Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bay đến TP.HCM 'cháy vé', vòng sang Thái Lan, Singapore có khả thi?

Dù giá vé chặng nội địa đến TP.HCM đắt đỏ, phương án bay quá cảnh sang các nước trong khu vực có phần tốn thời gian và chi phí không kém trong bối cảnh hành khách cần bay gấp.

Phương án bay quá cảnh Thái Lan, Singapore thực tế đắt đỏ chẳng kém bay thẳng tới TP.HCM. Ảnh: Cục Hàng không.

Có việc gấp phải bay từ Hà Nội vào TP.HCM vào thứ 2, ngày 19/2, anh Nhật Nam (Đống Đa, Hà Nội) hốt hoảng vì giá vé máy bay ở mức "trên trời". Chặng bay này hiện đã cạn vé và chỉ còn một vài vé thương gia hiếm hoi của Vietnam Airlines với giá 10 triệu đồng.

"Tôi xác định bay gấp nên giá vé sẽ đắt đỏ và không có nhiều lựa chọn nhưng tiền vé quá cao khiến tôi phải cân nhắc lại", anh Nhật Nam nói với Tri Thức - ZNews.

Sau Tết Nguyên đán, do nhu cầu trở lại TP.HCM từ các tỉnh, thành tăng cao nên nhiều chặng đã cạn vé từ sớm. Vì vậy, nhiều người nghĩ đến phương án "nối chuyến" tại các quốc gia trong khu vực như Malaysia, Singapore, Thái Lan.

Song, do tính chất vé mua sát ngày nên phương án này cũng không khả thi vì giá vé nhìn chung đều cao, không có nhiều lựa chọn về thời gian bay. Chưa kể, hành khách phải tốn thời gian quá cảnh.

Ví dụ, chặng bay Hà Nội - Singapore ngày 19/2 chỉ còn một số chuyến của Air Asia với giá 5,2 triệu đồng. Sau đó, từ Singapore về TP.HCM, hành khách phải tốn thêm 4,8-5,6 triệu đồng khi bay với Scoot, Vietjet hoặc Vietnam Airlines. Số tiền tổng cộng vượt quá mức 10 triệu đồng so với việc bay thẳng từ Hà Nội đến TP.HCM.

Tương tự, chặng Hà Nội - Kualalumpur cùng ngày có giá 3,8 triệu đồng của Batik Air tốn hơn 3 giờ đồng hồ. Tiếp theo, hành khách tiếp tục bay về TP.HCM và tốn thêm 6-9 triệu đồng với các chuyến bay của Vietjet Air.

Tương tự, hành khách bay chặng Hà Nội - Bangkok - TP.HCM sẽ có vé rẻ chặng Hà Nội - Bangkok (khoảng 1,9 triệu đồng) nhưng chặng Bangkok - TP.HCM lại đắt đỏ, lên đến 8 triệu đồng.

Như vậy, phương án bay vòng thậm chí đắt đỏ hơn trong trường hợp hành khách cần bay gấp. Sau khi khảo sát giá, anh Nhật Nam đã quyết định chi 10 triệu đồng để mua vé bay thẳng Hà Nội - TP.HCM để kịp thời giải quyết công việc.

"Khi đã cần đặt vé gấp thì đi đâu cũng đắt đỏ như nhau cả, chưa kể tôi lại bay đúng dịp nhu cầu tăng cao", anh Nam nhận định.

Thực tế, đề tài bay vòng trong dịp cao điểm Tết luôn được bàn tán mỗi năm. Tuy nhiên, những người có trải nghiệm thực tế đều khẳng định phương án này không giúp tiết kiệm và chỉ dành cho những người có thời gian, mong muốn tranh thủ đi mua sắm, du lịch.

Đến ngày 20/2, giá vé nội địa đã hạ nhiệt thấy rõ. Cụ thể, chặng Hà Nội - TP.HCM có một số chuyến bay với giá 3,6-4,1 triệu đồng. Ngày 21/2, có thêm nhiều chuyến bay với mức giá 3,4 triệu đồng. Còn từ ngày 22/2 trở đi, giá vé đã về mức dưới 3 triệu đồng/chiều.

Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Diệu Thanh

Bạn có thể quan tâm