Hai Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Jennifer Moffitt và Alexis Taylor trong chuyến thăm vườn bưởi tại Hoài Đức, Hà Nội hôm 28/2. Trên tay họ là những quả bưởi Diễn được địa phương trao tặng. Ảnh: Trương Hiếu. |
Ngày 30/7/2008 đã trở thành cột mốc trong xuất khẩu trái cây Việt Nam khi Cục Kiểm dịch động thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (APHIS) ra thông báo cấp phép nhập khẩu cho thanh long vào quốc gia Bắc Mỹ này, mở đường cho trái cây Việt Nam tới Mỹ.
Ngành này được đánh giá là có khả năng tăng trưởng lớn do nhu cầu tiêu thụ trái cây tại Mỹ lớn nhưng sản xuất nội địa mới đáp ứng 70%, tương đương 3,6 triệu tấn/năm.
“Hiện người Mỹ đã có thể thưởng thức nhiều loại trái cây Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Jennifer Moffitt nói hôm 28/2 trong lúc thăm một vườn bưởi ở huyện Hoài Đức, Hà Nội. “Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng danh sách ấy”.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng danh sách ấy và trước mắt, hai bên đang xem xét tới trái dừa và chanh leo”, bà nói.
7 loại trái cây và tiếp tục tăng
Cho tới nay, Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ 7 loại trái cây.
Kể từ đó đến năm 2019, lượng thanh long xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng theo từng năm. Nếu năm đầu tiên là 100 tấn thì đến năm 2012, con số này đã tăng gấp 10 lần, lên 1.200 tấn, theo TTXVN.
3 năm sau cột mốc của trái thanh long, đến năm 2011, chôm chôm Việt Nam được phép xuất khẩu sang Mỹ. Tới năm 2014, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng “bật đèn xanh” cho nhãn và vải Việt Nam vào thị trường này.
Năm 2014, Bộ Nông nghiệp Mỹ “bật đèn xanh” cho nhãn và vải Việt Nam vào thị trường này. Ảnh: Việt Linh. |
Vú sữa là loại trái cây thứ 5 của Việt Nam được cấp “giấy thông hành” vào Mỹ sau 10 năm đàm phán. Lô vú sữa xuất khẩu đầu tiên, nặng khoảng 2 tấn, đã lên đường sang Mỹ vào tháng 12/2017. Việt Nam cũng là nước đầu tiên được cấp phép xuất khẩu vú sữa sang thị trường Mỹ.
Thời điểm quả vú sữa được cấp phép vào Mỹ, xuất hiện một số thông tin cho rằng trái xoài cũng được chấp thuận vào thị trường khắt khe này. Nhưng phải đến giữa tháng 2/2019, mong muốn ấy mới thành sự thật, đưa xoài trở thành loại trái cây thứ 6 của Việt Nam được vào Mỹ.
Loại trái cây mới nhất của Việt Nam nhận tin vui là trái bưởi. Đầu tháng 12/2022, lô bưởi tươi đầu tiên của Việt Nam đã được chuyển tới Mỹ sau 5 năm đàm phán.
Con số 7 loại trái cây Việt Nam được cấp phép vào Mỹ nhiều khả năng sẽ vẫn còn tăng. Nhu cầu tiêu thụ trái cây ở Mỹ lên tới 12 triệu tấn/năm, trong khi sản xuất trái cây tươi nội địa chỉ đáp ứng 70% nhu cầu.
Cửa đã mở nhưng còn thách thức
Theo yêu cầu của thị trường Mỹ, trái cây nhập khẩu phải đáp ứng một số tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm như trồng ở khu vực được đăng ký và gắn mã, mỗi lô hàng phải kèm theo chứng chỉ của Cục Bảo vệ thực vật, phải được chiếu xạ để loại bỏ vi khuẩn dịch hại…
Mỗi khâu nói trên đều gặp những thách thức riêng. Ngay từ khâu trồng trọt, trái cây muốn xuất sang Mỹ phải tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, chăm sóc, bảo quản và không dùng thuốc trong danh sách cấm.
Chẳng hạn, vải và nhãn từ phía Bắc không được dùng bất kỳ một dạng hóa chất xử lý nào để giữ cho quả trắng và tươi lâu. Có thể xông thuốc lưu huỳnh SO2 nhưng phải đạt mức giới hạn dư lượng tối đa cho phép (MRL) do cơ quan chức năng của Mỹ quy định, theo TTXVN.
Một trung tâm chiếu xạ trái cây tại TP.HCM. Để đáp ứng yêu cầu từ các nhà nhập khẩu Mỹ, Việt Nam đã xây dựng bản đồ chiếu xạ (quy trình diệt khuẩn, làm sạch sản phẩm, nâng cao chất lượng và kéo dài thời gian bảo quản). Ảnh: Lê Hiếu, Lê Quân. |
Trước khâu chiếu xạ, nhân viên kiểm dịch sẽ chọn ngẫu nhiên một vài thùng hàng để đưa vào phòng kiểm dịch kiểm tra. Tại đây, nhân viên kiểm dịch sẽ quan sát bằng mắt thường và kính lúp để xem có vi sinh vật trên hoa quả hay không.
Nếu sản phẩm không có vi sinh vật, lô hàng mới được đưa vào chiếu xạ để xuất sang Mỹ. Nếu không đạt, lô hàng đó sẽ không được đưa vào chiếu xạ.
Và rộng hơn, để trái cây Việt Nam vào được Mỹ, nhà chức trách Việt Nam cũng mở thị trường và cấp phép cho trái cây Mỹ vào Việt Nam. Chẳng hạn, khi nông dân Việt Nam được xuất khẩu trái bưởi sang Mỹ, nông dân Mỹ cũng được chấp thuận xuất khẩu trái bưởi chùm từ bang Texas và California sang Việt Nam.
Tuy vẫn còn thách thức, việc nhiều loại trái cây Việt Nam thâm nhập vào thị trường Mỹ là tín hiệu đáng mừng. Giới chuyên gia lưu ý rằng sau thâm nhập là định hướng chinh phục lâu dài, nhất là với thị trường khó tính như Mỹ.
Vì thế, người nông dân, doanh nghiệp và giới chuyên gia cần có biện pháp trước mắt và lâu dài để cung ứng theo yêu cầu của các thị trường này, TTXVN nhận định.