y đại thể với thi thể của bé Nam.
Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Phạm Ngôn. |
“Đây là tình huống rất nặng nề, đau lòng. Vì em bé đã tử vong nên bằng mọi cách, đơn vị phải đưa bé Nam lên được mặt đất để sớm lo tang sự cho em”, ông Bửu nói.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp nhận định việc duy trì sự sống cho bé Nam đã kết thúc, do đó, đơn vị cứu hộ cứu nạn sẽ thay đổi phương án, thực hiện nhanh nhất các công đoạn để sớm đưa em ra khỏi ống cọc bê tông.
Trước đó, trưa 11h30 ngày 31/12, Thái Lý Hạo Nam cùng ba bạn hàng xóm tới công trình cầu Rọc Sen (xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) để nhặt sắt. Không may, Nam rơi xuống ống cọc bê tông rỗng, đường kính 25 cm, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35 m.
Sau nhiều giải pháp được đưa ra, phương án cuối cùng để giải cứu bé Nam là dùng xe đóng cọc bê tông khoan nhồi, lay động để làm loãng bùn đất xung quanh cọc. Sau đó, đơn vị thi công đóng ống vách thép có đường kính 1,5 m xuống sâu lòng đất, vây quanh cọc bê tông có em Nam bên trong. Khi đủ điều kiện, đội cứu hộ cứu nạn sẽ tiến hành kéo ống cọc bê tông lên.
Bên trong công trình cầu Rọc Sen, nơi xảy ra tai nạn bé Nam rơi xuống ống cọc bê tông. Ảnh: Sở TT&TT Đồng Tháp. |
Công trình cầu kênh Rọc Sen - nơi bé Hạo Nam rơi xuống - thuộc gói thầu số 14 thi công cầu, nền, mặt đường và cống thoát nước do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư.
Nhà thầu thi công là Liên danh Công ty Cổ phần Công trình cầu phà TP.HCM - Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Vận tải Xây dựng giao thông T&T. Viện Khoa học Công nghệ Giao thông Vận tải làm đơn vị giám sát.
Đối với trách nhiệm của nhà thầu thi công cầu Rọc Sen, ông Đoàn Tấn Bửu cho biết đơn vị giám sát quản lý đã có nhắc nhở, yêu cầu trách nhiệm phải che chắn kĩ công trình. "Tuy nhiên, đây là trường hợp hy hữu, bé Nam đi vào thời điểm có khe kẽ trong công trình, không ai phát hiện được", ông Bửu nói.
Khi để xảy ra tai nạn của bé Nam thì trách nhiệm thuộc về đơn vị thi công. Dưới sự tìm hiểu của lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp, đơn vị thi công đã che chắn, căng rào, gắn cảnh báo, đồng thời cử người quan sát.
Ông Bửu cho biết từ ngày đầu xảy ra tai nạn, chủ đầu tư có mặt ở hiện trường, chấp nhận mọi yêu cầu điều động lực lượng đến hiện trường, chủ động hỗ trợ đội cứu nạn.
Phương án giải cứu bé Nam là làm loãng địa chất xung quanh để tiến hành nhổ ống cọc bê tông. Đồ hoạ: Duy Anh. |
Sách hay về Nam Bộ
Tản mạn kiến trúc Nam Bộ mang đến cái nhìn đầy đủ, toàn diện về lịch sử kiến trúc dân dụng miền Nam từ cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20. Đặc biệt, trên chặng đường khám phá kiến trúc, độc giả còn được tiếp cận với những câu chuyện về lịch sử xây dựng, về tập quán, văn hóa của địa phương, và về cả những ước mơ, khát vọng, phong cách của gia chủ trên từng đường nét của ngôi nhà.
Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu Giang - nhiều câu chuyện kể cụ thể, tự nhiên về lối sống và tính cách của bà con miền Tây được ghi lại chân thực, mộc mạc. Sách không chỉ gợi lên cảm giác thân thương nơi những người con vùng sông Hậu, mà còn khiến người đọc nói chung cảm thấy ấm lòng và mát dạ biết bao khi được nghe câu nói quen thuộc “bà con chòm xóm tối lửa tắt đèn có nhau”.