Thị trường bất động sản tại Đông Nam Á ghi nhận các tín hiệu tích cực. Ảnh: Cushman & Wakefield. |
Theo Báo cáo Triển vọng Đông Nam Á 2023 của Cushman & Wakefield, trong bối cảnh Mỹ và châu Âu có khả năng rơi vào suy thoái, Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ trở thành khu vực tăng trưởng kinh tế hàng đầu.
Mức tăng trưởng của khu vực này ước đạt 4,7% trong năm 2023, gần với mức 5% tại thời điểm trước đại dịch. Trong đó, Việt Nam cùng Philippines có thể là những quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất.
Một tương lai khởi sắc của Đông Nam Á
Thực tế, các quốc gia Đông Nam Á sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế khác nhau, tùy thuộc vào cơ cấu kinh tế và giai đoạn mở cửa trở lại. Philippines và Việt Nam được dự báo dẫn đầu tăng trưởng vào năm 2023 với mức tăng lần lượt là 7,1% và 5,8%.
Trong khi đó, Singapore và Malaysia sẽ tăng trưởng chậm lại sau đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ vào năm 2021 và 2022. Thái Lan là nền kinh tế ASEAN duy nhất sẽ chứng kiến mức tăng trưởng GDP mạnh hơn vào năm 2023 so với năm 2022.
So sánh GDP của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Ảnh: Cushman & Wakefield. |
“Nền kinh tế Đông Nam Á vẫn rất lớn và có dân số lớn thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Ngoài ra, khu vực này được hưởng lợi từ các xu hướng thương mại toàn cầu và môi trường địa chính trị.
Đông Nam Á mang đến nhiều cơ hội đầu tư với tư cách là một khu vực đang phát triển nhanh chóng”, ông Anshul Jain, Giám đốc điều hành và đại diện khách thuê khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), Ấn Độ và Đông Nam Á của Cushman & Wakefield, bình luận.
Đơn vị này cho biết 2022 là năm mà nền kinh tế Việt Nam chứng kiến sự phục hồi với mức tăng trưởng GDP lên tới 8%, cao hơn dự báo trước đó của hầu hết tổ chức kinh tế. Mặc dù triển vọng kinh tế toàn cầu 2023 suy giảm, Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ duy trì tăng trưởng ổn định với dự báo GDP đạt 5,9-7,3%.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là quốc gia chịu sự phụ thuộc vào hoạt động thương mại với các đối tác toàn cầu. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát gia tăng cùng chính sách thắt chặt tiền tệ và tài khóa ở nhiều quốc gia có thể khiến nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng.
Thị trường bất động sản đầy sức hút
Với triển vọng này, Cushman & Wakefield cho rằng thị trường bất động sản Đông Nam Á có thể phục hồi vào năm 2023 và hoạt động mạnh mẽ trong thập kỷ tới. Động lực chính là sự mở cửa trở lại của Trung Quốc.
“2022 là một năm bội thu đối với doanh số đầu tư bất động sản tại Đông Nam Á, bất chấp môi trường đầu tư đầy thách thức trong bối cảnh lạm phát tăng và lãi suất cao. Tổng doanh số đầu tư vào năm 2022 đạt 18,8 tỷ USD, mức cao nhất trong một thập kỷ”, các chuyên gia của Cushman & Wakefield cho biết.
Báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam quý 1/2023 của Colliers mới đây cũng ghi nhận một vài tín hiệu tích cực trong ba tháng đầu năm khi tình hình lãi suất dần ổn định. Điều này cải thiện tâm lý thị trường, đặc biệt với nhà đầu tư trong và ngoài nước có vốn mạnh tận dụng lúc “giao thời” này để đẩy nhanh quá trình thẩm định, đàm phán và giao dịch.
"Trong vài quý tới, thị trường kỳ vọng sẽ chứng kiến các thương vụ đầu tư quy mô lớn. Các phân khúc hồi phục tốt nhất là nhà ở, công nghiệp và bán lẻ, nhờ duy trì sức cầu và tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn. Xét trên tổng thể, điều này cho thấy Việt Nam vẫn là một trong những thị trường bất động sản được săn đón nhất trong khu vực nhờ được hậu thuẫn bởi các nền tảng vững chắc”, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam nhận định.
Lúc này, các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu từ Đông Bắc Á, Bắc Mỹ và châu Âu, đang tận dụng thời điểm giảm tốc để mở rộng thị phần ở các phân khúc có cầu vượt cung tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh mọi nước đi đều được tính toán kỹ lưỡng trong bối cảnh thị trường nội địa còn nhiều diễn biến khó đoán.
Bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực vẫn là điểm sáng trong năm nay. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, hiện tượng khu vực hóa thương mại và đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á sẽ thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực hậu cần và công nghiệp, văn phòng và nhà ở.
"Khi chính sách hoàn thiện hơn, môi trường kinh doanh thuận lợi và hiệu quả hành chính được cải thiện, sẽ giúp thúc đẩy sự trưởng thành và thể chế hóa của thị trường bất động sản Việt Nam”, bà Trang Bùi đánh giá.
Đi sâu vào từng loại hình bất động sản, bà cho biết nhu cầu văn phòng được kỳ vọng tiếp tục khả quan trong năm 2023, nhất là các tòa nhà chất lượng cao ở khu vực trung tâm TP.HCM. Đồng thời, một số trung tâm văn phòng mới với các dự án hạng A đã được được thành lập ở khu vực ngoài trung tâm, trong đó chủ yếu dịch chuyển về phía Nam (quận 7) và phía Đông (TP Thủ Đức).
Còn ở thị trường Hà Nội, tình trạng khan hiếm nguồn cung văn phòng vẫn diễn ra trong trung tâm thành phố. Nguồn cung tương lai đa số đang được xây dựng tại khu vực ngoài trung tâm, đặc biệt là các quận nội thành phía tây.
Đối với bất động sản công nghiệp, miền Nam đang được định vị để trở thành trung tâm sản xuất mới. Việc giá thuê đất và chi phí sử dụng đất tăng khiến mô hình nhà xưởng xây sẵn có thể sẽ trở thành loại tài sản được ưa chuộng trong thời gian tới.
Trong khi đó, miền Bắc lại ghi nhận sự quan tâm vào mô hình nhà kho xây sẵn bất chấp những dự báo giảm do ảnh hưởng của lạm phát và bất ổn kinh tế. "Một khi thị trường ghi nhận nhiều tài sản thoái vốn, đó là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm tài sản để đầu tư và chuẩn bị cho việc mở rộng", bà Trang Bùi nhìn nhận.
Với bất động sản nhà ở, bà nhấn mạnh phân khúc hạng sang và siêu sang tại TP.HCM gần đây đã xuất hiện tình trạng thừa cung. Thị trường Hà Nội cũng dự kiến có tốc độ tăng trưởng chậm lại trong năm 2023. Tuy nhiên, nhà ở đáp ứng nhu cầu ở thực, bao gồm phân khúc trung cấp và cao cấp, vẫn tiếp tục đón nhận sự quan tâm lớn.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.