Thượng nghị sĩ Hillary Clinton và tỷ phú Donald Trump. Ảnh: Getty |
Thượng nghị sĩ Hillary Clinton và tỷ phú Donald Trump được dự đoán sẽ chắc chắn giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử tại 12 bang trong ngày Siêu Thứ Ba. Hai ứng viên, đối lập với nhau từ thân thế tới cách thức tranh cử, hai đại diện của hai phe trái ngược - phe chính trị gia kỳ cựu và phe ngoại đạo - có thể sẽ đối đầu nhau trong cuộc bầu cử chưa từng có tại nước Mỹ.
Các kết quả bỏ phiếu của ngày Siêu thứ ba đang dần dần được công bố. Ở phe Dân chủ, bà Hillary Clinton giành chiến thắng ở bang Virginia, trong khi đó Thượng nghị sĩ Vermont Bernie Sanders cũng chiếm được bang nhà. Trong toàn bộ 12 bang, hai ứng viên sẽ tranh nhau 865 phiếu đại biểu.
Hillary Clinton dự kiến sẽ giành được 544 phiếu nhờ các bang miền nam có nhiều cử tri da đen. Bà Clinton vừa vượt qua đối thủ với chiến thắng cách biệt ở bang South Carolina cũng nhờ phiếu cử tri da đen. Số phần trăm bỏ phiếu cho bà còn lớn hơn chính số dành cho Tổng thống Barack Obama.
Trong khi đó, phe Cộng hòa sẽ giành nhau 595 phiếu đại biểu trong ngày Siêu thứ ba. Donald Trump dự kiến sẽ vượt lên dẫn trước tuy nhiên ông cũng sẽ gặp khó khăn tại bang Texas, bang nhà của Thượng nghị sĩ Ted Cruz.
Phe Cộng hòa "điên loạn"
Chỉ một năm trước đây, không một ai có thể tưởng tượng rằng Donald Trump sẽ dẫn đầu phe Cộng hòa trong cuộc đua giành vé ứng cử viên của đảng. Sự tham gia của Trump ban đầu vốn bị coi là một trò đùa, song với hàng loạt những phát ngôn gây sốc và đầy chia rẽ cùng những lời chỉ trích thậm tệ đối thủ, tỷ phú này đã khiến một trong những ứng cử viên vốn được cho là chắc chân nắm vé chạy đua vào Nhà Trắng là cựu thống đốc Florida Jeb Bush phải rút lui trong tủi hổ.
Sự nổi lên của Donald Trump không chỉ khiến giới quan sát giật mình mà bộ mặt của đảng Cộng hòa bị bêu xấu đồng thời chia rẽ luồng dư luận trong nội bộ đảng.
Tỷ phú Donald Trump và các ứng viên đảng Cộng hòa trong một cuộc tranh luận trên truyền hình. Ảnh: Getty |
Theo dõi những ngày gần đây, không ai có thể tưởng tượng đây là cuộc chạy đua của một đảng lớn tại cường quốc như Mỹ. Các ứng cử viên đảng Cộng hòa công kích cá nhân qua lại không ngớt lời. Tất cả đều xuất phát từ Donald Trump với một mình một luật chơi. Ngay từ những cuộc tranh luận đầu tiên, Trump không tiếc lời chỉ trích thậm tệ các đối thủ và báo chí.
Chính điều này lại càng khiến nhóm vốn chống lại phe làm chính trị kỳ cựu và báo chí ủng hộ tỷ phú. Đến gần thời điểm ngày Siêu thứ ba, hai đối thủ chính của Trump là Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Ted Cruz cũng tham gia trò chơi đả kích cá nhân. Ai cũng cố gắng chỉ trích đối thủ của mình bằng giọng lớn nhất có thể.
Donald Trump gọi Ted Cruz là "đồ giả dối" và "kẻ chẳng ra gì". Rubio thì hàm ý rằng có lẽ Trump đã "vãi cả ra quần" trong cuộc tranh luận mới nhất, rồi chê làn da rám nắng nhân tạo của tỷ phú là “xấu nhất nước Mỹ". Cruz thì gợi ý Trump lấy thuốc thần kinh ra mà uống còn Lindsay Graham, từng ra tranh cử trong đảng Cộng hòa, bình luận rằng đảng của ông đã trở nên "điên loạn".
Giới bình luận ví những tranh cãi qua lại, nhất là cuộc tranh luận mới nhất của đảng, giống như một cuộc tai nạn xe hơi. Dân chúng ai cũng muốn bu vào xem chuyện gì đang xảy ra mặc dù người ta ghê sợ trước những hình ảnh được nhìn thấy.
Nội bộ đảng Cộng hòa cũng bị chia rẽ vì Trump. Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Mel Martinez thề rằng sẽ bỏ phiếu cho bất cứ sinh linh còn sống nào miễn là không phải Trump. Cựu thống đốc bang New Jersey Christie Whitman tuyên bố thẳng thừng sẽ bầu cho đối thủ là Hillary Clinton chứ không ủng hộ tỷ phú.
Sau khi Trump được một thành viên của nhóm KKK, nhóm của những kẻ da trắng phân biệt da màu, lên tiếng ủng hộ cuộc chạy đua của "The Donald" thì Mitt Romney, từng là ứng viên của đảng Cộng hòa, chỉ trích phản ứng của Trump là không hợp lý. Trong khi đó, Trump không tỏ ra mấy quan tâm. Trang Twitter cá nhân của ông còn đăng lại một phát ngôn của độc tài phát xít Benito Mussolini.
Tuy vậy, cũng có một số lãnh đạo trong nội bộ đảng lên tiếng ủng hộ Trump, chẳng hạn như Chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan. Thống đốc bang Chris Christie cũng chính thức đứng về phía Trump, một tin khiến nhiều người bàng hoàng. Ông Christie từng là một trong các đối thủ của tỷ phú và vốn không tiếc lời chỉ trích độ đáng tin cậy của Trump.
Tuy vậy, giới quan sát cho rằng nếu thực sự Trump trở thành ứng viên của đảng, họ sẽ đứng về phía ông, vì họ e ngại Clinton hơn nhiều, cũng giống như câu nói trong hai kẻ xấu, chọn kẻ ít xấu hơn vậy.
Trong lúc này, phe Dân Chủ có lẽ đang mừng thầm vì những màn đả kích không khoan nhượng giữa các ứng viên của Cộng hòa. Tờ New York Times bình luận rằng phe Dân Chủ không dại gì mà tỏ ra xốc nổi, đây không phải lúc. Một người dẫn chương trình trong một chương trình trò chuyện trên mạng còn nghĩ rằng phe Clinton có lẽ đang cho sản xuất một đoạn video đả kích Trump. Video này có hình ảnh các công nhân bị sa thải vì Trump phá sản. Xen kẽ giữa các đoạn video là hình ảnh Trump nói câu nổi tiếng trên show truyền hình của ông "Anh bị sa thải".
Có vẻ như đảng Cộng hòa đã quên mất câu dặn dò của Tổng thống Ronald Reagan: Người Cộng hòa không nên nói xấu nhau. Tuy nhiên, dường như những cái xôn xao, tranh cãi đó đã làm cho cử tri hứng thú hơn và đi bầu cử nhiều hơn.
Ai xấu hơn
Có một điều không khó nhận ra đó là trong cuộc bầu cử này, hai ứng viên hàng đầu của hai phe lại là hai người bị phản đối nhiều nhất. Chưa bao giờ trong lịch sử bầu cử của Mỹ, hai ứng viên đi đầu trong hai đảng lại là những người bị phản đối trên diện rộng như Hillary Clinton và Donald Trump.
Trong một cuộc trưng cầu mới nhất do tờ Wall Street Journal tiến hành, 39% người được hỏi nói họ có phản ứng tiêu cực đối với bà Hillary Clinton. Đối với Donald Trump, con số này lên tới 49%. Hai con số không thay đổi trong cả tháng nay.
Bản đồ các bang tổ chức bầu cử sơ bộ trong ngày Siêu thứ ba 1/3. Ảnh: ABC |
Vào cùng thời điểm này năm ngoái, chỉ 19% người được hỏi bày tỏ phản ứng tiêu cực đối với người sẽ trở thành ứng viên đảng Cộng hòa là Mitt Romney. Cùng thời điểm này năm 2006, mức độ đó đối với Thượng nghị sĩ John McCain là 12% trong khi đối với Barack Obama, con số này là 15%. Riêng bà Hillary Clinton thì vào thời điểm cách đây 10 năm, mức độ "tiêu cực" đối với bà ở mức 29%, thấp hơn hiện tại tới 10%.
Cũng phải nói rằng cuộc thống kê và các con số này được đưa ra trong thời điểm mà niềm tin của người dân Mỹ đối với cái mà họ gọi là "hệ thống chính trị" đi xuống. Sự hoài nghi của dân chúng đối với chính trị gia và hệ thống chính trị được gọi là đang ở mức thảm họa không thể cứu chữa, tờ Wall Street Journal cho hay.
Trong một cuộc thăm dò khác, 13 trên tổng số 15 cơ quan trên nước Mỹ nói rằng mức tín nhiệm đối với họ thấp hơn mức bình thường trong lịch sử. Có hai ngoại lệ đó là quân đội và các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Mức tín nhiệm đối với Quốc hội xuống tới mức kỷ lục là 8%.
Với tình hình hiện tại, cuộc bầu cử này khó mà có thể bầu ra được một ứng viên có thể gây dựng lại niềm tin với nhiệm kỳ tổng thống.
Trump rõ ràng đã thay đổi hoàn toàn cái chất của cuộc đua vào Nhà Trắng. Tỷ phú này không tuân theo bất cứ luật chơi nào cả, tự biên tự diễn và lại được báo chí ưu ái đưa tin. Tất cả các bên khác thì cố gắng giành sự chú ý bằng những phát ngôn to tát trên mạng xã hội.
Riêng phần Hillary Clinton, ngoài đối thủ đáng gờm là Bernie Sanders, bà phải đối mặt với hết cáo buộc này đến cuộc điều trần, điều tra khác. Ngoài ra, bà cũng phải giải thích việc sử dụng máy chủ cá nhân để chứa các thư điện tử công khi đang làm cho Bộ Ngoại giao. Chắc chắn phe Cộng hòa cũng không thiếu tư liệu để tấn công nữ chính trị gia khi đến dịp.
Dù ai chiến thắng trong cuộc đua này đi nữa, thách thức dành cho người đó khi lên nắm quyền là không nhỏ. Hai nhiệm vụ quan trọng dành cho tổng thống mới đó là hàn gắn lại đất nước và lấy lại niềm tin vào Nhà Trắng. Nếu cuộc đua cứ diễn ra như chiều hướng hiện nay, thách thức dành cho tổng thống tương lai sẽ ngày càng lớn.