Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bất thường về lý lịch con voi quật chết người

Phía kiểm lâm tỉnh Bình Dương cho biết con voi quật chết người ở Khu du lịch Đại Nam có lai lịch rõ ràng. Nhưng theo tìm hiểu, lý lịch con voi lại có rất nhiều điểm bất thường.

Trên các tài liệu phóng viên thu thập được, con voi quật chết người là voi đực, khoảng tám tuổi, có tên gọi là Ka, trước đây thuộc quyền sở hữu của ông Điểu Cước (xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước).

Con voi này được ông Cước chuyển giao cho Khu du lịch Đại Nam vào năm 2007 cùng với một con voi cái, được cho là mẹ của voi Ka. Tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng hai con voi là 355 triệu đồng do Khu du lịch Đại Nam chi trả.

Trong đơn xin chuyển nhượng voi gửi chính quyền địa phương vào đầu năm 2007, ông Cước cho biết do hoàn cảnh khó khăn, ông không thể nuôi hai con voi nên muốn chuyển giao cho Khu du lịch Đại Nam. Trước đó, vào tháng 9/2006, ông Cước đã có đơn xin chuyển giao voi cho Khu du lịch văn hóa Đầm Sen (TP.HCM) với lý do tương tự.

Hai lá đơn xin chuyển nhượng voi của ông Điểu Cước.

Điều bất thường là vào thời điểm xin chuyển giao voi cho Khu du lịch Đầm Sen, ông Cước trình bày mình chỉ nuôi một con voi cái do ông bà để lại, chưa nói có voi con. Song chỉ sau đó 4 tháng (1/2007), ông  Cước lại nói voi cái đã sinh được voi con hai tuổi, trong khi thời gian voi mang thai kéo dài đến 22 tháng.

Đặt giả thuyết vào năm 2006, con voi cái của ông Cước đã mang thai và sắp sinh thì đến đầu năm 2007 voi con cũng chỉ mới được vài tháng tuổi, khác xa thông tin voi con hai tuổi được thể hiện trong hợp đồng chuyển giao.

Nếu có sự nhầm lẫn việc tính tuổi voi thì trong hợp đồng cũng phải nêu rõ voi cái đang mang thai nhưng ông Cước hoàn toàn không đề cập việc này. Đây là thông tin hết sức quan trọng, liên quan đến thủ tục pháp lý về chuyển giao động vật hoang dã.

Một vấn đề bất thường nữa là thông tin về voi cha của Ka cũng không được thể hiện trong hợp đồng chuyển giao cho Khu du lịch Đại Nam. Trên thực tế, để có voi con thì con voi cái của ông Cước phải được đưa đi phối giống với voi đực hoặc ngược lại. Việc này rất phức tạp, chi phí cao và phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về nuôi nhốt, vận chuyển động vật hoang dã…

Vậy voi Ka có phải do voi cái của ông Điểu Cước sinh ra hay không? Đây là nghi vấn cần được làm sáng tỏ để xác định nguồn gốc của con voi đã quật chết người ở Đại Nam.

Theo Pháp Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm