Trong lịch sử chính trị Mỹ, hiếm có cuộc bầu cử tổng thống nào không trải qua ít nhất một vài sự kiện bất ngờ, đôi khi đảo ngược hoàn toàn cuộc đua vào Nhà Trắng.
Sự đảo chiều phút chót như vậy được gọi là “bất ngờ tháng 10” và đã nhiều lần thay đổi thế cục các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong hơn 50 năm qua, theo AFP.
Bài học lịch sử
Sự kiện “bất ngờ tháng 10” đầu tiên được ghi nhận vào tháng 10/1972 khi Mỹ quyết định rút phần lớn lực lượng quân sự khỏi Việt Nam.
Trước đó, Richard Nixon đang thất thế trước George McGovern và được cho là nhiều khả năng là sẽ thất cử.
Tuy nhiên, quyết định từ bỏ cuộc chiến tại Việt Nam đã giúp ông Nixon tái đắc cử với cách biệt lên đến 18 triệu phiếu bầu phổ thông so với đối thủ.
“Về cơ bản, ‘bất ngờ tháng 10’ là một diễn biến bất ngờ xảy ra vào phút chót, thường rơi vào tháng 10, vốn là giai đoạn ảnh hưởng mạnh đến kết quả chung cuộc”, chuyên gia về chính trị Mỹ Oscar Winberg thuộc Viện Nghiên cứu Cao cấp Turku của Phần Lan giải thích.
Theo ông Winberg, nhìn chung, “bất ngờ tháng 10” thường rơi vào một trong ba trường hợp: Mỹ có chuyển biến bất ngờ trên trường ngoại giao quốc tế, một vụ bê bối chính trị trong quá khứ được đưa ra ánh sáng, hoặc một diễn biến đối nội có phạm vi ảnh hưởng rộng, đơn cử như thảm họa tự nhiên hoặc đại dịch bùng phát.
Chuyên gia về chính trị Mỹ Oscar Winberg thuộc Viện Nghiên cứu Cao cấp Turku của Phần Lan. Ảnh: Lehtikuva. |
Một trong những “bất ngờ tháng 10” nổi bật nhất xuất hiện vào năm 2016. Bốn sự kiện liên tiếp diễn ra trong vỏn vẹn 28 ngày đã đảo chiều đường đua vào Nhà Trắng.
Các sự kiện “bất ngờ tháng 10” hồi 2016 bao gồm cáo buộc trốn thuế và quấy rối tình dục của ông Donald Trump cùng hai vụ bê bối thư điện tử của bà Hillary Clinton.
Bốn sự kiện diễn ra xen kẽ nhau khiến cán cân liên tục xoay nhiều với phần thất bại nghiêng về phía ứng viên đảng Dân chủ.
Trên thực tế, một số sự kiện “bất ngờ tháng 10” không ảnh hưởng nhiều đến kết quả cuộc tranh cử tổng thống. Đơn cử, vào năm 2000, ông George W. Bush vẫn đắc cử sau khi thông tin ông từng bị bắt vì lái xe khi đang say rượu được tiết lộ.
Dẫu vậy, “bất ngờ tháng 10” vẫn trở thành một yếu tố khiến nhiều ứng viên tổng thống lo ngại, theo AFP.
Giới chuyên gia nhận định rằng nguyên nhân chính đằng sau thất bại của bà Hillary Clinton vào năm 2016 là những sự kiện "bất ngờ tháng 10". Ảnh: New York Times. |
Ông Winberg nhận định rằng “bất ngờ tháng 10” đã trở nên quá phổ biến. Do đó, các chiến dịch tranh cử thường có xu hướng tính trước cho yếu tố bất ngờ này.
“Họ rất thận trọng với những mối bất ngờ tiềm ẩn này”, ông Winberg nói, nhấn mạnh rằng các đơn vị tranh cử thường lên sẵn kế hoạch ứng phó với với “bất ngờ tháng 10” nếu tình huống này xảy đến với họ.
Bên cạnh đó, ông Winberg cho rằng các chiến dịch tranh cử cũng tìm cách vén màn những “bất ngờ tháng 10” có lợi cho phe của mình.
“Trong nền chính trị Mỹ, người ta đầu tư một lượng lớn tiền bạc và thời gian vào việc ‘nghiên cứu đối thủ’ để bới lông tìm vết những điều bí mật”, ông Winberg nói.
Ngoài ra, các phe cánh chính trị cũng tự điều tra chính họ để phòng ngừa.
“Các ứng viên thường thuê giới điều tra viên tìm hiểu lý lịch của họ nhằm tìm ra những điểm yếu chưa được khai quật. Những điểm này nếu bị lộ ra có thể khiến công chúng Mỹ phát cuồng lên”, ông Winberg nói.
Tầm quan trọng của "bất ngờ tháng 10"
Nhà phân tích đến từ Viện Nghiên cứu Cao cấp Turku cũng nhận xét rằng “bất ngờ tháng 10” dần trở nên bớt nguy hiểm hơn trong những đợt bầu cử gần đây.
Bởi lẽ, lượng cử tri trung lập hiện không còn nhiều như trước. Hầu hết cử tri hiện tại có xu hướng nhất quán trong việc ủng hộ đảng mà họ vẫn luôn bầu cho.
Theo ông Winberg, điều này đồng nghĩa với việc các chiến dịch tranh cử ít có cơ hội “đổi màu” cử tri và cũng không có nhiều không gian để thuyết phục lượng cử tri trung lập quay sang ủng hộ một đảng nhất định.
Vẫn không loại trừ khả năng cuộc đua Trump-Harris sẽ bị ảnh hưởng bởi "bất ngờ tháng 10". Ảnh: MLive. |
“Trong bối cảnh phân cực ở Mỹ như hiện nay, mỗi đảng lớn đều nhận được khoảng 45-47% tỷ lệ ủng hộ, không có nhiều cử tri phân vân để các phe thuyết phục”, ông Winberg phân tích. “Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa rằng ngay cả những thay đổi nhỏ cũng sẽ mang tính quyết định”.
Ngoài ra, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ vào năm 2020, nhiều cử tri giờ đây có xu hướng bỏ phiếu sớm, do đó “bất ngờ tháng 10” cũng sẽ không còn ảnh hưởng nhiều đến quyết định của một bộ phận cử tri nữa.
“Vì những lý do trên, các chuyển biến vào phút chót đã đánh mất vai trò và ý nghĩa định đoạt cuộc bầu cử so với trước đây”, ông Winberg nói.