Ngày 15/2, Đại sứ Hoa Kỳ Daniel J. Kritenbrink đã gặp Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể và Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng để chúc mừng Việt Nam đạt được xếp hạng an toàn hàng không loại 1 (CAT 1).
Sau khi có chứng chỉ CAT 1, các hãng bay Việt có nhu cầu có thể lập đường bay thương mại thẳng tới Mỹ, nơi có cộng đồng 2 triệu người Việt đang sinh sống và làm việc. Cửa đã mở, nhưng mỗi hãng bay lại đang có kế hoạch riêng để bay thẳng Mỹ.
Vietnam Airlines thận trọng
Chia sẻ với một hãng tin nước ngoài ngày 25/2, ông Dương Trí Thành, CEO của Vietnam Airlines đánh giá tuyến bay thẳng Mỹ, cụ thể là Los Angeles hoặc San Francisco, là một cơ hội lớn bởi lượng lớn người Việt tại đây cũng như nhu cầu bay phục vụ giao thương và du lịch giữa hai nước đang ngày một phát triển.
Là hãng hàng không Việt duy nhất sở hữu máy bay đủ điều kiện để bay thẳng Mỹ, Vietnam Airlines lại tiếp cận thận trọng. Ảnh: VNA. |
"Đường bay thẳng từ Việt Nam tới bờ Tây nước Mỹ ước tính có khoảng 1 triệu lượt hành khách mỗi năm. Tuy nhiên trong hàng không, đường bay càng dài, càng nhiều đối thủ cạnh tranh thì càng khó khai thác", ông Thành chia sẻ.
Đây nhiều khả năng chính là lý do Vietnam Airlines lựa chọn một phương án tiếp cận thận trọng với đường bay thẳng đi Mỹ. Hãng dự kiến sẽ bắt đầu có đường bay từ TP.HCM tới Los Angeles hoặc San Francisco trong năm 2020. Đường bay này sẽ hoạt động dưới dạng quá cảnh tại một điểm, có thể là Nhật Bản, Đài Loan hoặc Hàn Quốc trước khi bay thẳng từ năm 2022.
Đây là kế hoạch dài hơi hơn nhiều so với những tin đồn về việc Vietnam Airlines sẽ bay thẳng Mỹ ngay trong năm 2019. Lãnh đạo Vietnam Airlines dự đoán đường bay này của hãng sẽ lỗ trong khoảng 5-10 năm, mỗi năm khoảng 30 triệu USD và nhiều khả năng sẽ cần trợ cấp từ Chính phủ.
Những phân tích từ ông Thành cho thấy đường bay thẳng nối Việt Nam và Mỹ đang không quá hấp dẫn trong mắt các lãnh đạo Vietnam Airlines. Đó cũng là lý do hãng chỉ dự tính đặt mua 2 chiếc máy bay thân rộng bay đường dài với những lựa chọn là Airbus A350-1000 hay Boeing 777x trong tương lai gần.
Chiến lược của hãng cũng thể hiện rõ khi ngỏ ý muốn mua tới 50-100 chiếc 737 Max, loại máy bay phục vụ chiến lược bay nội địa hoặc các chặng bay quốc tế gần như đi Đông Nam Á hay Đông Bắc Á.
Bamboo Airways, Vietjet Air muốn bay thẳng Mỹ ngay trong năm 2020
Trong khi "người đàn anh" tỏ ra thận trọng thì hãng bay non trẻ, chỉ mới hoạt động được 1 tháng - Bamboo Airways tiếp tục thể hiện tham vọng bay quốc tế thông qua chiến lược mua sắm máy bay.
Bamboo Airways muốn bay thẳng Mỹ ngay trong năm thứ 2 đi vào vận hành. Ảnh: Bamboo Airways. |
Tháng 6/2018, tập đoàn FLC đã đặt mua 20 máy bay Boeing 787-9 Dreamliners với giá trị niêm yết khoảng 5,6 tỷ USD. Về lý thuyết loại máy bay này có thể bay thẳng từ Việt Nam tới Mỹ mà không cần dừng kỹ thuật.
Tới ngày 25/2, cả Reuters, Bloomberg đều dẫn lời lãnh đạo của Bamboo Airways về việc hãng sẽ ký một hợp đồng mua 10 chiếc 787 từ Boeing với tổng trị giá hợp đồng ước tính 3 tỷ USD.
“Chúng tôi sẽ ký với Boeing một thỏa thuận mua 10 máy bay Boeing 787. Thỏa thuận này hoàn toàn riêng rẽ với thỏa thuận mua 20 chiếc Boeing 787 mà chúng tôi ký hồi năm ngoái,” - Reuters dẫn lời một lãnh đạo Bamboo Airways, và nói thêm vị này không muốn nêu tên vì vấn đề bảo mật.
Chưa thể xác định 10 chiếc 787 tiếp theo mà Bamboo Airways có thể sẽ đặt mua thuộc biến thể nào, tuy nhiên nhiều khả năng đây sẽ tiếp tục là một hợp đồng mua Boeing 787-9.
Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết từng khẳng định Bamboo Airways dự kiến đón chiếc máy bay Boeing 787 đầu tiên vào quý III/2020 và hãng đang chuẩn bị cho các chuyến bay tới Mỹ vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020 nếu Boeing không thể bàn giao sớm hơn.
Chủ tịch của FLC cũng cho hay đang nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ phía Boeing để triển khai các chuyến bay tới Mỹ.
CEO của Bamboo Airways cũng từng chia sẻ ngay trước ngày hãng cất cánh rằng "năm 2020, Bamboo Airways chắc chắn sẽ có đường bay thẳng tới Mỹ". Có thể thấy chiến lược táo bạo của hãng hàng không khởi nghiệp này khi đưa ra tuyên bố khai thác đường bay rất dài và khó sinh lời ngay trong năm thứ 2 bay chính thức.
Có CAT 1, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo khẳng định sẽ thuê máy bay thân rộng để bay thẳng Mỹ ngay trong năm 2020. Ảnh: Ngô Minh. |
Một hãng bay Việt khác cũng mong muốn bay Mỹ ngay trong năm 2020 là Vietjet Air. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của Vietjet Air từng chia sẻ với Bloomberg rằng hãng này sẽ sử dụng các dòng máy bay cỡ lớn để phục vụ chặng bay thẳng tới Mỹ sau khi được Cơ quan quản trị hàng không liên bang Mỹ cấp phép.
Theo bà Thảo, những chuyến bay đầu tiên sẽ nối Việt Nam với Norman Y. Mineta San Jose - sân bay quốc tế gần nơi cộng đồng người Việt sinh sống nhiều nhất cũng như rất gần khu vực San Francisco.
Lãnh đạo Vietjet Air chia sẻ dùng phương án thuê máy bay thân rộng và sẽ tính toán thuê loại máy bay nào có hiệu quả kinh tế nhất. Hiện toàn bộ đội bay của Vietjet Air đều là các biến thể của dòng A320, dòng máy bay thân hẹp bay chặng ngắn và trung bình. Hãng này cũng chưa từng đặt mua hay thuê máy bay thân rộng.
Dường như ngành hàng không Việt đang có một mâu thuẫn thú vị. Hãng có kinh nghiệm bay đường dài và biên chế máy bay thân rộng thì thận trọng với đường bay thẳng Mỹ, còn hãng bay chưa từng biên chế máy bay thân rộng lại muốn chinh phục tuyến bay dài nửa vòng trái đất sớm nhất có thể.