Sau khi công bố sẽ nhận chiếc 787-9 đầu tiên cuối tháng 12, hãng bay của tỷ phú Trịnh Văn Quyết khẳng định sớm bay đường dài đến hàng loạt các điểm đến quốc tế.
Trong số những đường bay thẳng mà hãng tham vọng có sẽ sớm khai thác, dư luận đặc biệt chú ý tới đường bay thẳng Việt - Mỹ trong bối cảnh Vietnam Airlines đã lên kế hoạch hơn 10 năm nhưng vẫn chưa thể hiện thực hóa đường bay này.
Bamboo Airways khẳng định sẽ sớm bay
Cụ thể, ông Đặng Tất Thắng chia sẻ tại vào đầu tháng 12 rằng sau khi nhận máy bay thân rộng, Bamboo Airways cũng sẽ hoàn thiện thủ tục xin Chứng chỉ khai thác máy bay (AOC) từ cơ quan chức năng Mỹ để sớm thiết lập đường bay thẳng.
Bay thẳng tới Mỹ là cuộc đua riêng giữa Vietnam Airlines và Bamboo Airways khi đại diện Vietjet Air khẳng định sẽ chỉ tập trung cho những đường bay dài 5-6 tiếng đồng hồ trở lại. Ảnh: James Nguyen. |
"Nhanh nhất là vào cuối năm 2020, đầu năm 2021 chúng tôi sẽ khai thác đường bay thẳng tới Mỹ", lãnh đạo Bamboo Airways khẳng định.
Mốc thời gian này thậm chí còn sớm hơn những gì mà tỷ phú Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch của Bamboo Airways chia sẻ tại một tọa đàm trước đó về đường bay thẳng Việt - Mỹ.
Doanh nhân này khi đó đưa ra những số liệu về tính khả thi kinh tế của đường bay và khẳng định hãng sẽ khai thác thương mại đường bay này sớm nhất vào quý I/2021. Ông kỳ vọng Bamboo Airways sẽ là hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam mở đường bay thẳng tới Mỹ.
Về Boeing 787-9, lãnh đạo hãng khẳng định tầm bay của mẫu máy bay này hoàn toàn có thể bay thẳng từ Việt Nam tới các thành phố lớn ở hai bờ Đông và Tây nước Mỹ mà không cần dừng tiếp nhiên liệu.
Lãnh đạo hãng cũng bật mí Bamboo Airways đang tìm một đối tác mạnh tại Mỹ để xúc tiến thương mại đường bay này ngay sau khi nhận chứng chỉ AOC từ cơ quan chức năng hàng không Hoa Kỳ.
Ông Quyết cũng từng chia sẻ hãng bay của ông vẫn đang xem xét bay thẳng đến thành phố Los Angeles hoặc San Francisco nhưng chưa quyết định sẽ khởi hành từ Hà Nội hay TP.HCM. Thời gian bay từ Việt Nam đi Mỹ có thể kéo dài từ 14-16 giờ tùy thuộc vào hành trình cuối cùng được hãng lựa chọn.
Ông Quyết chỉ ra những khách hàng tiềm năng với đường bay thẳng đi Mỹ của Bamboo Airways là giới doanh nhân và những người muốn đến Mỹ để thăm người thân. Mỹ là quốc gia có cộng đồng người Việt di cư lớn nhất thế giới.
Bay thẳng Mỹ liệu có đơn giản?
Tại tọa đàm về phát triển hàng không bền vững do Bộ GTVT tổ chức mới đây, cả cơ quan chức năng, chuyên gia nước ngoài và đại diện của Vietnam Airlines đều khẳng định thiết lập đường bay thẳng tới Mỹ là chuyện không đơn giản cả về kỹ thuật lẫn tính khả thi thương mại.
Cục trưởng Hàng không Đinh Việt THắng khẳng định nếu tiếp nhận 787-9 trong tháng 12 thì Bamboo Airways cũng cần ít nhất 18 tháng nữa mới tích lũy đủ điều kiện bay thẳng Mỹ. Ảnh: BAV. |
Theo Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng chia sẻ, về pháp lý, từ năm 2003, Việt - Mỹ đã ký hiệp định về hàng không, các hãng hàng không 2 nước có thể mở đường bay thẳng với tần suất mỗi ngày 1 chuyến; hoặc bay qua 1, 2 điểm dừng tại quốc gia thứ 3 (thương quyền 5) để tới Mỹ (ngoại trừ qua Nhật Bản).
"Theo đánh giá của chúng tôi, để bay thẳng từ Việt Nam sang Mỹ, các hãng hàng không phải đạt tiêu chuẩn ETOPS 180 phút. Hiện nay có duy nhất Vietnam Airlines là đạt tiêu chuẩn này và đủ điều kiện bay được tới Mỹ", ông Thắng chia sẻ.
"Còn với những hãng hàng không có mong muốn bay thẳng sang Mỹ như Bamboo Airways thì chúng tôi khẳng định rằng muốn đạt tiêu chuẩn ETOPS 180 phút Bamboo Airways phải có kinh nhiệm khai thác tàu bay 787-9 hoặc chủng loại tương đương trong vòng 18 tháng", Cục trưởng Hàng không nói thêm.
Ông cũng cho rằng nếu Bamboo Airways quyết tâm, cùng với việc trong tháng 12 hãng tiếp nhận máy bay Boeing 787-9 thì cũng cần 18 tháng để tích lũy đủ điều kiện xét duyệt ETOPS 180 phút, chưa kể các thủ tục khác.
Bên cạnh đó, ông Thắng cũng cho rằng các hãng hàng không Việt Nam cần cân nhắc tính cạnh tranh khốc liệt trên đường bay này khi nhiều hãng bay lớn trong khu vực đang khai thác dưới dạng 1 điểm dừng với giá vé rất cạnh tranh.
Còn theo GS. Nawal Taneja, cố vấn cấp cao trường kinh doanh Fisher thuộc Đại học Ohio, đường bay này phải cân nhắc trên cơ sở tìm hiểu thị trường, tiếp thị, tần suất bay. GS. Taneja cho hay bay thẳng đến Mỹ là đường bay dài, đòi hỏi loại máy bay đặc biệt, với chi phí lớn.
"Cần nhìn lại việc 2 hãng hàng không Mỹ từng bay thẳng đến Việt Nam, vì sao họ lại dừng? Hơn ai hết, hãng hàng không cần tự đánh giá nguồn lực của mình. Nếu chỉ phục vụ khách thăm thân hay du lịch thì không hiệu quả. Đường bay Mỹ muốn hiệu quả phải hướng tới những người không muốn tốn thời gian quá cảnh, là những doanh nhân sẵn sàng chấp nhận trả giá cao, song đi kèm với đó là dịch vụ thuận tiện với tần suất ít nhất 3 chuyến/tuần", chuyên gia này cho hay.