Hôm nay, bầu cử sơ bộ Siêu thứ ba không diễn ra tại Iowa, do đó tôi chỉ quan sát các diễn biến và kết quả từ xa, vừa vì công việc của một phóng viên chính trị, vừa vì sự quan tâm của một cử tri đối với tình hình chính trị đất nước. Thông thường, khi người dân địa phương ở Sioux City hỏi tôi ủng hộ Đảng Dân chủ hay Cộng hòa, tôi không trả lời bởi nghề nhà báo đòi hỏi sự trung lập. Nhưng ở đây tôi có thể nói rằng mình là cử tri đảng Dân chủ.
8 năm trước, tôi chứng kiến Thượng nghị sĩ Barack Obama đến Iowa vận động tranh cử, khi đó ông ấy còn rất trẻ và hoạt bát. Bốn năm sau, khi cuộc bầu cử năm 2012 diễn ra, mái tóc ông ấy đã bạc đi rất nhiều, sự mỏi mệt hằn rõ trên gương mặt. Và giờ là lúc ông Obama chuẩn bị rời Nhà Trắng, chắc hẳn đã kiệt quệ. Bản thân tôi đánh giá ông Obama đã làm được nhiều điều cho nước Mỹ.
Việc thực thi luật bảo hiểm y tế, khôi phục quan hệ với Cuba, đàm phán với Iran, chống biến đổi khí hậu… là những nỗ lực lớn đòi hỏi sự dũng cảm, đặc biệt khi mà đảng Cộng hòa chủ trương chống đối ông trong mọi vấn đề. Việc các thượng nghị sĩ Cộng hòa quyết cản ông Obama đề cử một thẩm phán mới cho Tòa án Tối cao là ví dụ mới đây và rõ ràng nhất.
Bà Clinton phát biểu trước cử tri trong đêm Siêu thứ ba ở thành phố Miami. Ảnh: Reuters |
Người thay thế ông Obama sẽ đối mặt với những thử thách rất lớn. Đó là điều đương nhiên, bởi chức tổng thống Mỹ là một công việc khổng lồ. Là một cử tri Dân chủ, tôi ủng hộ Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, nhưng tôi nghĩ rằng bà Hillary Clinton sẽ giành chiến thắng. Ông Sanders nói đúng, Washington, D.C. cần sự thay đổi, nước Mỹ cần một cuộc cách mạng bởi người lao động Mỹ cần bảo hiểm y tế toàn dân, tăng mức lương tối thiểu, sinh viên cần được giảm mức học phí cắt cổ…
Quan điểm chung của nhiều cử tri cả Cộng hòa và Dân chủ là chính quyền ở Washington, D.C. đang ngày càng bế tắc, do đó cần có những người "ngoại đạo" để thay đổi nó. Nước Mỹ đang sa sút, đã đến lúc cần sự đổi mới. Tuy nhiên, bà Clinton có ưu thế quá lớn với số đại biểu vượt rất xa ông Sanders. Dù sao bà ấy cũng là một chính trị gia giàu kinh nghiệm và nhiều năng lực.
Về phía đảng Cộng hòa, có lẽ tỷ phú Donald Trump sẽ giành vé. Tôi thực sự lo ngại với việc ông Trump thu hút nhiều cử tri đến thế bất chấp những phát biểu điên rồ, mang tính phát xít về người Hồi giáo hay người nhập cư. Thật khó chấp nhận việc một tổng thống dùng lời lẽ bậy bạ để nói về người khác. Nhưng ông Trump rất giỏi đánh vào tâm lý cử tri Cộng hòa đang lo lắng về vấn đề việc làm hay nguy cơ khủng bố. Thậm chí nhiều cử tri độc lập cũng bị ông ta thu hút.
Sự trỗi dậy của Trump cho thấy đảng Cộng hòa đang khủng hoảng. Vấn đề là các ứng cử viên khác của họ đều không đủ tầm. Thượng nghị sĩ Ted Cruz là kẻ cực đoan, sẵn sàng để chính quyền tê liệt nhằm thực hiện ý đồ chính trị. Ông ta đòi xóa sổ luật bảo hiểm y tế Obamacare, nhưng không hề nói sẽ thay thế nó bằng gì. Ông ta chẳng quan tâm đến hàng triệu người sẽ mất bảo hiểm nếu ông ta lên làm tổng thống. Ted Cruz còn nguy hiểm hơn cả Donald Trump.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio cũng sẽ không đủ sức thách thức Trump. Tôi xem trực tiếp cuộc tranh luận của các ứng cử viên Cộng hòa ở New Hampshire hồi đầu tháng 2, khi đó Rubio đã tê liệt trước những đòn tấn công của đối thủ. Ông ấy rất thiếu kinh nghiệm và hoàn toàn không đủ bản lĩnh để đối phó với những áp lực khổng lồ đến từ chiếc ghế tổng thống. Bản thân đảng Cộng hòa đang tìm cách cản trở Donald Trump. Nhưng có lẽ những nỗ lực đó là quá muộn.
Vấn đề mà tôi lo lắng nhất là nếu bà Clinton thắng cử tổng thống, rất có thể Washington, D.C. lại rơi vào thế bế tắc như thời kỳ Tổng thống Obama. Đảng Cộng hòa có thể sẽ lại tìm mọi cách cản trở bà ấy giống như đã ngáng đường ông Obama. Khi đó, người dân Mỹ sẽ lại phải chịu đựng thêm 4 năm loay hoay đầy mệt mỏi.